Lời chúc Tết dành cho doanh nhân
Lời chúc nào thú vị nhất dành cho doanh nhân? Chúc gì đối với doanh nhân là điều không dễ dàng. Vì rằng, ai cũng thừa biết đã thành đạt, đã trở thành lớp người giàu có thì họ đã thừa bản lĩnh, tri thức để tự biết mình đang cần câu chúc như thế nào.
Vậy nên, cách tốt nhất nhân dịp Tết đến là nhìn lại một chặng đường dài hình thành nên tầng lớp doanh nhân đúng nghĩa. Từ đó, chính họ sẽ tìm ra câu chúc dành cho chính mình.
Ngày trước, muốn tiến thân phải qua con đường khoa cử, vì thế các nhà nho nước ta không đánh giá cao việc doanh thương, dẫu vẫn biết “phi thương bất phú”. Sau này, trong giáo trình Quốc dân độc bản của Trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã phê phán: “Phàm những kẻ biết đôi chút từ chương là đã vênh vang tự cho mình là sĩ, không thèm đứng cùng hàng với nông, công, thương, họ cho là hèn hạ, gọi là dân buôn, dân thợ, dân cúng, ngu dốt, thậm chí có kẻ không thèm nói đến vải vóc, thóc gạo nữa!”. Quan niệm này đã tồn tại hàng nghìn năm, chính vì thế xã hội ta trải qua bao thăng trầm lịch sử, có rất nhiều kẻ sĩ dẫu có giỏi về nhiều mặt nhưng… không giỏi về buôn bán!
Nhà nghiên cứu Đào Hùng trong bài viết Nghề buôn dưới mắt người Việt đã có những nhận xét khiến ta suy nghĩ: “Giở lại bộ sưu tập truyện cổ tương đối hoàn chỉnh Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (của Nguyễn Đổng Chi), ta thấy trong số 160 truyện chỉ có hai truyện nói đến nhân vật lái buôn. Đó là truyện Con mụ Lường và Đồng tiền Vạn Lịch, mà cả hai truyện đều nói đến cái xấu xa của những người đi buôn. Trong khi đó, nếu so sánh với bộ truyện cổ Nghìn lẻ một đêm của Ả Rập, nhân vật lái buôn có mặt khắp nơi, mà họ là những người đáng kính, đại diện cho đức tính trung thực, dũng cảm, khôn ngoan, có học… Cái tâm lý xem rẻ nghề buôn đó đã khiến chúng ta không xây dựng được truyền thống tốt đẹp trong việc buôn bán. Chúng ta thiếu một cơ sở đạo lý của nghề buôn, mà thậm chí còn xem nghề buôn đồng nhất với sự lừa lọc. Đó cũng là biểu hiện của tâm lý tiểu thương, chỉ nghĩ đến việc kiếm lời bằng mánh khóe, thủ đoạn, không có tầm nhìn xa trong kinh doanh…” (Tạp chí Xưa và Nay số 4, tháng 7/1995).
Quan niệm cũ kỹ ấy chỉ thay đổi vào những năm đầu thế kỷ XX, khi mà làn gió Tân thư, Tân văn từ Trung Quốc, Nhật Bản… thổi vào Việt Nam, khi mà làn sóng Duy Tân trong nước do các nhà nho cấp tiến, yêu nước và các nhà Tây học khởi xướng đã khuấy động rầm rộ từ Nam chí Bắc. Là nhân chứng của thời điểm này, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng sau này viết: “Địa ngục mấy tầng, ngọn triều Âu tràn vô ở bốn mặt, đồng nội mịt mù, đêm dài dằng dặc, bỗng đâu gà hàng xóm gáy lên một tiếng, giấc mộng quần chúng thoạt tỉnh dậy: sau cuộc Trung – Nhật chiến tranh (1894), Canh Tý liên binh (1900), người Trung Hoa đã dịch các học thuyết Đông Tây, sách báo của các danh nhân như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, tạp chí của phái cách mạng Tôn Dật Tiên lần lần lọt vào nước ta. Trong học giới có bạn đã sẵn tư tưởng quốc gia cùng lòng đau đớn với giống nòi, được đọc loại sách báo nói trên, như trong buồng tối, bỗng chợt thấy tia ánh sáng lọt vào, những học thuyết mới “cạnh tranh sinh tồn”, “nhân quyền tự do” gần chiếm cả cái chủ đích môn học khoa cử ngày trước…”.
Từ đây, các chí sĩ tiên phong của phong trào Duy Tân đã phát động phong trào đổi mới triệt để mọi mặt, không chỉ “hóa dân” (mở mang dân trí) mà còn phải chung sức làm cho “cường quốc” (làm cho nước mạnh). Họ hô hào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích mọi người bước vào công thương nghiệp, dũng cảm kinh doanh, đầu tư cho sản xuất để cạnh tranh với ngoại bang.
Cuộc cọ xát dữ dội theo quan niệm đổi mới từ suy nghĩ đến thực tiễn của công cuộc kinh doanh, có thể ghi nhận đó là một cuộc cách mạng. Khi đánh thức tinh thần quốc dân về lợi ích của việc buôn bán nói chung, các nhà nho Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Ngô Đức Kế, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Thúc Duyện, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân, Lê Bá Trinh, Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi… đã đặt nền móng trước nhất. Để làm gương cho quốc dân, các cụ vứt bỏ học vị tiến sĩ, phó bảng… thậm chí từ quan để mở trường dạy học theo lối mới, nghĩa là dạy học trò ý thức học để sau này làm những việc ích nước lợi dân, chứ không phải để đạt đến mục tiêu cuối cùng là làm quan. Các cụ còn mở cửa hàng buôn bán (thương cuộc), lập công ty (hợp thương).
Còn trong Nam, cũng thời điểm này, khi nhà nho Nguyễn An Khương mở hiệu bán cơm thì trên Lục tỉnh tân văn số 8, ra ngày 2/1/1908 cụ cũng phải trình bày việc làm của mình để được đồng cảm và chia sẻ: “Thuở nay, trong bạn đồng bào ta những tay có tiền hay cho nghề bán cơm là nghề hèn cho nên không một ai mở tiệm cạnh tranh với Hoa kiều… Bởi vậy, tôi muốn quyết một lòng rửa hổ, không sợ mang danh chú bán cơm, ráng sức kinh doanh, lập ra một tiệm tiên lầu tại đường Kinh Lấp (Boulevard) số 49 gần chợ Sài Gòn lắm. Hiệu tiệm là Chiêu Nam Lầu (nghĩa là tiệm tiên lầu mà chiêu đãi người An Nam)… Tôi lại ước ao cho các đồng bang đừng có ngại về danh tiếng hoặc xuất vốn nhà, hoặc rủ hùn mà lập lấy năm bảy tiệm hùn như vậy… Chú bán cơm, Nguyễn An Khương đốn thủ”.
Tất nhiên, thay đổi tận gốc rễ một quan niệm cũ, xây dựng một ý thức mới không phải là việc làm ngày một ngày hai mà là cả một quá trình lâu dài. Trước hết là phải cổ động, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng về nhận thức “dân giàu thì nước mạnh”. Nhưng làm giàu bằng cách nào?
Cụ Lương Văn Can (1854-1927) – thục trưởng của Trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã viết trong quyển Kim cổ cách ngôn: “Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là nguồn thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy hoặc phiêu lưu mạo hiểm… Xét kỹ ra, người ta giàu nghèo là ở tâm đức, ở lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đây cũng là phép thuật kinh doanh đấy thôi”.
Hầu hết trong các sách của Trường Đông Kinh Nghĩa Thục đều chỉ ra rằng, muốn làm giàu thì trước hết phải học:
Có học mới biết đường biết lối
Không học mờ như tối như đêm
Trong Tỉnh quốc hồn ca, cụ Phan Châu Trinh khuyên trước hết mọi người phải học lấy một nghề. Sau khi đã thông thạo nghề, thì phải chung vốn làm ăn, cải tiến máy móc, sản xuất nhiều mặt hàng. Mà muốn việc chung vốn làm ăn thành công, theo cụ Phan Châu Trinh, người mình cần khắc phục một thói xấu là thường không biết giữ chữ “tín”.
Đi vào công cuộc làm giàu, trong các sách của Trường Đông Kinh Nghĩa Thục đều đề cập đến nhiều vấn đề rất mới, rất thiết thực trong thời điểm đó. Chẳng hạn, trong Văn minh tân học sách chỉ ra rằng trước hết phải chấn thương công nghệ: “Công nghệ rất quan hệ với quốc gia, ta không hơn người thì người sẽ bỏ rơi ta… Tưởng nên đón thầy giỏi, mua đồ mẫu, chọn người khéo tay, nhanh trí khôn để cho vào học, rồi triều đình thời thường săn sóc dạy dỗ họ. Lại hạ lệnh khắp nước hễ ai học được kiểu mới, chế tạo được đồ mới, thì theo lối Âu châu cấp cho bằng khen làm lưu chiếu, thưởng cho phẩm hàm để khen ngợi họ, cấp cho lương bổng để khen thưởng họ, cho giữ quyền sáng tạo để bảo vệ quyền lợi của họ. Những ai giỏi về khoa cách trí, khí học, hóa học thì làm cho họ được vẻ vang, sang trọng hơn những người đỗ đại khoa”. Hoặc trong Quốc văn độc bản, với 79 tiểu mục có đề cập đến những vấn đề liên quan đến công thương doanh nghiệp như cạnh tranh, chấn hưng thực nghiệp, nhân công, ích lợi của đại công nghiệp, mậu dịch, thông thương, tiền tệ, ngân hàng, trái phiếu, hối phiếu, séc…
Đọc lại những tài liệu này, quả thật phải lấy làm ngạc nhiên không rõ tại sao thời ấy các bậc túc nho lại đổi mới trong tư duy đến thế. Mà không chỉ đổi mới trong tư duy, các cụ còn xắn tay áo thực hiện “những việc cần làm ngay” để quốc dân noi gương. Và trải qua năm tháng gian nan thay đổi từ trong nhận thức, đến nay nước ta đã có một tầng lớp doanh nhân là động lục phát triển kinh tế.
Vậy nên, câu chúc thế nào, thiết nghĩ căn cứ vào đó, ta đã tìm ra.
Theo Doanh nhân Sài Gòn