Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ cấp điện, nước sạch cho các khu, cụm công nghiệp mới
Để sớm hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, các quận, huyện cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp, như: Cấp điện, nước sạch, thoát nước, viễn thông…đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhà đầu tư.
Hiện nay, TP. Hà Nội có 10 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút gần 166.000 lao động, với 711 dự án đang còn hiệu lực đầu tư. Trong đó, có 307 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn đăng ký gần 6,3 tỷ USD; 404 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký gần 19.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho gần 166.000 lao động với thu nhập ổn định. Có 26 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại các KCN…
Ngành nghề thu hút đầu tư chủ yếu tập trung vào ngành điện, điện tử chiếm 50%; công nghiệp cơ khí, chế tạo chiếm 25%…, góp phần thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp đang được ưu tiên.
Đối với việc triển khai cụm công nghiệp, tính đến tháng 9/2022, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện 105 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.344ha (bình quân 22ha/cụm) và phân bố tại 19 quận, huyện, thị xã. Hiện các cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định và có xu hướng tiếp tục phát triển, thu hút được gần 4.200 hộ sản xuất, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh, thu hút gần 80.000 lao động….
Trước Nghị định số 68/2017/NĐ-CP có hiệu lực, trên địa bàn Thành phố đã hình thành 74 cụm công nghiệp với tổng diện tích theo quy hoạch 1.896ha. Trong đó có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch 1.686ha và 4 cụm công nghiệp vẫn đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chưa đi vào hoạt động với diện tích 210,249ha.
Trong 70 cụm công nghiệp đang hoạt động có 49 cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch tiếp tục đưa vào quy hoạch để tiếp tục hoạt động, phát triển và 21 cụm công nghiệp không phù hợp quy hoạch được giữ nguyên hiện trạng để hoạt động, từng bước có lộ trình để chuyển đổi trước năm 2030.
Có thể thấy rõ, sự hình thành các khu, cụm công nghiệp đã giúp di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất, đồng thời góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm trong khu dân cư. Sự phát triển của hai thiết chế này đã mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Tuy nhiên, sự phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế. Đó là việc nhiều dự án chậm tiến độ, chậm hoàn thành các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng. Các khu, cụm công nghiệp chủ yếu sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu nên không kích thích được sản xuất trong nước. Việc xây dựng thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp cũng chưa được giải quyết căn cơ, triệt để; còn xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự trong các khu, cụm công nghiệp…
Theo phương hướng phát triển công nghiệp Thủ đô đến năm 2030-2045, Thành ủy Hà Nội đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tỷ trọng giá trị công nghiệp chiếm trên 70% giá trị lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong công nghiệp đạt trên 90%…
Để đạt mục tiêu trên, điều đầu tiên cần tập trung thực hiện là các sở, ngành, địa phương sớm rà soát lại toàn bộ dự án đầu tư khu, cụm công nghiệp; thực hiện giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bảo đảm cải cách tối đa thủ tục hành chính.
Trên cơ sở những bất cập từ cơ sở cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kịp thời những vấn đề vượt khả năng để có hướng xử lý, qua đó có thể sớm hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới.
UBND Thành phố cũng cần nghiên cứu, tính toán việc thực hiện phân cấp, ủy quyền thực hiện một số thủ tục đầu tư cho các địa phương, đơn vị.
Về phía chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, cần ký cam kết tập trung nguồn lực để dự án hoàn thành đúng tiến độ. Trong đó, cần ưu tiên các nhà đầu tư, dự án sử dụng công nghệ mới, kỹ thuật cao, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường.
Đối với chính quyền các quận, huyện, thị xã, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp, như: Cấp điện, nước sạch, thoát nước, thông tin, viễn thông…, đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhà đầu tư.
Trên cơ sở đó phân công rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể trong việc chỉ đạo, điều hành để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh…/.
Theo Môi trường và Đô thị VN