Văn học, nghệ thuật tích cực đóng góp xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Sáng 17/7, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức tọa đàm “Vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” nhằm đánh giá những thành tựu đã đạt được và những hạn chế, biện pháp khắc phục trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong giai đoạn hiện nay.
Tọa đàm nhằm đánh giá những thành tựu đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triên văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”.
Trong thời gian qua, văn học, nghệ thuật Thủ đô Hà Nội đã xuất hiện nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, đề cập đến những vấn đề cấp thiết của xã hội, những thân phận con người, đặc biệt, có những tác phẩm có tác dụng cảnh báo nhằm đẩy lùi cái ác, vun đắp cái thiện… qua đó khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của vùng đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và xây dựng văn hóa Thủ đô thực sự trở thành động lực, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Bàn về vai trò của văn học nghệ thuật trong việc xây dựng đạo đức tâm hồn người Hà Nội thanh lịch văn minh, Tiến sĩ Đặng Chí Thông, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội khẳng định: nhiều thập kỷ qua đến nay, văn học nghệ thuật Thủ đô luôn phát huy truyền thống tốt đẹp trong chiến tranh bảo vệ nền độc lập tự do dân tộc, và trong giai đoạn xây dựng phát triển kinh tế đất nước. Nhiều tác phẩm được đánh giá cao về cả nội dung và hình thức trong phản ánh những vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội trên mọi phương diện với nhiều góc độ khác nhau.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu và đóng góp, hiện nay văn học nghệ thuật vẫn còn một số hạn chế trong quá trình phát triển: vẫn còn không ít tác phẩm mờ nhạt, non yếu về chất lượng tư tưởng và nghệ thuật, chạy theo những vấn đề bạo lực, bản năng mà quên đi chức năng giáo dục, dự báo… nhiều tác phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thưởng thức của xã hội, chưa có nhiều tác phẩm có giá trị cao về nội dung, tư tưởng, tính thẩm mỹ nghệ thuật, chưa phản ánh sâu sắc hơi thở cuộc sống lao động, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Đáng chú ý, xu hướng thị trường cũng đang ngày càng tác động đến đời sống văn học, nghệ thuật hiện nay. Với mục đích tạo ra lợi nhuận cao và khuynh hướng thương mại hóa, nhiều tác giả đã sáng tác, quảng bá tác phẩm chiều theo thị hiếu dễ dãi của một bộ phận công chúng để cho ra nhiều tác phẩm giật gân, bạo lực… nhiều tác phẩm đã xuất hiện xu hướng thương mại hóa và sự xâm nhập yếu tố ngôn ngữ ngoại sinh làm ảnh hưởng đến giá trị văn hóa nghệ thuật cùng với việc giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nếp sống thuần phong mỹ tục của người Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Để tiếp tục phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng con người Việt Nam nói chung và người Thủ đô thanh lịch, văn minh nói riêng, nhiều ý kiến đóng góp tại tọa đàm đã chỉ ra những yêu cầu trong sáng tác, công bố tác phẩm và những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ Thủ đô. Theo đó, cần phải đề cao trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống con người Hà Nội; nâng cao chất lượng sáng tácvăn học nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay; tăng cường công tác lý luận phê bình tuyên truyền, quảng bá, định hướng hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật; tổ chức tốt việc quảng bá, tuyên truyền tác phẩm văn học nghệ thuật, đưa sản phẩm văn học nghệ thuật đến với mọi quần chúng Nhân dân Thủ đô, từ đó góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…
Theo Doanh nghiệp và Thương hiệu