Ngày 14-1, nhiều người dân đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư dự án HomeLand Green City (tại thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) đã tập trung về Chi nhánh Công ty CP đầu tư và phát triển bất động sản HomeLand (gọi tắt Công ty HomeLand) tại Quảng Ngãi để yêu cầu trả lại tiền họ đã ký kết đầu tư theo hợp đồng.
Ông Nguyễn Quốc Phong (Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) – một nhà đầu tư – cho biết tháng 5-2019, ông có ký kết 3 hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty HomeLand để nhận chuyển nhượng 3 lô đất nền tại dự án HomeLand Green City. Tổng giá trị 3 hợp đồng gần 2,7 tỉ đồng và ông đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng (hơn 2,5 tỉ đồng)
“Theo thỏa thuận, sau khi hợp đồng đã ký kết 12 tháng, bên phía Công ty HomeLand phải giao quyền sử dụng đất cho tôi. Nếu vi phạm, phía Công ty HomeLand phải bồi thường 50% giá trị hợp đồng, đồng thời trả lại tiền gốc. Thế nhưng 12 tháng sau khi hợp đồng được ký kết, phía Công ty HomeLand vẫn không giao quyền sử dụng đất. Sau đó, Công ty HomeLand ra thông báo xin gia hạn đến cuối tháng 11-2020 sẽ giao quyền sử dụng đất nhưng tiếp tục lại không có”.
Nhận thấy việc chôn vốn quá lâu gây thiệt hại cho mình, ông Phong đã làm việc với lãnh đạo Công ty và dưa ra yêu cầu rút vốn đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Phong, lãnh đạo Công ty Homeland liên tục thoái thác, chỉ trả cho ông số tiền là 1 tỷ đồng. Còn lại hơn 1,5 tỷ hiện ông phải gánh lãi xuất hàng tháng lên đến hàng chục triệu đồng.
“Gần đây nhất là ngày 12-1, khi tôi đến Công ty HomeLand, họ nói chưa có tiền và không cho biết ngày nào sẽ trả. Đây rõ ràng là hành vi chiếm dụng vốn”, ông Phong nói.
Tương tự, ông Nguyễn T.H. cũng có hợp đồng đầu tư với Công ty HomeLand để nhận chuyển nhượng dự án HomeLand Green City. Thế nhưng, sau nhiều lần trễ hẹn giao quyền sử dụng đất, phía Công ty HomeLand cũng chưa trả lại tiền cho ông H.
Tuy nhiên, điều làm cho nhà đầu tư này bức xúc là thái độ thách thức của lãnh đạo công ty này. “Sau nhiều lần hứa hẹn trả lại tiền gốc, chẳng những chưa trả, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và phát triển bất động sản HomeLand có lời lẽ đầy thách thức rằng nếu ai làm căng, gửi đơn cho công an, chúng tôi vẫn phục vụ!” – Ông Phong kể lại.
Đại diện công ty Homeland, chủ đầu tư dự án HomeLand Green City, ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch hội đồng quản trị xác nhận thông tin trên.
Ông Hòa lý giải việc chậm hoàn thành nghĩa vụ đối với các nhà đầu tư là vì nhiều lý do khách quan. “Chúng tôi đã hoàn thiện hạ tầng dự án, tuy nhiên hiện tại chưa được phê duyệt giá đất để có cơ sở hoàn thành tiếp tục các nghĩa vụ với nhà đầu tư. Thời gian qua dịch Covid-19 bùng phát, việc đi lại khó khăn nên chậm trễ giao sổ đỏ vài ba tháng là bình thường. Ngoài ra còn có nhiều lý do khách quan, tế nhị khác như là lãnh đạo tỉnh, các sở ngành vừa mới thay đổi, các thủ tục khác vẫn chưa kịp thời để đáp ứng nhà đầu tư”.
Ông Hòa nêu quan điểm nếu các nhà đầu tư có nguyện vọng rút vốn thì sẵn sàng đáp ứng, tuy nhiên vì cùng lúc có nhiều người cũng làm vậy nên chưa xoay sở kịp.
“Nhiều người họ ký hợp đồng lúc giá cao, nay giá đất xuống, họ muốn rút tiền là dễ hiểu thôi. Chúng tôi sẵn sàng chi trả và đã chi trả cho hầu hết các trường hợp trên, chỉ còn mỗi ông Phong với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Chúng tôi đã tiếp cận vấn đề hết sức cầu thị, nhiều người đã hiểu và thông cảm. Một lúc nhiều người đòi, số tiền lớn nên chúng tôi phải xoay sở, giải quyết lần lượt. Riêng người này liên tục nói rằng mình có quen thân nhiều lãnh đạo, báo chí, dọa sẽ làm lớn chuyện các thứ nên gây bức xúc cho đôi bên.” – ông Hòa cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài những trường hợp trên, hiện cũng có hàng chục người đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư dự án HomeLand Green City với Công ty HomeLand. Ngoài dự án này, còn có nhiều trường hợp các nhà đầu tư thứ cấp cũng gặp phải tình trạng tương tự và các dự án khác trên địa bàn cũng do công ty này làm chủ đầu tư đã yêu cầu hoàn trả lại tiền.
Việc các bên tiến hành ký kết “hợp đồng hợp tác đầu tư” là điều khá phổ biến trong giao dịch bất động sản. Ngay từ đầu hợp đồng này đã xác định mục đích cuối cùng mà các bên hướng tới là quyền sở hữu đất nền được mô tả một cách cụ thể và chi tiết trong hợp đồng.
Rõ ràng, đối tượng của việc giao dịch này thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP đã quy định khá rõ là “bên hợp tác, góp vốn …” chỉ được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu), và CĐT không được phép huy động vốn để chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà hoặc phân chia quyền sử dụng đất trong dự án của bên huy động. Bên cạnh đó, tại Điều 8 Luật Kinh doanh Bất động sản đã liệt kê những hành vi bị cấm, trong đó có hành vi “kinh doanh BĐS khi chưa đủ điều kiện”, và hành vi “huy động vốn trái phép”.
Một bên chủ đầu đã cố ý và nhằm mục đích thu tiền và huy động vốn trái với quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai và Luật Nhà ở. Bên còn lại (tức khách hàng) thì muốn giành quyền ưu tiên và mua trước khi sản phẩm được phép chính thức mở bán theo luật định, bất chấp những lời cảnh báo của các Cơ quan nhà nước.
Theo Tầm Nhìn