Nhờ hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường được tăng cường. Tình hình môi trường trên địa bàn được cải thiện, chất lượng môi trường được nâng lên. Tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường; quy hoạch xây dựng các Cụm công nghiệp làng nghề tập trung, giải quyết mặt bằng, di chuyển được trên 400 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong các khu dân cư làng nghề đến Cụm công nghiệp hoạt động.
Đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng; xây dựng các địa điểm tập kết, trung chuyển chất thải, rác thải, hệ thống tiêu thoát nước, ao, hồ, kênh mương tại hầu hết các thôn, khu dân cư; quy hoạch, bảo tồn, phát triển hệ thống cây xanh đảm bảo diện tích theo quy định về bảo vệ môi trường.
Tăng cường quản lý, cải tạo, giữ vệ sinh môi trường các nghĩa trang nhân dân. Hầu hết các Cụm công nghiệp, Bệnh viện, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, cơ sở chăn nuôi tập trung có nguồn xả thải ô nhiễm đều được xây dựng, lắp đặt hệ thống, thiết bị xử lý nước thải. Đẩy mạnh tổ chức thực hiện kịp thời, thường xuyên công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải hàng ngày đạt trên 98%.
Các vi phạm gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trên địa bàn được kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm. Đã tập trung giải quyết, xử lý xong dứt điểm, giải tỏa, chấm dứt hoạt động đối với toàn bộ các cơ sở sản xuất gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường tại các xã trên địa bàn (79 cơ sở sản xuất). Giải quyết cơ bản tình trạng đun đốt than tổ ong, đốt rơm rạ, rác thải trái phép. Trên địa bàn huyện không để xảy ra tình hình phức tạp, điểm nóng về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trong thời gian tới, phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thường Tín sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tập trung giải quyết, khắc phục các tồn tại hạn chế về môi trường trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường. Tăng cường, tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh và huy động xã hội hóa cho hoạt động bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường.
Song song đó sẽ đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng xây dựng cụm công nghiệp, quản lý tốt quy hoạch cụm công nghiệp, di dời các hộ sản xuất làng nghề trong khu dân cư ra sản xuất tại các cụm công nghiệp; tăng cường kiểm tra, quản lý, xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm về môi trường, xả thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cơ sở công nghiệp trong cụm công nghiệp và làng nghề.
Đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình cấp nước tập trung. Tăng cường công tác tuyên truyền, phát huy vai trò của các đoàn thể trong triển khai các phong trào thi đua bảo vệ môi trường. Tiếp tục vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong mai táng, xây dựng nghĩa trang nhân dân tập trung. Đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang nghĩa trang hiện có (xây dựng tường bao xung quanh, trồng cây xanh tạo vùng đệm giữa nghĩa trang với môi trường xunh quanh). Nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang hệ thống ao, hồ trong khu dân cư, phát động phong trào ngày thứ 7, chủ nhật xanh. Đầu tư cơ sở hạ tầng hệ thống nước thải tập trung, xử lý thuốc bảo vệ thực vật, vỏ lọ hóa chất vắc xin sau sử dụng theo quy định.
Từng bước di dời các hộ chăn nuôi trong khu dân cư ra khu chăn nuôi tập trung, tập huấn cho nông dân thực hành nông nghiệp tốt, tạo sản phẩm an toàn thực phẩm, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thu gom, xử lý triệt để chất thải nguy hại trong trồng trọt, chăn nuôi. Triển khai lắp đặt các thùng chứa vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên đồng ruộng.
Theo Môi trường và Đô thị VN