“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.
Thành công, thành công, đại thành công.”
Câu nói giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm hành động của Đảng, của toàn quân, toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Dưới cờ Đảng vẻ vang, từ khắp mọi miền đất nước, những người con ưu tú đã chung sức đồng lòng, chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Đất nước thống nhất, tinh thần đoàn kết ấy lại được phát huy ở tầm cao mới, để nhân dân Việt Nam vượt qua gian nan, tiến bước trên con đường đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những “Bài ca Kết đoàn” vẫn vang lên như Bác bắt nhịp thuở nào, để kết thành ý chí, quyết tâm xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Trưng bày là lời khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”. Trưng bày được thể hiện qua 2 nội dung: Dấu ấn nơi miền quê và Dưới cờ Đảng vẻ vang.
Dấu ấn nơi miền quê là câu chuyện kể về những người con ưu tú trong cùng gia đình, dòng họ ở một số miền quê, đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ vùng quê nghèo “bạc vai áo mẹ”, bao chiến sĩ quyết đi theo con đường cách mạng, nguyện hy sinh hạnh phúc riêng tư, kiên cường đấu tranh để góp phần giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Mặc dù bị địch bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò và nhiều nhà tù khác, những người con ưu tú vẫn luôn siết chặt tay nhau, chống lại chế độ giam cầm hà khắc với tinh thần: “Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết”.
* Đông Mỹ – Vang mãi bài ca Tháng Tám
Xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội – nơi thành lập Chi bộ Đông Phù (Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội). Sự ra đời của Chi bộ ngày 15/5/1930 đã thúc đẩy và nuôi dưỡng ngọn lửa cách mạng nơi đây thêm sáng chói.
Năm 1939 – 1942, nhiều đồng chí lãnh đạo của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ đã về Đông Mỹ chỉ đạo phong trào đấu tranh, đặt các cơ quan giao thông, in ấn. Tham gia hoạt động cách mạng, nhiều người con của Đông Mỹ từng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò và các nhà tù khác như: đồng chí Đỗ Mười, Nguyễn Thị Tam, Nguyễn Thọ Chân, Phạm Gia, Phạm Thạch Tâm… Sau khi thoát khỏi những “địa ngục trần gian”, các đồng chí đã tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
* Ô Chợ Dừa – Tự hào những đảng viên xuất sắc thời dựng Đảng
Nhà số 8, phố Ô Chợ Dừa (nay thuộc khu vực ngã năm Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) từng là nơi sinh sống, là địa điểm liên lạc bí mật của hai anh em đồng chí: Mai Lập Đôn và Mai Ngọc Thuyết – những đảng viên xuất sắc thời dựng Đảng. Mặc dù bị địch bắt, tù đày nhưng với nhiệt huyết cách mạng, hai người chiến sĩ kiên trung đã có nhiều đóng góp trong quá trình dựng Đảng từ những năm tháng đầu tiên.
* Nghĩa Trụ – Tỏa sáng bản hùng ca
Ai về Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm.
Xã Nghĩa Trụ (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) nổi tiếng là miền quê “địa linh nhân kiệt” cùng với các làng nghề đã đi vào ca dao. Những truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ và quê hương sớm ảnh hưởng sâu sắc tới những người con yêu nước nơi đây như: đồng chí Tô Chấn, Tô Hiệu, Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Lương, Nguyễn Tài… Đi theo tiếng gọi của cách mạng, nhiều người con của Nghĩa Trụ bị địch bắt, giam hay hy sinh ngay tại nơi tù đày khắc nghiệt, nhưng vẫn nguyện hiến dâng trọn đời cho Tổ quốc.
* Nam Vân – Quê hương của những nhà chiến lược tài ba
Xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định – quê hương của nhiều người con ưu tú trong đó có ba anh em: đồng chí Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải), Thượng tướng Đinh Đức Thiện (Phan Đình Dinh), Đại tướng Mai Chí Thọ (Phan Đình Đống). Trong quá trình hoạt động cách mạng, các đồng chí từng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò và nhiều nhà tù khác. Những năm tháng bị sa vào tay giặc cũng là thời gian để các đồng chí càng mài sắc ý chí đấu tranh, rèn giũa khí phách của những nhà chiến lược tài ba.
* Võ Liệt – Chuyện kể về những người con ưu tú
Xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) – vùng đất nổi tiếng với bề dày lịch sử, đặc biệt là trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 – 1931). Riêng gia đình họ Tôn giai đoạn 1925 – 1945 có hai anh em – hai chiến sĩ cách mạng kiên cường: Tôn Quang Phiệt và Tôn Thị Quế. Đứng trong hàng ngũ đấu tranh do Đảng lãnh đạo, hai đồng chí từng bị thực dân Pháp bắt, giam nhiều năm tại các nhà tù. Đóng góp của những người con ưu tú đã góp phần tỏa sáng truyền thống của một vùng quê Xô Viết anh hùng.
Nội dung thứ 2: Dưới cờ Đảng vẻ vang khái quát lại chặng đường dân tộc Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng vượt qua những chặng đường khó khăn sau chiến tranh, để xây dựng nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Trong di chúc, Hồ Chủ tịch đã nhắn nhủ: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Mỗi kỳ Đại hội Đảng đánh dấu mốc lịch sử quan trọng: “Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa” (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm đất nước đã trải qua hành trình 35 năm đổi mới kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986), là dấu mốc có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đi lên, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. “Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng). Trước thềm Đại hội, các công tác chuẩn bị đang được hoàn tất, đặc biệt là công tác chuẩn bị về nhân sự: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó, công tác phòng chống tham nhũng vẫn được đẩy mạnh, vì “phòng, chống tham nhũng tốt, chọn nhân sự tốt thì Đại hội thành công tốt đẹp” (Trích: Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 15/01/2020).
Năm 2020, cả thế giới gồng mình đối phó với dịch Covid-19. Trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch trên thế giới, Đảng và Nhà nước đã có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt, kịp thời. Với phương châm hành động: “Chống dịch như chống giặc”, một “cuộc chiến đấu trong thời bình” bắt đầu. Bằng tinh thần đoàn kết toàn dân, đặc biệt là các “chiến sĩ” trên tuyến đầu như: cán bộ y tế, lực lượng vũ trang nhân dân, tình nguyện viên…, đại dịch Covid-19 dần được khống chế ở Việt Nam.
Trong cuộc chiến với dịch bệnh, hình ảnh những y, bác sĩ trẻ tranh thủ nghỉ ngay tại bậc thềm khu cách ly sau nhiều giờ làm việc liên tục, hay những nhân viên y tế kiệt sức sau khi cấp cứu bệnh nhân; các chiến sĩ biên phòng túc trực tại chốt phòng, chống dịch ở cửa khẩu, ăn vội bữa cơm để trên lá chuối giữa đường… là những hình ảnh không thể quên trong những ngày chống dịch.
Với tinh thần “Sẵn sàng đón bà con về nước”, Chính phủ đã chỉ đạo và đề ra được nhiều phương án để đưa những công dân có hoàn cảnh khó khăn như người ốm đau, trẻ em, người lao động, sinh viên hết hạn làm việc và học tập… từ vùng dịch trở về nước. Mỗi chuyến bay mang theo tình thương của đất nước và hy vọng đoàn viên của biết bao gia đình trong những thời khắc cam go.
Trong không gian trưng bày “Bài ca Kết đoàn”, du khách được sống lại không khí buổi dạ hội của nhân dân Hà Nội chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tại công viên Bách Thảo 55 năm về trước. Khoảnh khắc Bác đứng trên bục chỉ huy, bắt nhịp “Bài ca kết đoàn” được nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long chụp lại, sau này đã trở thành một trong những biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.
Tại Lễ khai mạc, quý vị đại biểu được gặp gỡ thân nhân của các nhân chứng lịch sử được giới thiệu trong trưng bày. Đặc biệt, đại biểu sẽ lắng nghe câu chuyện tình cao đẹp giữa hai chiến sĩ cách mạng Mai Ngọc Thuyết và Nguyễn Văn Mẫn qua lời kể của người con gái duy nhất: bà Nguyễn Hồng Tuyến – cán bộ tiền khởi nghĩa, năm nay đã bước sang tuổi 90.
Tại không gian trưng bày, tài liệu, hiện vật gợi nhớ ký ức về các kỳ Đại hội Đảng, trong đó có các hiện vật của Tổng Bí thư Đỗ Mười được giới thiệu đến công chúng.
Trưng bày được khai mạc ngày 8/1/2021 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo Tầm Nhìn