Những nữ doanh nhân sở hữu doanh nghiệp nghìn tỷ nhưng thân thế đầy bí ẩn ở Hà Nội

Tác giả : Admin 18/09/2020

Là người sáng lập và sở hữu cổ phần chi phối tại doanh nghiệp có vốn điều lệ nghìn tỷ đồng nhưng những thông tin về những nữ doanh nhân dưới đây lại khá ít ỏi.

Bà chủ Quang Minh QMS và bí ẩn dòng tiền nghìn tỷ

Bà Nguyễn Thị Thúy Hường tại lễ khởi công dự án QMS Tower 2.

Công ty cổ phần dịch vụ trường học Quang Minh (Quang Minh QMS) được thành lập từ năm 2007 (có trụ sở tại tầng 9 tòa nhà Startup Tower, đường Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm), là doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực giáo dục.

Đến năm 2013, Quang Minh QMS bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản bằng việc liên danh với Công ty TNHH MTV khảo sát và đo đạc Hà Nội, để thực hiện dự án Tòa nhà hỗn hợp: trung tâm thương mại trụ sở làm việc và văn phòng cho thuê (QMS Tower1) trên lô đất D14 đường Tôn Thất Thuyết, khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) rộng 1204m2, với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng.

Đây vốn là lô đất được TP.Hà Nội quy hoạch cho Công ty TNHH MTV khảo sát và đo đạc Hà Nội xây dựng trụ sở làm việc.

Sau đó, Quang Minh QMS tiếp tục được giới thiệu là chủ đầu tư của hai dự án khác là: Tòa nhà hỗn hợp: dịch vụ thương mại và nhà ở (QMS Tower2) rộng 3500m2 mặt đường Tố Hữu, với tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng. Theo giới thiệu, dự án cao 45 tầng, trong đó 5 tầng hầm để xe, 5 tầng dịch vụ và 35 tầng căn hộ.

Dự án thứ 3 của Quang Minh QMS là Công viên tri thức QMS trên lô đất 2,3ha, với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.

Trong ba dự án của Quang Minh QMS thì QMS Tower1 và QMS Tower2 đang được cầm cố tại 1 tổ chức tín dụng.

Được biết, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thúy Hường (SN 1970) là người sáng lập và sở hữu cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần dịch vụ trường học Quang Minh Quang Minh QMS có 3 cổ đông sáng lập gồm: Trương Công Chính, Nguyễn Ngọc Ninh và Nguyễn Thị Thúy Hường.

Tuy nhiên, đến tháng 10/2018, 2 cổ đông Trương Công Chính và Nguyễn Ngọc Ninh đã chuyển nhượng cổ phần nắm giữ. Đồng thời, số cổ phần trong tay bà Hường tăng lên từ 98% lên 99%.

Tính đến tháng 12/2019, vốn điều lệ của Quang Minh QMS là 968 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, 99% cổ phần do bà Hường sở hữu đang được dùng làm tài sản đảm bảo tại Công ty cổ phần Tài chính Điện lực.

Ngoài số cổ phần tại Quang Minh QMS (có giá trị khoảng hơn 900 tỷ đồng), bà Hường còn tài sản là phần vốn góp theo Hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Gia Lộc Phát để liên doanh liên kết đầu tư và khai thác thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình Khu nhà ở bán tại xã Trung Văn.

Phần vốn góp này cũng đang được dùng làm tài sản đảm bảo tại Công ty cổ phần Tài chính Điện lực.

Là doanh nhân sở hữu khối tài sản cả nghìn tỷ đồng, nhưng thông tin về bà Nguyễn Thị Thúy Hường khá ít ỏi khiến không ít người “tò mò” về dòng tiền của bà chủ Quang Minh QMS đến từ đâu?

Bà Hoàng Thị Kim Loan và những dự án lắm “tai tiếng”

Nữ doanh nhân Hoàng Thị Kim Loan (SN 1958) được biết đến là Chủ tịch HĐQT của Công ty TNHH Thương mại Hỗ trợ Kiến thiết Miền Núi (Công ty Miền Núi) – doanh nghiệp được thành lập từ năm 1992.

Công ty Miền Núi của bà Loan có trụ sở tại số 8, phố Tràng Tiền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, Việt Nam.

Tính đến tháng 2/2020, vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 400 tỷ đồng. Trong đó, bà Loan nắm giữu 99,875% cổ phần, tương đương 399,5 tỷ đồng vốn góp.

Năm 2009, Công ty Miền Núi được TP.Hà Nội giao 6.937m2 đất tại lô E2/D21 (Khu đô thị mới Cầu Giấy).

Đến năm 2011, đã phê duyệt điều chỉnh 1/500 lô E2/D21 Khu đô thị mới Cầu Giấy, được xác định chức năng trụ sở cơ quan, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê.

Tuy nhiên, đến năm 2013, lô đất này được giới thiệu thành dự án “Biệt thự liền kề Premier Hà Nội”, với giá bán từ 130 – 230 triệu/m2.

Công ty Miền Núi của nữ doanh nhân Hoàng Thị Kim Loan còn từng gây xôn xao dư luận khi có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội xin chuyển đổi dự án Trung tâm Thương mại – Dịch vụ Hạ Đình thành Trung tâm Thương mại – Dịch vụ văn hóa tâm linh.

Bên cạnh đó, bà Loan còn từng được biết đến là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị Giáo dục 1 – doanh nghiệp trước đây do nhà nước chiếm giữ 51% cổ phần thuộc Nhà Xuất bản Giáo dục (Bộ GD&ĐT).

Bà Loan cũng là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần đầu tư tài chính quốc gia – doanh nghiệp được thành lập năm 2008.

Mặc dù Công ty Miền Núi có tiếng trong lĩnh vực đầu tư bất động sản nhưng những thông tin về bà Loan vô cùng ít ỏi.

Nữ đại gia Đặng Thị Lý và bóng dáng Tập đoàn Lã Vọng

Công ty Đại An của nữ đại gia Đặng Thị Lý là đối tác của Tập đoàn Lã Vọng tại nhiều dự án.

Được biết đến là người sở hữu khối tài sản nghìn tỷ, góp vốn thực hiện dự án “đất vàng” Hà Nội cùng Tập đoàn Lã Vọng nhưng nữ doanh nhân Đặng Thị Lý chưa bao giờ xuất hiện trước truyền thông. Những thông tin về nữ đại gia này cũng khá ít ỏi.

Theo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bà Lý cùng 2 cổ đông khác là Nguyễn Văn Quang, Lê Văn Vân thành lập Công ty CP Đầu tư phát triển và dịch vụ thương mại Đại An (trụ sở tại số nhà TT14, D22, khu đô thị Văn Quán-Yên Phúc, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP.Hà Nội).

Tháng 5/2018, doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ lên 1.450 tỷ đồng , trong đó, 3 cổ đông sáng lập có sự thay đổi về tỷ lệ sở hữu. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Quang nắm giữ 5,12% (khoảng hơn 74,2 tỷ đồng), bà Đặng Thị Lý nắm giữ 89,76% (khoảng 1.301 tỷ đồng), Lê Văn Vân nắm giữ 5,12% (khoảng hơn 74,2 tỷ đồng).

Công ty Đại An là đối tác của Tập đoàn Lã Vọng tại nhiều dự án bất động sản ở Hà Nội, trong đó có dự án Dự án Ba La – Xuân Mai theo hình thức BT.

Ngoài Đại An, bà Lý còn là cổ đông nắm số lượng cổ phiếu có quyền chi phối tại nhiều doanh nghiệp khác như Công ty CP đầu tư và thương mại Louis, Công ty TNHH đầu tư và thương mại Anh Kiệt.

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, nữ doanh nhân Đặng Thị Lý đã thoái vốn tại Công ty Louis.

Theo Đời sống PL

Tin liên quan