Bất cứ đường phố, ngõ ngách nào ở Hà Nội, từ những khu buôn bán sầm uất đến các phố có các cơ quan Nhà nước, đi đến đâu ta cũng bắt gặp rác ở lòng đường, vỉa hè. Rồi tại các vườn hoa, sân ga, bến ô-tô và mọi nơi công cộng cũng không thiếu rác. Người ta cứ thoải mái quẳng rác ra những chỗ nào có thể quẳng, miễn xa nhà mình và không có ai ngăn cản.
Ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân thủ đô đã rất kém trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn thành phố xanh, sạch, đẹp. Rất đáng buồn là trong số này lại có cả những người có học, là cán bộ, viên chức Nhà nước.
Chỉ cần tiện cho mình mà bất chấp có hại cho người khác, cho cộng đồng là tâm lý phổ biến của không ít người. Từ tầng trên có thể quẳng rác xuống tầng dưới, trong ô-tô có thể vứt rác qua cửa là việc bình thường đối với không ít người. Các bạn trẻ là học sinh, sinh viên có thể tụ tập dự sinh nhật nhau ngay trên bãi cỏ vườn hoa, tại các giải phân cách rộng rồi xả luôn rác, xong, cứ thế ra về, để lại cả một “bãi chiến trường” bề bộn rác.
Sau những kỳ nghỉ Lễ, Tết là những ngày vô cùng vất vả của các nhân viên công ty môi trường đô thị. Rác ngập ngụa khắp chốn. Nơi nào họ chưa kịp thu dọn thì mùi hôi thối, xú uế bốc lên nông nặc, kèm theo là những đàn ruồi nhặng kinh khủng. Bảo làm sao không phát sinh bệnh tật, nhất là vào mùa hè nóng nực?
Ý thức của nhiều người rất kém ở chỗ không phải là không nhìn thấy những thùng chứa rác công cộng nhưng trong tay đang có rác mà đến chỗ có chiếc thùng rác thì xa nên tiện tay đã vứt luôn vào gốc cây hoặc vệ đường. Câu chuyện sau đây hẳn là khiến nhiều người phải suy nghĩ vì nhiều khi người lớn chúng ta đã không bằng trẻ con, làm cha mẹ đã không bằng đứa con nhỏ của mình. Một người mẹ đèo đứa con thơ chừng 5-6 tuổi. Đứa bé vừa ngồi sau xe của mẹ vừa ăn kem. Ăn xong, nó cứ cầm chiếc que không dám vứt xuống đường. Người mẹ nói với con hãy vứt đi, cầm làm gì thì nó nói cô giáo dặn không được vất rác bừa bãi mà phải vất vào thùng. Đi được một quãng, bỗng nó đòi xuống. Người mẹ quát: “- Làm sao ! Xuống giữa đường làm gì?” thì nó nói là nhìn thấy thùng rác ở trên hè. Nó đòi xuống để vứt chiếc que vẫn cầm ở trong tay. Người mẹ lại quát to hơn: “- Đồ dở hơi! Đã bảo cứ vứt!”
Nhưng đứa bé nhất định không nghe lời mẹ, vẫn đòi xuống đường bằng được. Chỉ khi người mẹ dừng lại, nó xuống xe vứt que vào thùng, sau đó mới vui vẻ trèo lên xe để mẹ đèo đi tiếp.
Người mẹ vẫn cứ lẩm bẩm mắng nó về tội “rách việc, phiền hà”. Vì đi cùng suốt quãng đường nên tôi đã chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện trên. Tôi rất tiếc mình không mang theo điện thoại để ghi lại rồi phát clip này lên mạng internet, hẳn là sẽ nhận được nhiều lời bình luận thú vị của nhiều người.
Không biết người mẹ trong câu chuyện trên suy nghĩ gì về biểu hiện của mình giành cho đứa con thơ khi nó quả là rất văn minh, chuẩn mực về văn hóa? Không biết việc nó không “vâng lời” mẹ trong tình huống trên là đáng trách hay đáng khen? Và cô giáo của bé – chỉ là một cô giáo bình thường như ngàn vạn cô giáo khác – có biết được tác dụng từ lời khuyên, dạy của mình đối với các bé đã có hiệu ứng tốt đẹp như thế nào. Các em lúc còn bé đáng yêu, văn minh là thế. Ấy vậy mà khi lớn lên, nhiều em đã hành động theo “hội chứng” đám đông mà quên mất ngày trước, lúc thơ bé do được cô giáo dạy mà mình đã từng hành động đẹp ra sao.
Sự kém ý thức về việc vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường có nguyên nhân trực tiếp từ những chủ thể không được giáo dục đến nơi đến chốn về văn hóa, nhất là văn hóa cộng đồng, về những tri thức khoa học liên quan đến lợi hại thiết thực khi con người tác động đến môi trường.
Đó là dấu hiệu của một quốc gia mà mặt bằng dân trí chung chưa cao. Không nói các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật, Pháp, Đức… chỉ nói một số nước trong khu vực như Sing-ga-po, Thái –lan, In-đô-nê-xi-a…, người ta xử lý phạt vi cảnh rất kiên quyết đối với hành vi vứt rác không đúng nơi quy định. Nếu có dịp đi trên những đường phố của họ, bạn sẽ thấy sạch sẽ gần như trong nền nhà. Ai vô ý ném mẩu thuốc xuống đường, lập tức có ca-mê-ra ghi được và dĩ nhiên là phải chịu nộp phạt theo quy định.
Vẫn rất cần tiếp tục việc tuyên truyền, giáo dục ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường ở thủ đô. Nhưng đi liền phải là sự gia tăng biện pháp mạnh với chế tài nghiêm ngặt đối với các hành vi vi phạm môi trường và những người được trao quyền thực thi công vụ mà không hoàn tất phận sự. Chỉ như vậy mới mong tình hình được cải thiện.
Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022. Cụ thể:
-Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
– Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển…