Người “giữ hồn” cồng, chiêng ở vùng đất lịch sử Phước Long
Ông Điểu Huyền Lít, người dân tộc S’tiêng, ở thôn 7, xã Long Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, âm thầm “giữ hồn” bản sắc văn hóa cồng, chiêng ở vùng đất lịch sử Phước Long.
Nhịp sống sôi động cùng với sự giao thoa văn hóa của các vùng miền đất nước khiến một số nét văn hóa bản địa đứng trước nguy cơ mai một. Nhận thấy điều đó, ông Điểu Huyền Lít, người dân tộc S’tiêng, ở thôn 7, xã Long Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, âm thầm “giữ hồn” bản sắc văn hóa cồng, chiêng ở vùng đất lịch sử Phước Long.
Từ bao đời nay, trên mọi mặt sinh hoạt văn hóa và tâm linh của đồng bào dân tộc S’tiêng vùng thị xã Phước Long nói riêng, tỉnh Bình Phước nói chung, đã kế thừa và gìn giữ sắc thái văn hóa cồng, chiêng của dân tộc mình, tiêu biểu có ông Điểu Huyền Lít. Các bộ cồng, chiêng của đồng bào S’tiêng mà ông Lít sưu tầm trong “bảo tàng” của gia đình luôn được treo trên tường cẩn thận, ngay ngắn. Ông Lít cho biết: “Goong, chinh (cồng, chiêng) là một loại hình giải trí để đời sống tinh thần phong phú, làm động lực cho sự phát triển về trí tuệ, thể chất và đạo đức người dân tộc S’tiêng”. Bộ cồng, chiêng sẽ được biểu diễn khi có các sự kiện như lễ hội, cưới hỏi, mừng được mùa… Ngoài ra cồng, chiêng còn có giá trị vật đổi vật hoặc làm của trao cho gia đình phía nhà gái để đưa dâu về nhà chồng.
Khi tiếng cồng, tiếng chiêng hợp âm, người nghe có cảm giác như được hòa vào với thiên nhiên, con người như được đắm mình vào cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người S’tiêng. Từ những ý nghĩa và nét đẹp văn hóa độc đáo đó, nhiều năm nay, ông Lít đã tìm kiếm, sưu tầm được 2 bộ cồng, chiêng với niên đại gần 200 năm.
Ông Lít chia sẻ: “Việc sưu tầm, khôi phục, gìn giữ các giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số tại thị xã Phước Long hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, một phần do thế hệ trẻ chưa hiểu hết về văn hóa cồng, chiêng của dân tộc. Dù vẫn còn người biết biểu diễn nhưng nếu không truyền đạt cho thế hệ sau sẽ bị mai một nét văn hóa độc đáo này”.
Đồng quan điểm với ông Lít, ông Điểu Khuy, một trong những người có kinh nghiệm biểu diễn cồng, chiêng mỗi khi có dịp lễ, hội, cho biết: “Tôi đã biết đánh cồng, chiêng từ hồi hơn 10 tuổi khi được gia đình truyền lại. Đánh cồng, chiêng cần có niềm đam mê trong khi thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm đến loại hình nghệ thuật này. Thế hệ đi trước chúng tôi luôn vận động các cháu tiếp nối truyền thống bản sắc dân tộc mình”, ông Khuy cho biết.
Phó Chủ tịch UBND xã Long Giang Trần Thị Phương Trinh cho biết, thôn 7 có bộ cồng chiêng của gia đình ông Điểu Huyền Lít được giữ lại từ rất lâu đời, thể hiện tinh thần gìn giữ nét bản sắc của dân tộc. Địa bàn thôn cũng đã thành lập đội cồng, chiêng để biểu diễn mỗi khi có sự kiện, hội nghị, họp ở thôn, xã. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân xã tích cực tuyên truyền bà con dân tộc thiểu số ở địa phương gìn giữ bản sắc, phong tục, tập quán phù hợp với xu hướng phát triển ngày nay. Cùng với nỗ lực của các cá nhân trong cộng đồng dân tộc thiểu số, bà Trần Thị Phương Trinh mong muốn có sự chung tay của các cấp, ngành, người dân trong việc gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc.
Theo Tầm Nhìn