Giữ nguyên, ổn định quận Hoàn Kiếm
Vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chủ trì đối thoại với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội nhằm lắng nghe ý kiến để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng, phát triển Thủ đô.
Ông Phạm Chi Linh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, nêu câu hỏi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 35 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
Trong đó, Hà Nội có quận Hoàn Kiếm và 176 xã, phường (tại 26 quận, huyện, thị xã) thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính.
Các đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm trước thông tin sáp nhập quận Hoàn Kiếm, bởi đây là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô, có bề dày truyền thống về văn hóa, lịch sử.
Thông tin với các đại biểu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, ngày 7/8, Thường trực Thành ủy đã họp, thống nhất cao quan điểm và sẽ có chỉ thị về vấn đề này. Đồng thời, thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, tinh thần của Hà Nội là thực hiện nghiêm quy định của Trung ương, nhưng đây cũng là vấn đề rất hệ trọng, nhạy cảm, nhiều tâm tư, gắn với đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị. Thành phố sẽ rà soát, thống kê theo tiêu chí cứng là diện tích và dân số. Nhưng bên cạnh đó có một tiêu chí rất quan trọng là văn hóa, lịch sử. Tiêu chí này cũng đã được nêu trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Quận Hoàn Kiếm rất đặc thù. Thành phố sẽ tìm cách thuyết phục, tinh thần là bảo vệ giữ nguyên, ổn định quận”, Bí thư Đinh Tiến Dũng nói.
Còn với các xã, phường – nơi nào có yếu tố văn hóa, lịch sử đặc thù thì cũng phải thuyết minh, thuyết phục; còn lại phải thực hiện theo đúng quy định.
Trước đó, ngày 31/7, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hoàn Kiếm là quận duy nhất của thành phố phải sáp nhập giai đoạn 2023 – 2025. Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35 km2, dân số 150.000. Tuy nhiên, Hoàn Kiếm chỉ đủ tiêu chuẩn về dân số, nhưng chỉ đạt 15% diện tích.
Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Thủ đô, được thành lập năm 196, là nơi gắn liến với lịch sử nghìn năm xây dựng và gìn giữ Thăng Long – Hà Nội. Với diện tích tự nhiên khoảng 5,29 km2, dân số gần 156.000 với 18 phường, Hoàn Kiếm là quận nhỏ nhất Hà Nội, nhưng là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, chính trị của thành phố Hà Nội với 190 di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như quần thể di tích Hồ Gươm – đền Ngọc Sơn – đền Bà Kiệu; chùa Quán Sứ; tháp Báo Thiên; đình Kim Ngân; cửa Ô Quan Chưởng; nhà tù Hỏa Lò; tượng đài Lý Thái Tổ; Quảng trường 19 – 8; nhà hát Lớn Hà Nội… bên cạnh đó, Hoàn Kiếm cũng là nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ quan trọng, đồng thời là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của Thủ đô và đất nước.
Theo Doanh nghiệp và Thương hiệu