Nâng cao “chất và lượng” nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam

Tác giả : Admin 26/05/2021

Tính đến nay, khả năng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ khoảng 10% nhu cầu của thị trường, nên có thể nói nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả số lượng lẫn chất lượng.    

5433 Logistics Image
Minh họa

Chuyển đổi số trong logistics: Giúp theo dõi từng ‘bước đi’ của hàng hóa

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp logistics, và dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 nhân lực. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thị trường nên có thể nói nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ngoài khó khăn về vốn, doanh nghiệp logistics Việt Nam đang phải đối mặt với tình hình thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, lao động được đào tạo bài bản trong lĩnh vực dịch vụ logistics. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội, số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5 – 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này.

Nhiều chuyên gia nhận định, để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam đòi hỏi sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp logistics và các trường dạy nghề. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên trách với doanh nghiệp nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Bên cạnh đó, nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics…

Theo PGS. TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), đào tạo nhân nguồn nhân lực logitsics chất lượng cao là yêu cầu cấp bách hiện nay. “Việc Chính phủ ban hành Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 trong đó nhấn mạnh, chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực được cấp văn bằng quốc tế về logistics và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu”, bà Hòa khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng cho biết, yêu cầu về chất lượng trình độ chuyên môn và kỹ năng của nhân lực logistics ngày càng cần nâng cao. Đặc biệt nguồn lao động có kiến thức chuyên môn sâu về ngành, các kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, đàm phán… sẽ là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp. “Về lâu dài nhân lực sẽ là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng đuổi kịp các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường cả trong nước và quốc tế”, ông Hải nói.

Nhằm khắc phục những bất cập và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động phát triển nhân lực logistics nói chung và đào tạo logistics nói riêng, ngày 30/4/2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam.

Ông Hải cho rằng đây là bước cụ thể nhằm triển khai các nhiệm vụ đã được nêu trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đồng thời, cùng với các hiệp hội khác trong lĩnh vực logistics, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam sẽ cùng chung tay đóng góp để thực hiện mục tiêu đưa ngành logistics Việt Nam phát triển nhanh, vững chắc hơn nữa trong giai đoạn tới.

Theo Tầm Nhìn

Link gốc: Tầm Nhìn

Tin liên quan