Mùa báo cáo kiểm toán: Cẩn trọng với những rủi ro bất ngờ
Thị trường chứng khoán đang đến giai đoạn cao điểm công bố báo cáo tài chính kiểm toán. Quá khứ cho thấy không ít trường hợp nhà đầu tư phải “dở khóc dở cười” khi lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sau kiểm toán bị “bốc hơi” mạnh, đẩy giá cổ phiếu lao dốc bất ngờ.
Lãi “bốc hơi” mạnh
Lãi sau thuế của Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (HNX: IVS) sau kiểm toán công bố mới đây chỉ còn 9,4 tỷ đồng, mất gần 60% so với con số gần 23 tỷ đồng trước đó. Nguyên nhân chính là IVS phải trích lập đầy đủ dự phòng phần còn lại khoản đầu tư vào Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Điện lực Miền Bắc với giá trị gần 14 tỷ đồng. Tương tự, lãi ròng của Công ty CP Cáp – Nhựa Vĩnh Khánh sau kiểm toán cũng có sự chênh lệch lớn so với trước kiểm toán, khi giảm 62%, chỉ còn 1 tỷ đồng.
Không chỉ các công ty nhỏ, lợi nhuận bị hao hụt sau kiểm toán cũng diễn ra ở những tập đoàn lớn. Như Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII) có lãi ròng năm 2020 giảm 13% so với kết quả thể hiện trong báo cáo tài chính quý IV/2020, từ mức 293 tỷ đồng xuống còn 254 tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo CII, báo cáo kiểm toán đã bổ sung khoản thuế thu nhập doanh nghiệp từ phần doanh thu tính thuế tăng lên của dự án bị áp giá theo giá thị trường, tăng chi phí lãi vay phân bổ vào các dự án và điều chỉnh tăng giá vốn của các công ty con.
Trong khi đó, có những doanh nghiệp mức lỗ sau kiểm toán cao hơn so với báo cáo tự lập trước đó. Như Công ty CP Kính Viglacera Đáp Cầu (UPCoM: DSG) lỗ ròng hơn 20 tỷ đồng trong khi trước kiểm toán chỉ lỗ gần 12 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 6% và 15% so với trước kiểm toán. DSG còn có khoản lỗ khác hơn 7 tỷ đồng. Với mức lỗ lũy kế 261 tỷ đồng, kiểm toán cũng đặt ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của DSG.
Tại Công ty CP Xây dựng Số 9 (HNX: VC9), theo ý kiến ngoại trừ của công ty kiểm toán, VC9 chưa ghi nhận đầy đủ giá vốn hàng bán tương ứng với doanh thu của một số công trình xây dựng với số tiền hơn 111 tỷ đồng theo các quy định kế toán hiện hành. Theo đó nếu phản ánh đầy đủ, doanh nghiệp này sẽ phải chịu lỗ thêm 111 tỷ đồng và ghi lỗ trước thuế hơn 132 tỷ đồng.
Nhà đầu tư cần dè chừng
Kết quả kinh doanh sau kiểm toán sụt giảm mạnh so với báo cáo tự lập trước đó của doanh nghiệp không còn là điều mới mẻ và hiếm hoi trong những năm qua, nhưng thực trạng nhức nhối này vẫn tồn tại dai dẳng, cho thấy chất lượng quản trị doanh nghiệp yếu kém, cũng như các quy định về hạch toán kế toán vẫn còn kẽ hở, lỗ hổng hoặc chưa rõ ràng khiến doanh nghiệp bối rối khi thực hiện hoặc cố tình lợi dụng để “xào nấu” báo cáo tài chính.
Quá khứ cho thấy các lỗi phổ biến nhất thường là doanh nghiệp trích lập chi phí dự phòng thiếu, không ghi nhận đầy đủ giá vốn hàng bán, chi phí tài chính hoặc các chi phí hoạt động khác, thậm chí có trường hợp còn ghi trước, ghi khống doanh thu để làm đẹp con số lợi nhuận nhằm tạo sóng cổ phiếu thu hút các nhà đầu tư để cổ đông nội bộ thoát hàng.
Không ít nhà đầu tư cá nhân đã phải “ngậm đắng nuốt cay” khi trót đu theo sóng tăng của cổ phiếu, để rồi khi doanh nghiệp công bố báo cáo kiểm toán thì giá cổ phiếu không ngừng lao dốc sau đó. Về phần mình, doanh nghiệp thường chỉ đơn giản là thực hiện các công văn giải trình theo quy định rồi công bố trên thị trường, chỉ khổ cho những nhà đầu tư đã trót mua vào ngay đỉnh và phải chịu thiệt hại nặng nề.
Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư thường rất e ngại giao dịch trong giai đoạn công bố các số liệu kiểm toán, vì không biết được rằng liệu cổ phiếu mình mua có rơi vào trường hợp xui xẻo như trên hay không. Mức chênh lệch chỉ vài phần trăm còn có thể chấp nhận được vì có thể là quan điểm đánh giá khác nhau giữa ban lãnh đạo doanh nghiệp và công ty kiểm toán, nhưng biến động lên tới vài chục phần trăm cho thấy thực trạng tài chính và chất lượng quản trị của doanh nghiệp đang có vấn đề.
Dĩ nhiên cũng có những doanh nghiệp kết quả sau kiểm toán lãi nhiều hơn. Chẳng hạn, trong mùa báo cáo tài chính này có thể kể tên như Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang lãi ròng sau kiểm toán tăng 22%, lên 12 tỷ đồng, Công ty CP Xi măng La Hiên VVMI tăng 11% lên 46 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn FLC báo lãi sau thuế năm 2020 gần 308 tỷ đồng, tăng 68% so với con số tự lập trước đó.
Danh sách doanh nghiệp công bố kết quả sau kiểm toán chênh lệch lớn với trước đó sẽ còn nối dài, khi theo quy định thời điểm phải công bố báo cáo kiểm toán cho đến hết tháng 3 này.
Theo Doanh nhân Sài Gòn