Lợi nhuận của ABBank “bốc hơi” 94% do trích lập dự phòng?
Qúy 2/2023, ABBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ đạt 52,5 tỷ đồng giảm tới 815,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022, tương đương giảm 94%. Theo ABBank, nguyên nhân chủ yếu là do ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023, nguồn thu chính của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank; Mã CK: ABB) là thu nhập lãi thuần giảm 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 776,5 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng đạt kết quả tương đối khả quan.
Cụ thể, so với quý 2/2022, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 78,6% đạt mức 154,6 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 4,7 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 7,4 tỷ đồng); Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt gần 81 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 11 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 51,3% xuống mức 236,6 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động khác 71,3% xuống mức 62,2 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động của ABBank trong kỳ là 550,6 tỷ đồng tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng đạt gần 765 tỷ đồng, giảm 39,3%.
Trong kỳ, ABBank trích lập 697,8 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ABBank, tăng cường trích lập là theo thông tư 11/2021/TT-NHNN. Việc tăng nguồn dự phòng rủi ro sẽ giúp ngân hàng chủ động hơn trong việc xử lý rủi ro trong thời gian tới.
Kết thúc quý 2/2023, ABBank đạt lần lượt 67 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 52,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tới 94% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, ABBank đạt gần 679 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch 2.826 tỷ đồng lãi trước thuế được đặt cho năm 2023, ABBank chỉ mới thực hiện được 24% sau nửa đầu năm.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản ABBank ở mức 154.447 tỷ đồng, tăng 18,6% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng 13,2% đạt mức 3.063,5 tỷ đồng; Tiền gửi tại TCTD khác tăng gấp 2 lần lên mức 43.101,7 tỷ đồng; Cho vay khách hàng tăng 2,4% đạt mức 84.020,4 tỷ đồng,…
Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng của ABBank tăng 4% so với đầu năm xuống còn 87.481,5 tỷ đồng; Phát hành giấy tờ có giá tăng 7,1% đạt mức 8.250 tỷ đồng. Tiền gửi và vay các TCTD khác tăng mạnh 90,2% đạt mức 42.203,7 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, ABBank đang ghi nhận sự chuyển dịch nợ nhóm 1 sang các nhóm nợ khác.
Cụ thể tính tới ngày 30/6/2023, nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) của ABBank đạt 77.129,1 tỷ đồng, giảm 1,1% so với hồi đầu năm. Trong khi đó, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng 85,1% đạt mức đạt 3.071 tỷ đồng; Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 2,5 lần lên mức 1.385,3 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 3,1 lần đạt mức 1.311,3 tỷ đồng; Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ghi nhận mức 1.123,5 tỷ đồng, giảm 20% so với hồi đầu năm.
Do đó, tổng nợ xấu nội bảng của ABBank đạt mức 3.820,2 tỷ đồng, tăng 1.454,6 tỷ đồng (tương đương tăng 61,5%) so với hồi đầu năm và tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này tăng vọt từ 2,88% hồi đầu năm lên 4,55% vào hồi cuối tháng 6.
Theo Môi trường và Đô thị VN