Làn sóng COVID-19 thứ hai “bẻ gãy” đà phục hồi của Vietnam Airlines
“Đợt dịch thứ hai không dập tắt nhưng bẻ gãy đà phục hồi của Vietnam Airlines. Hãng dự kiến đến năm 2022 có thể phục hồi nhưng hiện tại phải thận trọng, đẩy mốc này ra xa hơn”.
Đó là chia sẻ của ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines tại Đại hội cổ đông diễn ra mới đây.
Vietnam Airlines vừa tổ chức đại hội thứ 5 kể từ khi đơn vị này chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần vào năm 2015 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức cho ngành hàng không.
Trả lời chất vấn của cổ đông, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết giai đoạn từ tháng 5 đến hết ngày 28-7, thị trường hàng không Việt Nam đã phục hồi tới 90%, theo hình chữ V rất nhọn. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ phục hồi 60%, Nhật Bản phục hồi khoảng 70%. Việt Nam là thị trường có sự phục hồi mạnh mẽ bậc nhất trên toàn cầu. Báo chí quốc tế còn dùng từ shining – toả sáng để nói về sự phục hồi này.
Tháng 6, 7, Vietnam Airlines mở liên tục 18 đường bay mới, sử dụng toàn bộ lượng phi công, tiếp viên dư thừa khi không bay quốc tế. Trước đó, trong báo cáo hồi tháng 5, hãng dự báo đến cuối quý IV thị trường nội địa mới có thể phục hồi nhưng ông Thành cho biết, đến tháng 7 đã hồi phục lại.
Tuần thứ ba của tháng 7, hãng đã khai thác hơn 500 chuyến nội địa, tăng 40% so với cùng kỳ. CEO Vietnam Airlines ước tính, giai đoạn từ tháng 5 đến ngày 28/7, thị trường đã phục hồi 90%. Ông cho rằng, đây là tỷ lệ cao nhất trên toàn cầu, các quốc gia khác đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh như Trung Quốc cũng chỉ đạt tỷ lệ 60%, Nhật Bản khoảng 70%…
Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 thứ hai đã lại bẻ gãy đà phục hồi này, số chuyến bay lại giảm mạnh.
Ngày 8/8 vừa qua, Vietnam Airlines chỉ bay 102 chuyến, giảm hơn 5 lần so với thời điểm phục hồi (hơn 500 chuyến bay mỗi ngày), chỉ bằng 28% so với cùng kỳ 2019.
Ông Thành cho biết nhiều kịch bản đã được hãng đưa ra, trong đó, nguyên tắc để tiến tới tương lai là đang tái cơ cấu đội máy bay. Bởi hiện tại, Vietnam Airlines đang thừa 72% phi công, tiếp viên và kỹ thuật có liên quan tới máy bay và việc này sẽ còn tiếp tục kéo dài. Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết máy bay đã có đơn hàng thuê, mua về sẽ phải hoãn, đẩy về tương lai, hoặc nếu không cần thiết thì hủy. Tất cả tài sản khác cũng phải tái cấu trúc, cái nào cần thì giữ, không thì sẽ bán. Phương án cụ thể sẽ nằm trong kế hoạch lớn của tổng công ty.
Ông Thành cho biết hãng dự kiến đến năm 2022 có thể phục hồi nhưng hiện tại phải thận trọng, đẩy mốc này ra xa hơn.
Trong báo cáo mới nhất hồi tháng 7, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng dự tính thị trường phục hồi vào năm 2024, kéo dài thêm 1 năm so với dự báo trước đó.
Theo ông Thành, 5 tháng cuối năm, thị trường nội địa có thể chỉ còn 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả năm 2020, tổng thị trường thấp hơn 30-40%, giá vé cũng giảm 30%.
Dịch COVID-19 khiến tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines rơi vào tình cảnh bi đát, dự kiến vẫn cạn dòng tiền vào cuối tháng này. Từ nay đến sang năm, hãng đã đàm phán hoãn, giãn nợ trung dài hạn với các đối tác được 2.400 tỷ đồng, trong đó năm 2020 khoảng 1.800 tỷ. Các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước đã cam kết giãn, hoãn nợ cho Vietnam Airlines 775 tỷ đồng.
Về kế hoạch xin Chính phủ – với vai trò chủ sở hữu hỗ trợ, ông Dương Trí Thành cho biết, quyết định cuối cùng sẽ có trong thời gian tới. “Chủ sở hữu đang gấp rút và sẽ có biện pháp cho Vietnam Airlines tăng vốn, cho vay”, ông Thành thông tin.
Hiện tại, Vietnam Airlines đang hoàn tất các thủ tục để trình các cấp cao hơn Chính phủ phương án cuối cùng – vay 4.000 tỷ đồng và tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng. Lãnh đạo Vietnam Airlines khẳng định, với sự hỗ trợ của cổ đông, hãng sẽ phục hồi, vượt qua khó khăn và phát triển.
Nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines âm hơn 6.600 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất. Hãng bay này đặt kế hoạch lỗ cả năm hơn 15.100 tỷ đồng. Đến hết quý II, nguồn vốn của Vietnam Airlines khoảng 66.690 tỷ đồng, giảm 12,7% so với đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này tiếp tục giảm hơn 38%, xuống khoảng 11.428 tỷ đồng. Theo ông Trần Thanh Hiền, cuối năm nay dự kiến tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines lên 12 – 14 lần. Cuối tháng 6, tỷ lệ này là 2,4 lần.
Lý giải về băn khoăn giá cổ phiếu của Vietnam Airlines sau 1 năm giảm 30% trong khi Vietjet vẫn giữ được và công bố khả năng năm nay vẫn có lãi, CEO Vietnam Airlines cho biết theo văn bản Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) gửi Chính phủ Việt Nam dự báo trong năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam mất trên 4 tỉ USD, trong đó, Vietnam Airlines mất một nửa, còn lại là các hãng khác. Ông Dương Trí Thành cho biết: Covid-19 xảy ra, hãng nào càng lớn, chi phí cố định lớn thì con số tổn hại càng lớn.
Về băn khoăn của cổ đông về khả năng phục hồi của Vietnam Airlines, ông khẳng định việc vượt qua khủng hoảng phụ thuộc vào tiềm năng, năng lực của hãng hàng không, thị trường hàng không.
Ông Thành nhấn mạnh, Vietnam Airlines có nhiều điểm mạnh. Cùng với Vasco, Jetstar Pacific, hãng có chuỗi sản phẩm đa dạng và có thị trường ngách. Vietnam Airlines cũng có dây chuyền đồng bộ bao gồm sửa chữa máy bay, phục vụ mặt đất, công ty xăng dầu, các công ty suất ăn, 3 công ty phục vụ hàng hoá, 3 sân bay căn cứ, có đội ngũ hùng hậu, cung cấp chuyên gia cấp cao về phi công, kỹ thuật…
Theo Diễn đàn DN