Ngày 8-9, Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị đã họp hội nghị lần thứ nhất. Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị chủ trì hội nghị.
Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, các đại biểu nhất trí, các nội dung tại cuộc họp đã được Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị công phu, chu đáo, đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2021 của Ban Chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh vai trò tham mưu Bộ Chính trị kịp thời ban hành các chủ trương, định hướng nhằm tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho các cấp ủy, tổ chức đảng về công tác quản lý biên chế, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và xây dựng vị trí việc làm.
Phát biểu kết luận,Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định công tác quản lý biên chế, thực hiện tinh giản biên chế và xây dựng vị trí việc làm là những công việc khó, hết sức hệ trọng. Thường trực Ban Bí thư đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo và thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tập trung cao độ để hoàn thành tốt các nhóm nội dung công việc theo Kế hoạch công tác nhiệm kỳ 2021-2026.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị xem xét, quyết định các chủ trương, nguyên tắc về quản lý biên chế, tinh giản biên chế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách… của các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Trên cơ sở chủ trương, nguyên tắc của Bộ Chính trị và các quy định hiện hành, Ban Chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan có thẩm quyền về quản lý biên chế xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng biên chế giai đoạn 2022-2026 và hằng năm; tiến hành tổng hợp, thẩm định, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định…
Theo đó, mỗi nội dung, đề án phải được nghiên cứu công phu, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cao. Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: “Tăng hay giảm biên chế trong gian đoạn tới; xây dựng vị trí việc làm như hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa; vấn đề khung năng lực và chi trả lương, phụ cấp hiện nay; chính sách cho việc thực hiện tinh giản biên chế… cần tiếp tục tổng kết và làm rõ để quyết định cho tổng biên chế trong thời gian tới”.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng lưu ý tổ giúp việc cần tiếp thu, chỉnh sửa và thống nhất các văn bản, hệ thống báo cáo ngay từ đầu nhiệm kỳ để các cấp, các ngành thực hiện, bảo đảm thống kê chính xác, kịp thời. Trên cơ sở tổ chức các đoàn khảo sát tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh các dự thảo, đề án để trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Được biết, công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua hơn 3 năm thực hiện đã tạo sự chuyển biến tích cực, từ việc xây dựng thể chế đến những kết quả cụ thể có thể định lượng đo đếm được…
Kết quả thực hiện sắp xếp: bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương đã từng bước phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; cơ cấu bên trong đã có sự phân định rõ hơn giữa cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo được nhận thức mới, tư duy mới và hành động quyết liệt trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương .
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ đến tháng 4/2021, đã giảm được nhiều đầu mối bên trong các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt giảm trên 25% đơn vị sự nghiệp, nhất là ở các địa phương đã giảm 3.980 đơn vị sự nghiệp; thực hiện tích cực việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (đã giảm 08/713 đơn vị hành chính cấp huyện và 557/11.160 đơn vị hành chính cấp xã; 38.369/98.455 thôn, bản, tổ dân phố, tương ứng giảm 39%). Qua sắp xếp, bước đầu đảm bảo tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả .
Về tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy: đã giảm trên 27.500 biên chế công chức (tương ứng giảm 10,01% so với năm 2015); giảm gần 243.000 biên chế viên chức (tương ứng giảm 11,98% so với năm 2015), và vượt so với mục tiêu giảm 10% mà Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra đến năm 2021. Công chức từ cấp huyện trở lên giảm 40.000 người; giảm gần 148.000 cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố; hợp đồng lao động giảm gần 7.000 người…
Có thể nói, việc tinh gọn bộ máy nhà nước, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được xã hội đồng thuận cao. Nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương đã thể hiện nhiều cách làm sáng tạo, nghiêm túc, tuy nhiên kết quả chưa tương xứng. “Chiếc bánh ngân sách” sau nhiều năm vẫn dành phần lớn tỷ trọng chi trả hành chính, dẫn đến thiếu chi cho đầu tư phát triển, khó cải cách chế độ tiền lương. Chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan chồng chéo làm hạn chế hiệu lực sử dụng nguồn lực…
Theo Diệp Anh Môi trường và Đô thị VN