Hà Nội: Tháng 9/2021, có 922 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Tác giả : Admin 01/10/2021
 Trong tháng 9/2021, Hà Nội có 3 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 5,3 triệu USD và 922 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, cộng dồn 9 tháng năm 2021, thành phố có 17,3 nghìn DN thành lập mới.
3029 Hyi Thyo
Hà Nội: Tháng 9/2021, có 922 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong tháng 9, TP Hà Nội có 922 DN đăng ký thành lập mới trên địa bàn Hà Nội. Cộng dồn 9 tháng năm 2021, Hà Nội có 17,3 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 232,3 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù do tác động của đại dịch Covid -19, nhiều DN phải dừng hoạt động nhưng tín hiệu mừng là số DN hoạt động trở lại đã đạt 8.310 DN, tăng 77% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tháng 9/2021, TP. Hà Nội có 3 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 5,3 triệu USD; có 2 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 5,6 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 0,2 triệu USD. Lũy kế 9 tháng năm 2021, tổng vốn đăng ký của các dự án FDI thành lập mới, dự án bổ sung tăng vốn và mua cổ phần ước đạt 927 triệu USD.

Trong đó đăng ký mới 246 dự án với số vốn 162,6 triệu USD; 93 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 492,4 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 315 lượt, đạt 272 triệu USD.

Bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mặt sản xuất và đời sống và hoạt động của các DN. Theo dự báo, bước sang quý IV năm nay, kinh tế – xã hội còn phải đối mặt nhiều khó khăn thách thức, trong đó diễn biến dịch trong khu vực còn phức tạp và nguy cơ để lại những hệ quả kéo dài.

Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, nhất là trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, trong 3 tháng cuối năm, bên cạnh nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt giảm triệt để thời gian, các thủ tục, nhất là các thủ tục hành chính liên thông, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, DN và tổ chức. Tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đến người dân và DN, góp phần phục hồi phát triển kinh tế.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Rà soát cụ thể, chi tiết từng dự án đầu tư công, xác định khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân. Đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, công trình thiết yếu và tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư…

Theo Bao Huy Tầm Nhìn

Link gốc: Tầm Nhìn

Tin liên quan