Hà Nội: Phát lộ 2.200 hồ sơ quá hạn, trách nhiệm của Sở TN&MT?
Có đến 80% hồ sơ bị chậm, muộn giải quyết tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội khu vực Ba Đình – Hoàn Kiếm – Đống Đa.
Sau 02 bài viết: “Nhọc nhằn làm thủ tục tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội” và “Hà Nội: Phát hiện 252 hồ sơ quá hạn, trình đến 40 ngày vẫn chưa ký”, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục đi sâu tìm hiểu về những phản ánh của người dân khi đến làm, nhận kết quả tại Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội khu vực Ba Đình – Hoàn Kiếm – Đống Đa (sau gọi tắt là Chi nhánh Văn phòng).
Nối tiếp những bất ngờ này đến bất ngờ khác, 252 hồ sơ quá hạn được đề cập trong bài viết trước đó là con số trên bàn làm việc của ông Giám đốc Chi nhánh Văn phòng tại thời điểm kiểm tra, đã trình tới 40 ngày mà chưa ký. Còn tổng hồ sơ thống kê từ 20/4/2020 đến 30/6/2020, Chi nhánh Văn phòng tiếp nhận là 3.909 hồ sơ. Trong đó, số hồ sơ chậm, muộn giải quyết cho người dân lên tới 2.200 hồ sơ, chiếm 80 %.
Vậy, nếu thử làm phép tính nhẩm, với thời gian đó, số lượng hồ sơ chậm giải quyết như thế thì có tới bao nhiêu người dân sẽ phải “chờ dài cổ”, bỏ công, bỏ việc đi lại hết bao nhiêu lần?
Đơn cử thời gian gần đây nhất, từ 01/4/2021 đến 30/5/2021 tình trạng chậm muộn hồ sơ tại Chi nhánh vẫn “đạt” mức đến 80% . Ông Phạm Tôn, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đã “om hồ sơ” trên bàn làm việc khi đã được trình là 27 ngày. Lấy ví dụ, mã hồ sơ 0101XN, ngày nhận hồ sơ 27/02/2021, hẹn trả hồ sơ 11/3/2021; Ngày cán bộ trình hồ sơ lên bàn Giám đốc 09/3/2021 và đến 03/4/2021 hồ sơ mới được ký. Hay như hồ sơ mã 0033BDCD, ngày nhận hồ sơ tại Văn phòng một cửa là 24/3/2021, ngày hẹn trả 12/4/2021, ngày cán bộ trình trên bàn Giám đốc 02/4/2021 đến ngày 29/4/2021 mới được ký.
Nhưng có một thông tin khiến nhiều người vô cùng bất ngờ, không phải hồ sơ nào vị Giám đốc kia cũng “om” lâu như vậy, có hồ sơ ông chỉ giải quyết vỏn vẹn trong vòng 2 ngày.
Trong một diễn biến khác, ngày 01/7/2020, ông Phạm Tôn, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đã ký văn bản số 05/QĐ-CNKV và số 06/QĐ-CNKV về việc ủy quyền thực hiện giải quyết thủ tục hành chính.
Theo đó, ông Nguyễn Đình Phương và ông Lê Văn Truyền, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng được ông Phạm Tôn, Giám đốc ủy quyền cho trực tiếp chỉ đạo giải quyết và ký toàn bộ hồ sơ hành chính trên địa bàn quận Đống Đa, Ba Đình, quận Hoàn Kiếm được tiếp nhận từ ngày 28/6/2020 trở về trước với khoảng trên 2000 hồ sơ bị tồn do Giám đốc Tôn “om” chưa giải quyết.
Việc ủy quyền nêu trên có phù hợp các quy định của pháp luật hay không khi ông Phạm Tôn hàng ngày vẫn đến cơ quan làm việc bình thường ? Vậy hai ông Phó giám đốc Văn phòng chỉ giải quyết đống tồn đọng hay vẫn giải quyết các công việc khác ?! PV sẽ tiếp tục đề cập trong bài viết sau.
Bài viết trước, PV đã đề cập tới việc ông Phạm Tôn đã “vượt mặt” cơ quan quản lý cấp trên, tự ý cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc không xin phép như: Cắt toàn bộ khối bê tông ngoài hành lang, cắt lan can bê tông các tầng; cắt phòng kho thành phòng Giám đốc.
Tại Điều 11 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 cũng đã có những quy định rõ: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Sau khi cắt phòng kho thành phòng Giám đốc, diện tích phòng tắm, nhà vệ sinh và phòng làm việc của ông Phạm Tôn diện tích khoảng 90m2. Về tiêu chuẩn diện tích chỗ làm việc của cán bộ, công chức. Chính phủ có ban hành Nghị định 152/2017/NĐ-CP về quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Chiếu theo quy định trên thì đến như Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội diện tích phòng làm việc cũng chỉ 25m2/người hay Chủ tịch UBND TP. Hà Nội diện tích phòng làm việc và tiếp khách là 40m2/người.
Sự việc ngang nhiên chiếm dụng tới gần 90m2 để làm phòng Giám đốc có phải là để “chơi trội”, bất chấp các quy định của pháp luật? Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đến đâu đối với các vi phạm nêu trên ? Và rồi, liệu rằng ông Phạm Tôn, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng có cao tay để “phù phép” việc tự ý sửa chữa trụ sở bắt buộc phải xin phép thành không cần xin phép, hòng hợp thức hóa vi phạm hay không?
Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục thông tin ở bài tiếp theo./.
Theo Môi trường và Đô thị VN