Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng

Đọc “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” Những trang nhật ký chiến trường của một thày giáo thương binh

Tác giả : Admin 18/11/2020
 Sáng 18/11/2020, tại tòa nhà CTM đường Nguyễn Phong Sắc quận Cầu Giấy, Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị phối hợp với câu lạc bộ Trái tim người lính và NXB Thanh Niên đã tổ chức giới thiệu cuốn nhật ký thời chiến của một nhà giáo thương binh, nhân ngày nhà giáo Việt Nam, Tầm Nhìn đăng lời tựa cuốn sách của nhà văn Đặng Vương Hưng, một trong những người có công đưa những tư liệu quý này đến với công chúng.    
Các đại biểu tặng hoa chúc mừng nhà giáo Đinh Đức Lâm

Nếu tôi không nhầm thì “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” là tập nhật ký thời chiến đầu tiên của Tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” mà tác giả là một thầy giáo làng, từng “xếp bút nghiên”, phấn trắng, bảng đen, tạm biệt học trò, lên đường ra trận trong những năm gian khổ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đó chính là nhà giáo, cựu chiến binh, thương binh Đinh Đức Lâm (còn có tên khác là Đinh Văn Sai). Ông sinh ngày 31/8/1945, tại thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương trong một gia đình nông dân. Tiên Động là một vùng quê rất giàu truyền thống yêu nước và Cách mạng. Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Trọng Đại cho biết: Tiên Động hiện có gần 9.000 dân, nhưng có tới 18 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Xã Tiên Động cũng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân!

Mồ côi cha từ khi còn chưa ra đời, cậu bé Sai lớn lên cùng người anh trai là Đinh Đắc Khâm và chị gái là Đinh Thị Lai, do một vai người mẹ nghèo làm lụng và nuôi dưỡng. Lớn lên, cũng chỉ một mình cậu bé được ưu tiên đến lớp học hết cấp II. Hồi đó, học hết cấp II, tức là Lớp Bảy, cũng là hiếm ở miền quê này. Đinh Đức Lâm được cử đi học Trường Trung cấp Sư phạm của Bộ đặt tại Kẻ Sặt, Hải Dương. Thời gian học hai năm, sau khi tốt nghiệp, anh được điều về dạy tại Trường Phổ thông cơ sở cấp II xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Đấy là những năm 1965 – 1968, Đế quốc Mỹ bắt đầu đưa quân đổ bộ vào miền Nam và cho không quân ném bom đánh phá miền Bắc nước ta. Thầy giáo trẻ Đinh Đức Lâm vinh dự được kết nạp Đảng khi mới 22 tuổi. Mặc dù trong nhà đã có người anh trai Đinh Đắc Khâm vào bộ đội 1965 và đi B năm 1966, nhưng là một Đảng viên trẻ, thầy giáo Đinh Đức Lâm vẫn gương mẫu tham gia nhập ngũ ngày 22/6/1968 và lên đường vào chiến trường B đầu năm 1969.

Sau 5 tháng đi bộ hành quân vượt Trường Sơn, vòng qua Lào, Campuchia… Đinh Đức Lâm đã cùng đồng đội vào tới B2, tức chiến trường miền Đông Nam Bộ. Họ được biên chế vào đơn vị C10, E59C, Sư đoàn 9, có mật danh hồi đó là “Công trường 9”, một trong những Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam.

Trang bìa cuốn nhật ký của thày giáo Đinh Đức Lâm

Vừa đặt chân đến mặt trận B2 chưa được bao lâu, Đinh Đức Lâm đã cùng đơn vị liên tục tham gia 5 trận chiến đấu với địch và nhiều lần giáp mặt với cái chết.

Đêm ngày 21/7/1969, sau một trận đánh phối hợp với đơn vị bạn, Lâm bị lạc rừng. Anh phát hiện ra chiến sĩ Lê Văn Thụ, quê Thái Bình cũng đang bị lạc như mình. Nhưng gay go nhất là Thụ bị đạn bắn gãy chân, không thể đi được. Với tình đồng đội sâu sắc, Lâm đã không nỡ bỏ Thụ lại trong rừng. Anh một mình cõng Thụ và tìm cách vượt qua vòng vây của thám báo Mỹ trở về đơn vị. Nhưng họ đã bị lạc tới 3 đêm liền trong khu rừng đầy thám báo Mỹ và những ổ phục kích của địch. Rồi cuối cùng, nhờ dũng cảm và mưu trí, hai người đã tìm thấy đồng đội và trở về đơn vị an toàn. Đó cũng chính là cái thứ cảm xúc, để sau này chúng tôi đặt tên cho tác phẩm nhật ký “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng”. (Tên sách do Đặng Vương Hưng đặt).

Tuy nhiên, thật đáng tiếc, là chỉ hơn một năm sau, vào ngày 8/11/1970 chiến sĩ Lê Văn Thụ đã anh dũng “hi sinh tại Mặt trận phía Nam” (theo Giấy Báo tử số 6223KB/TB, ngày 1/9/1976 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình). Nhưng đến nay, thân nhân gia đình của liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt. Thông tin này, cho mãi tới cuối tháng 9/2020, nhờ bạn đồng nghiệp Vũ Hương Giang (Báo Tuổi trẻ Thủ đô) xác minh qua hệ thống Đoàn Thanh niên tỉnh Thái Bình, chúng tôi mới có được.

Đêm ngày 29/3/1970, trong một trận chiến ác liệt với một đơn vị lính Mỹ tại trảng Bà Điếc, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, đến lượt Trung đội phó Đinh Đức Lâm bị thương nặng. Trận đánh đã kết thúc thắng lợi, Lâm cùng đơn vị rút vào rừng. Tổ của họ có 3 người: Đinh Đức Lâm, Đặng Đình Kiền và một chiến sĩ tên là Lý rút cùng nhau. Họ đã vào sâu trong rừng, nhưng bọn địch vẫn bắn súng cối theo. Không may, một quả đạn cối nổ chỉ cách tổ 3 người có vài mét. Chiến sĩ Lý bị mảnh xuyên trúng ngực, hi sinh ngay tại chỗ. Lâm bị mảnh đạn chém hở xương cánh tay trái, cụt một ngón bàn tay phải và 2 vết thương sau lưng…(Sau này khi giám định, Đinh Đức Lâm được xác định tỷ lệ thương tật vĩnh viễn là 45%, và được công nhận là Thương binh chống Mỹ loại 3/4. Đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp 3).

Đêm đó, Lâm đã gọi nhờ anh Đặng Đình Kiền giúp mình cầm máu và băng bó vết thương. Qua câu chuyện hỏi thăm, Lâm biết anh Kiền quê ở thôn Bằng Lâm, xã Bằng An, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Trông anh già dặn, vì hơn Lâm chừng chục tuổi. Anh Kiền đã khoác 2 khẩu súng và dìu Lâm xuyên rừng tìm về đơn vị…

Ngay sau đó, thương binh Đinh Đức Lâm được đưa vào bệnh viện K24 miền Đông Nam Bộ, trú đóng tại vùng biên giới Campuchia – Việt Nam để chữa vết thương… Hồi đó, Campuchia còn được coi là nước trung lập. Một số căn cứ của Quân giải phóng miền Nam đã đóng nhờ bên đất bạn Campuchia. Chỉ cần vượt qua sông Vàm Cỏ, là qua biên giới, tới vùng hậu cứ an toàn…

Theo một tài liệu nghiên cứu gần đây mà chúng tôi có được: Từ giữa tháng 3/1969 lần đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam, các máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã chuyển hướng tấn công các mục tiêu mà họ nghi ngờ là khu tiếp tế và căn cứ của ta trên đất Campuchia.

Lo ngại Quốc hội Mỹ và dư luận hòa bình thế giới biết, Tổng thống Nixon hồi đó đã phê chuẩn một chiến dịch bí mật của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, được gọi là “Bữa sáng” và các cuộc tấn công bằng B-52 vào Campuchia thì được gọi là ném bom “Thực đơn” (Operation Breakfast/ Operation Menu). Tổng cộng đã có tới 3.630 chuyến bay đã thả khoảng 110.000 tấn bom xuống Campuchia trong khoảng thời gian 14 tháng, kết thúc vào cuối tháng 4/1970.

Nhà văn Đặng Vương Hưng và lãnh đạo câu lạc bộ Trái tim người lính chụp ảnh lưu niệm với tác giả

Nhưng trước đó, ngày 18/3/1970, khi Hoàng thân Norodom Sihanouk còn đang trên đường trở về Campuchia sau khi đến thăm Moskva và Bắc Kinh, thì đã bị lật đổ khỏi vị trí lãnh đạo Campuchia. Một cuộc đảo chính không đổ máu được thực hiện bởi Lon Nol, là Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, người có tư tưởng thân phương Tây và theo Mỹ. Ông này đã cấu kết cùng với Phó Thủ tướng là Hoàng thân Sisowath Sirik Matak. Họ đã tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Khmer. Kể từ đó, chiến tranh ngày càng lan rộng và Campuchia không còn vùng đất an toàn với bộ đội Việt Nam nữa…

Sở dĩ tôi viết đôi dòng về vấn đề địa chính trị trong quan hệ Việt Nam – Campuchia thời điểm 1969 – 1970, là để bạn đọc hiểu thêm được giá trị của cuốn nhật ký “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng”. Thật thú vị, khi tác giả Đinh Đức Lâm, bằng quan sát và cảm nhận của một người lính bị thương, được đưa sang vùng biên giới chữa chạy, đã vô tình cung cấp cho người đọc những thông tin khách quan, trung thực về mối quan hệ nêu trên.

Để bạn đọc dễ tiếp cận với nội dung của “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng”, được sự ủy quyền của tác giả Đinh Đức Lâm, người Biên soạn đã chia nhật ký ra làm 12 phần nhỏ và đặt tên cho mỗi phần, cụ thể như sau:

Phần thứ Nhất: Những đêm cõng bạn lạc rừngPhần thứ Hai: Đến lượt tôi bị thương và lại bị lạc rừng như thế… Phần thứ Ba: Những ngày nằm Viện K24 miền Đông Nam Bộ; Phần thứ Tư: Kỷ niệm những ngày Đơn vị An dưỡng 32C Công Pông Chàm; Phần thứ Năm: Chuẩn bị hành quân ra Bắc;

Phần thứ Sáu: Trạm tập kết thương binh C20; Phần thứ Bẩy: Đồng đội cũ ở Bãi Khách biên giới Campuchia – Lào; Phần thứ Tám: Những cuộc gặp gỡ bất ngờ với bạn học cũ, thầy và trò;

Phần thứ Chín: Lên xe và xuống xe… Phần thứ Mười: Nhớ mãi nụ cười, ánh mắt ở Bố Trạch – Quảng Bình; Phần thứ Mười Một: Những ngày ở Đoàn An dưỡng 581 Quân khu Hữu Ngạn – Nam Hà. Phần thứ Mười Hai: Tôi trở về quê hương với tình yêu và tình bạn.

Qua những trang nhật ký của Đinh Đức Lâm, chúng ta có thể hình dung ra phần nào cuộc sống, sinh hoạt của một chiến sĩ bộ đội quân giải phóng, sẽ được cứu chữa và chăm sóc chu đáo như thế nào, nếu không may bị thương.

Đặc biệt, nửa sau của nhật ký đã mô tả rất rõ chặng đường hành quân bộ, từ chiến trường miền Đông Nam Bộ ra Bắc phải đi qua những chặng đường nào, dòng sông nào, dừng chân nghỉ ở những Binh trạm đón tiếp nào… Nếu như những tác phẩm nhật ký thời chiến mà chúng tôi đã biên soạn trước đây, hầu hết là mô tả những khó khăn, vất vả, gian nguy của người chiến sĩ khi vượt Trường Sơn hành quân vào chiến trưởng miền Nam. Thì đến nhật ký của thầy giáo Thương binh Đinh Đức Lâm đã mô tả tâm trạng của những người lính trên chặng đường ngược lại: Từ Nam ra Bắc!

Điểm hạn chế của tác giả (có lẽ do ảnh hưởng nghề nghiệp) là sử dụng văn nói chứ không phải văn viết. Ông thiếu tự sự cho chính mình, mà thiên về giải thích cho người khác, nên sử dụng rất nhiều ngoặc đơn. Thêm nữa, dung lượng số chữ của tác phẩm không nhiều, mà vẫn trình bày liền đoạn dài đặc chữ. Để khắc phục những hạn chế trên, ngoài việc chia thành nhiều phần nhỏ, chúng tôi còn thực hiện nhiều cách đoạn xuống dòng, nhưng vẫn giữ nguyên nội dung của nhật ký.

Về thể loại, tác giả Đinh Đức Lâm chủ yếu thể hiện nhật ký bằng văn xuôi. Tuy nhiên, ở một số phần nhỏ phía cuối sách, còn xuất hiện một số bài thơ. Tôn trọng cảm xúc của tác giả, chúng tôi vẫn giữ nguyên vị trí và thứ tự của những bài thơ đó. Ngày tháng sáng tác thơ vẫn được để lên trên tên bài, đúng như cách trình bày nhật ký.

Nhật ký “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” được tác giả Đinh Đức Lâm ghi chép từ ngày 21/7/1969 và khép lại trang viết cuối cùng vào ngày 3/3/1973. Đó chính là một ngày vui, khi gia đình ông bất ngờ nhận được tin người anh trai cả là Đinh Đắc Khâm không hi sinh như Giấy báo tử của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Hưng ngày 3/2/1972 thông báo và chính quyền địa phương cũng đã trang trọng làm Lễ Truy điệu. Sự thật là ông Đinh Đắc Khâm đã bị thương trong một trận chiến đấu ác liệt, rồi bị địch bắt làm tù binh. Ông Khâm đã bị địch giam giữ 5 năm 7 tháng, tổng cộng là 2049 ngày, mà phần lớn là ở Trại tù binh Phú Quốc. Đầu năm 1973, tù binh Đinh Đắc Khâm đã được phía chính quyền Sài Gòn trao trả theo Hiệp định Paris.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về cuộc đời của ông Đinh Đắc Khâm, cựu tù binh Phú Quốc, anh trai của tác giả Đinh Đức Lâm; được sự thống nhất của gia đình, chúng tôi đã biên soạn và đưa vào phần sau của nhật ký một tự truyện, có tựa đề là “Một liệt sĩ sống lại” (tên do Đặng Vương Hưng đặt).

Bạn đọc sẽ thật sự bất ngờ, khi biết rằng: tác giả của tự truyện này chưa hề đến trường một ngày nào. Mãi tới năm 12 tuổi, ông mới tự đi học mót vỡ lòng ở nhà một người hàng xóm tốt bụng. Khi vào bộ đội, ông khai văn hóa lớp 4, vì tự thấy mình đã biết đọc và biết viết. Mà lạ kỳ là chữ ông Khâm viết rất đẹp, lại rất chuẩn về ngữ pháp và chính tả. Nhất là khi đã là một tù binh trong Trại giam Phú Quốc, trong điều kiện lao tù, ông Khâm vẫn đều đặn dành mỗi ngày hai tiếng đồng hồ tự học văn hóa, hoặc đọc truyện Kiều. Ông tâm sự: Bây giờ nghĩ lại sao ngày ấy mình có nghị lực thế, giữa cái sống, cái chết cận kề mà lại cứ học hành được, học thuộc lòng cả truyền Kiều 3254 câu, thuộc lòng Chinh phụ ngâm 476 câu… Rồi học lịch sử Việt Nam các triều đại, niên đại, bây giờ ông vẫn nhớ được thứ tự từ cổ đại, trung cổ và đến hiện đại…

Không riêng ông Khâm, mà nhiều anh em tù binh khác đã động viên nhau: Gắng học để quên thời gian, nhưng nếu sau này may còn sống thì cũng sẽ có ích cho bản thân!

Một ngày đẹp trời cuối tháng 9/2020, chúng tôi được gia đình Nhà giáo Thương binh Đinh Đức Lâm đưa về thăm ngôi nhà có vườn cây ao cá rộng rãi ở Hải Dương. Bà Đinh Thị Xắn, người vợ đảm đang hiền thảo của ông Lâm đã tổ chức một bữa cơm thân mật, mời họ hàng, bà con hàng xóm đến chung vui. Trong 25 năm dạy học, thì có tới 16 năm Thầy giáo Đinh Đức Lâm làm quản lý. Mới 32 tuổi, Thầy đã là Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở (cấp I + II), lãnh đạo 54 thầy cô giáo và khoảng 1500 học sinh. Về nghỉ hưu rồi, mọi người vẫn tín nhiệm bầu ông làm Hội trưởng và Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Tiên Động.

Với một phần tư thế kỷ cống hiến trong nghề giáo dục, Thầy giáo Thương binh Đinh Đức Lâm đã có hàng vạn học sinh. Nhiều người đã trưởng thành là Cử nhân, Kỹ sư, Bác sĩ, thậm chí có người dành học vị Tiến sĩ… Nhiều cựu học sinh cũ của ông đã trở thành cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng và Chính quyền, hoặc là Doanh nhân thành đạt… Hơn thế nữa, người ta thường nói “Dao sắc không gọt được chuôi”, nhưng Nhà giáo Đinh Đức Lâm lại giáo dục con cháu rất thành công. Vợ chồng ông rất tự hào, vì sinh được 3 người con, nay họ đều đã trưởng thành và là niềm tự hào của quê hương Tiên Động:

1. Đinh Mạnh Hùng (sinh 1974): Kỹ sư Giao thông –  Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển THN Việt Nam; 2. Đinh Thị Thúy (sinh 1976): Thạc sỹ Kinh tế – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần MISA; 3. Đinh Thị Vân (sinh 1980): Cử nhân Kinh tế – Trưởng phòng Chăm sóc khách hàng Công ty Cổ phần MISA;

Hơn 50 năm trước, khi viết những dòng chữ đầu tiên trong sổ tay nhật ký ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, người Thầy giáo trẻ Đinh Đức Lâm không thể ngờ được những trang sổ tay đã cũ nát với những dòng chữ đã nhòe mờ sau nửa thế kỷ, nay đã trở thành Tài sản tinh thần của con cháu ông và sẽ là Di sản cho cả cộng đồng và xã hội.

Tác phẩm “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” sẽ là món quà nhỏ, nhưng vô cùng ý nghĩa, khi ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020 và tác giả Đinh Đức Lâm (nguyên Hiệu Trưởng Trường Phổ thông Cơ sở xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) tròn 75 tuổi (1945 – 2020).

Theo Tầm Nhìn

Link gốc: Tầm Nhìn

Tin liên quan