Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết trẻ xem điện thoại thông tinh, tivi nhiều sẽ có biểu hiện nháy mắt và giật cơ hàm, nhíu mũi. Ngoài ra, trẻ cũng vô thức phát ra các âm thanh như âm hèm trong họng, hít mũi, gằn giọng. Đây là dấu hiệu điển hình của hội chứng TIC.
“Để khắc phục tình trạng này, cách đơn giản nhất là phụ huynh phải khéo léo giúp trẻ rời xa chiếc smartphone hay máy tính bảng. Nếu trẻ đã thuộc dạng nghiện, mỗi ngày chơi nhiều giờ, khóc la, tỏ ra hung bạo khi bị lấy mất thiết bị, bạn nên giảm từ từ”, bác sĩ Tiến nói.
Với những bé chưa nghiện điện thoại, chỉ cần vài ngày giảm bớt thời gian là bé có thể từ bỏ được ngay. Còn với bé đã nghiện thiết bị công nghệ, các em sẽ mất nhiều thời gian hơn cho việc thay đổi thói quen này.
Cách tốt nhất để giúp bé “cai nghiện” là phụ huynh cắt giảm thời gian cho trẻ dùng điện thoại. Nếu trước đây, mỗi ngày bé chơi điện thoại suốt 2 giờ, bạn hãy cố giảm dần xuống còn một giờ. Tuần sau lại tiếp tục giảm nhiều hơn nữa. Bạn không nhất thiết phải ép trẻ tránh xa điện thoại hoàn toàn nhưng hạn chế càng nhiều càng tốt.
Bên cạnh đó, phụ huynh phải có phương án thay thế thiết bị công nghệ cho bé như đồ chơi phát triển trí tuệ, môn thể thao, trò vận động ngoài trời… Nếu duy trì thói quen này, sau một thời gian, tình trạng máy giật mắt, cơ hàm của bé sẽ từ từ giảm và hết hoàn toàn.
“Nếu phụ huynh đã điều chỉnh và cân bằng thời gian dùng smartphone của trẻ nhưng tình trạng nháy mắt và giật cơ hàm không thuyên giảm, kéo dài hoặc nặng thêm, bạn nên đưa bé đến các bệnh viện chuyên khoa nhi để được thăm khám tình trạng bệnh”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Theo Tầm Nhìn