Dính hàng loạt bê bối, Pvcombank làm ăn ra sao?
Loạt nhân sự dính “vòng lao lý”
Ngày 3/10/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Thái Bình phát đi thông cáo cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can phạm tội “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Ngân hàng PVcomBank chi nhánh Thái Bình.
Các đối tượng bị khởi tố gồm: Trần Thị Ngọc Thủy – Trưởng phòng khách hàng cá nhân PVcomBank Thái Bình, và Nguyễn Thị Hải Hoàn – chuyên viên phòng khách hàng cá nhân PVcomBank Thái Bình về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại Điều 359 Bộ Luật Hình sự.
Cũng liên quan đến PvcomBank, ngày 30/12/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại PVcombank Đồng Nai.
Trước đó, đơn vị này nhận được đơn tố giác tội phạm của bà Lê Thị Xuân Bích và ông Trấn Bá Thắng, (cùng ngụ tại xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, Đồng Nai), tố cáo bà Nguyễn Thị Bích Vân – Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng, bà Trần Diệu Hương – Kiểm soát viên của PVcombank Đồng Nai; bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (Giám đốc Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu Hoàng Kim); ông Trần Trung Nam (khách hàng của PVcombank Đồng Nai) có hành vi chiếm đoạt tài sản hơn 70 tỷ đồng.
Sau khi nhận đơn tố giác, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã điều tra và xác định có dấu hiệu tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên tiến hành khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục điều tra.
Còn tại Hà Nội, ngày 24/1, Viện KSND TP Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố 25 bị can trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành (37 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và đồng phạm về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Trong vụ án này có 2 cán bộ PVcomBank là Đỗ Minh Đức, Giám đốc Trung tâm phát triển khách hàng doanh nghiệp phía bắc, và Bùi Văn Tuấn – nhân viên, bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”, quy định tại khoản 4, Điều 206 Bộ luật Hình sự.
Ngoài các vụ án kể trên, PvcomBank còn dính loạt bê bối khác. Điển hình, tờ Dân trí ngày 29/9/2016 đăng tải bài báo có tựa đề: “PVcomBank bị tố vượt trần lãi suất huy động VND và USD”, theo nội dung bài viết, một nhóm khách hàng đã gửi đơn tố cáo tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị báo chí truyền thông, về việc nhân viên phòng giao dịch PVcomBank Nam Đồng (Xã Đàn, Hà Nội) tư vấn khách hàng gửi 450.000 USD và 12 tỷ đồng sẽ được hưởng thêm lãi suất vượt trần so với quy định là 0,25%/năm và 0,5%.
“Ngày 12/9, một khách hàng tên Quý làm việc với chị Phương – nhân viên giao dịch PVcomBank Nam Đồng về việc gửi 450.000 USD thì được đại diện ngân hàng này cam kết, nếu anh Quý gửi số tiền trên cho ngân hàng vào ngày 13/9 thì anh Quý sẽ nhận được tiền lãi suất đen vượt trần so với quy định của Ngân hàng Nhà nước là 0,25%/năm.
Ngoài ra, anh Quý còn số tiền 12 tỷ đồng, chị Phương tư vấn, ngoài lãi suất quy định là 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, PVcomBank Nam Đồng sẵn sàng trả thêm lãi suất đen bên ngoài cho anh Quý là 0,5%. Như vậy, nếu anh Quý gửi số tiền trên sẽ được hưởng lãi suất tổng cộng là 8%/năm”, trích nội dung đăng tải trên báo Dân Trí.
Qua kiểm tra, xác minh, PVcomBank xác định đây chỉ là trường hợp đơn lẻ của Phòng Giao dịch Nam Đồng, chứ không phải do thực hiện theo chủ trương của ngân hàng.
Kiểm toán nêu loạt điểm ngoại trừ trong Báo cáo tài chính
PVcombank mới đây đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2020, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC thực hiện việc Kiểm toán độc lập. Tổng tài sản của Pvcombank được ghi nhận khoảng 181.394 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 75,772 tỷ đồng.
Tại báo cáo kiểm toán độc lập, AASC đưa ra hàng loạt ý kiến kiểm toán ngoại trừ liên quan đến việc phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu của PVcomBank.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2020, PVcombank chưa thực hiện phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu đầy đủ đối với các khoản cho vay của khách hàng theo quy định hiện hành; chưa thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho các tài sản có nội bảng khác đầy đủ theo quy định hiện hành; chưa thực hiện phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu đầy đủ đối với các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết theo quy định hiện hành.
Nếu hạch toán đúng quy định hiện hành, thì lợi nhuận chắc chắn không thể là con số 75,772 tỷ đồng như trong bản báo cáo mà PVcomBank công bố.
Báo cáo tài chính ghi nhận một khoản phải thu liên quan đến giá trị chuyển nhượng một khoản đầu tư dài hạn của ngân hàng với số tiền 727,872 tỷ đồng. Ngân hàng đã trích lập dự phòng phải thu 161 tỷ đồng đối với khoản phải thu này. Tuy nhiên, Báo cáo kiểm toán độc lập cho biết “chưa thể xác định được khả năng thu hồi đầy đủ của khoản phải thu này”, nên không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu hay không.
Một vấn đề khác là PVcombank nhận bàn giao tài sản bảo đảm trị giá 737 tỷ đồng để cấn trừ nợ của một khoản trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết và ghi nhận thu nhập phát sinh từ giao dịch này là 240 tỷ đồng trong năm 2019. Tuy nhiên, Báo cáo kiểm toán độc lập chưa thể xác định được giá trị lợi ích kinh tế sẽ thu được từ giao dịch này, cũng như chưa khẳng định được việc ghi nhận này có đảm bảo nguyên tắc thận trọng theo quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam hay không.
Báo cáo của Công ty AASC cũng nhấn mạnh PVcombank đang ghi nhận khoản phải thu 145 tỷ đồng từ Tổng công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam và 14 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tuy nhiên, đến thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất, các thủ tục nghiệm thu và quyết toán giữa các bên chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở để các bên thanh toán hoàn trả khoản phải thu cho PVcombank.
Theo Doanh nhân và Pháp lý.