Đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng để chuẩn bị xây dựng mới cầu sông Đuống

Tác giả : Admin 15/12/2021

Dự án cầu Đuống mới có tổng mức đầu tư 1.877 tỷ đồng, từ vốn ngân sách nhà nước, thời gian thực hiện trong giai đoạn từ năm 2022-2025.

Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) vừa phát thông báo mời thi thiết kế kiến trúc công trình cầu Đuống đường bộ và cầu Đuống đường sắt thuộc Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống.

Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống có cấu phần quan trọng là đầu tư xây cầu Đuống mới để thay thế cho cầu Đuống đang khai thác, để nâng tĩnh không, tạo luồng vận tải thủy an toàn, tăng tải trọng của tuyến vận tải thủy quan trọng này.

9845 1639553876 Img Bgt 2021 Cau Duong Hien Tai 1632817604 Width1536height864
Đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, để chuẩn bị xây dựng mới cầu sông Đuống. (Ảnh:Internet)

Dự án cầu Đuống mới có tổng mức đầu tư 1.877 tỷ đồng, từ vốn ngân sách nhà nước, thời gian thực hiện trong giai đoạn từ năm 2022-2025. Cầu Đuống mới sẽ gồm 2 cầu, với cầu riêng cho đường bộ và cầu riêng cho đường sắt, thay vì đi chung như cầu hiện có.

Cầu Đuống đường sắt mới sẽ xây dựng về phía thượng lưu sông Đuống, cách cầu hiện nay khoảng 16,5m, trùng vị trí xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1. Chiều dài cầu dự kiến khoảng 330m, với thiết kế đường sắt khổ ray lồng 1.000mm và 1.435mm.

Cầu Đuống đường bộ mới dự kiến xây dựng cách cầu hiện hữu 100m về phía hạ lưu, cầu mới dài khoảng 472m.

Sau khi có cầu mới, cầu Đuống hiện nay sẽ được phá bỏ để tạo luồng đường thủy cho tàu thuyền qua lại dễ dàng, hạn chế các vùng nước xoáy. Hiện cầu Đuống cũng bắt đầu xuống cấp, đã có không ít tai nạn tàu đâm phải trụ cầu này.

Cầu Đuống là một cây cầu đường bộ và đường sắt bắc qua sông Đuống, trên quốc lộ 1A cũ, nối phường Đức Giang thuộc quận Long Biên với thị trấn Yên Viên thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Với nhịp giữa có thể xoay được khi thông xe năm 1902, đây được coi là cây cầu xoay đầu tiên tại Việt Nam.

Cầu này được chính quyền thực dân Pháp xây vào cuối thế kỷ 19 và được thông xe vào năm 1902, cùng thời với cầu Long Biên. Cầu lúc đó có 5 nhịp, 2 mố và 5 trụ.

Trong chiến tranh, cầu đã hư hỏng nặng, chỉ còn lại những mố cầu ở hai đầu. Sau chiến tranh, cầu được xây lại ở vị trí cũ và thông xe vào năm 1981, không còn các trụ số 2 và 4. Cầu chỉ còn ba trụ để tạo thuận lợi cho tàu bè qua lại.

Từ nhiều năm nay, các phương tiện giao thông có trọng tải lớn hơn trọng tải cho phép của cầu vẫn được đi qua vì đây là tuyến giao thông huyết mạch. Điều này khiến cho cầu bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo Môi trường và Đô thị VN

Tin liên quan