Đắk Lắk: Dự án Đầu tư xây dựng doanh trại lữ đoàn 198/BTL đặc công bị “bán thầu”?

Tác giả : Admin 14/12/2020
 Theo quy định, một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu là nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên, hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá trị hợp đồng đã ký kết. Gói thầu bị bán 100%, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư hay nhà thầu chính?
Đơn cầu cứu của cty An Tâm

Tại dự án Đầu tư xây dựng doanh trại lữ đoàn 198/BTL đặc công (giai đoạn 2), gói thầu số 21 do Công ty cổ phần thương mại Diệu Linh (Cty Diệu Linh) đảm nhận trách nhiệm thực hiện và thi công dường như đã được “bán” lại cho một nhà thầu phụ khác là Công ty TNHH thương mại dịch vụ và xây dựng An Tâm (Cty An Tâm)? Tại đây, vấn đề về trách nhiệm giữa chủ đầu tư nhà thầu chính – nhà thầu phụ được hé lộ.

Theo đó, gói thầu số 21 bao gồm các hạng mục: Nhà vệ sinh 18 hố – liên đội 35; Nhà chỉ huy liên đội 20 (S17); Nhà ăn – nhà điều trị cách ly; Nhà ở cảnh vệ + trực ban, tiếp dân; Nhà để xe.

Tại Điều 5 trong hợp đồng thi công xây dựng công trình, bên Cty Diệu Linh đã giao toàn bộ khối lượng công việc gồm tất cả các hạng mục tại gói thầu số 21 cho Cty An Tâm. Điều này đã vi phạm Luật Đấu thầu 2013 (Khoản 8, Điều 89) về hành vi cấm trong đấu thầu, chuyển nhượng thầu. Theo quy định, một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu là nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên, hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá trị hợp đồng đã ký kết.

Đối với gói thầu số 21 có giá trị hơn 10 tỷ, theo luật thì nhà thầu chính không được chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên. Trong khi đó, gói thầu số 21 này đã được Cty Diệu Linh “nhượng” lại toàn bộ hạng mục công trình cho Cty An Tâm. Như vậy, nếu xét về khía cạnh mối quan hệ giữa nhà thầu chính và đơn vị chủ đầu tư, tình trạng này cũng được xem là chủ đầu tư đã gián tiếp “bán” thầu cho Cty An Tâm (đơn vị nhà thầu không có tên trong danh sách trực tiếp trúng thầu).

Theo giấy tờ hợp đồng giao thầu giữa chủ đầu tư và nhà thầu chính, có thể vấn đề này không liên quan đến chủ đầu tư nhưng lại có trách nhiệm liên đới. Vì chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện cho một nhà thầu phụ khác. Như vậy, dù thực hiện công việc có hiệu quả hay không thì nhà thầu phụ vẫn phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về khối lượng, chất lượng, tiến độ cũng như các quyền và nghĩa vụ khác đối với phạm vi công việc mà nhà thầu phụ thực hiện. Sự có mặt của nhà thầu phụ trong thực hiện công trình, chủ đầu tư vẫn là đơn vị nắm bắt được.

Tuy nhiên, việc để xảy ra tình trạng nhà thầu chính “nhượng” 100% gói thầu cho nhà thầu phụ mà không có sự can thiệp nào, đến khi xảy ra những sự cố không mong muốn, ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm? Trong khi, trách nhiệm của nhà thầu chính – nhà thầu phụ đã rõ ràng, vậy còn về phía đơn vị chủ đầu tư sẽ như thế nào để hài hòa và công bằng?

Bài 2: Từ hành vi nhượng thầu đến trốn thanh toán gói thầu trong dự án Đầu tư xây dựng doanh trại lữ đoàn 198/BTL đặc công

Theo Tầm Nhìn

Tin liên quan