Đại gia? Bắt đầu từ con số không cả đấy!

Tác giả : Admin 03/03/2021
Chỉ cần người đứng đầu Tập đoàn như ông nghiêng ngả, không biết bao số phận tết mùa Covid-19 thất bát này đi về đâu?

Hàng ngày tôi đến cơ quan làm việc từ đầu giờ sáng, thường đi men theo con đường nối từ cầu Vĩnh Tuy, Hà Nội qua đường Minh Khai nối đường Trường Chinh đến Ngã Tư Sở rồi tới cơ quan ở đường Phạm Văn Đồng. Con đường này mới làm, đoạn từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư sở đã có đường trên cao dành riêng cho xe ô tô, đường phía dưới thì rộng hơn, đẹp hơn, mướt mắt lắm. Còn đoạn từ Ngã Tư Vọng ngược về Minh Khai, cầu Vĩnh Tuy thì đang vừa giải phóng mặt bằng vừa thi công rất nham nhở. Nhưng phải nói con đường này thi công nhanh một cách chóng mặt. Ai làm vậy? Nhiều người trả lời, đây là công ty tư nhân làm. Một lần tôi thử hỏi câu hỏi tương tự như vậy với một bác xe ôm, thì được bác trả lời chắc nịch “Của ông Nhật Vượng chứ ai nữa. Có tiền làm cái gì chả được”.

Toàn cảnh khách sạn Mường Thanh Luxury Quảng Ninh đạt tiêu chuẩn 5 sao

“Có tiền làm cái gì chẳng được”, câu nói chắc như đinh đóng cột này có lúc được coi như là chân lý cũng được nói về ông chủ Tập đoàn khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam – Mường Thanh, khi ông xây dựng gần 60 khách sạn 4 – 5 sao rải khắp đất nước và sang cả nước bạn Lào. Trước đại dịch Covid-19, Tập đoàn Mường Thanh từng có hơn 25.000 lao động. Thử tính toán trong một xã hội khan hiếm việc làm thì giải quyết công việc, lương thưởng cho từng ấy con người thì phải nói là cần đến “núi tiền” chứ chẳng chơi. Vậy mà trong đại dịch, khi có trợ lý đề xuất nên giảm người thế nào, ông chủ tập đoàn chỉ đạo “không giảm ai hết, đói no có nhau”. Bà Thái Hương, Chủ tịch tập đoàn TH năm 2020 vừa được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới với thương hiệu nông nghiệp sạch của Việt Nam; khi nhắc đến bà thì dường như ai cũng đều tỏ thái độ nể trọng về sự cống hiến, nhưng ít người hiểu được niềm đam mê và nghị lực phi thường của một người phụ nữ xứ Nghệ. Bà là con của một cựu chiến binh, nghèo quá mà chạy ăn, buôn bán nhỏ rồi “tích tiểu thành đại” làm ăn lớn. Bà cũng bắt đầu từ số không, khi dư dật thì cả gan đầu tư lập ngân hàng Bắc Á, rồi làm sữa bò tươi sạch bằng công nghệ hiện đại của nước ngoài. Rồi đầu tư cả trường học, bệnh viện kỹ thuật cao, vươn cả ra nước ngoài. Ai nhìn vào cũng thấy ngưỡng mộ!

Ông Lê Thanh Thản- Ông chủ Tập đoàn khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam – Mường Thanh

Còn nhiều doanh nhân khác nữa mà tôi từng làm việc, từng gặp, từng chơi với nhau do nhiều lẽ trong cuộc sống. Vì gần gũi thế, nên có điều tâm sự thật thế này, càng sống gần các ông chủ tư nhân, càng thấy họ… khổ hơn mình nhiều lắm. Bề ngoài thì họ nhiều đất, nhiều tiền thật đấy. Nhưng bên trong thì nhiều chuyện cười ra nước mắt lắm. Tiền tỷ đấy nhưng bữa trưa kín đáo gặm gấp gáp chiếc bành mỳ nguội tanh là chuyện thường. Họ kiếm được đồng tiền trợt cả mặt. Khi giàu lên rồi thì ai nhìn vào cũng bảo “Có tiền mua tiên cũng được”. Nhưng để có đồng tiền lãi đầu tiên, các doanh nhân, các đại gia mà tôi biết đều đi từ con số không cả!

Quả đúng là như vậy. Một doanh nhân trưởng thành từ nước Liên Xô cũ, bắt đầu từ gói mỳ tôm đến đầu tư cả nhà máy rồi đầu tư về nước; có doanh nhân buôn bán chợ đen rồi làm xuất nhập khẩu tại các nước Đông Âu, kiếm được ít tiền thì đầu tư về quê hương. Có doanh nhân đi lên từ nghề buôn bán sắt thép, xi măng đổi lấy vịt gà rồi trở thành chủ thầu xây dựng ở một tỉnh miền núi Lai Châu, nhờ uy tín và tình cảm khi thi công công trình xây dựng của nước bạn Lào mà có chút lưng vốn, liền mạnh dạn tiến về Thủ đô cạnh tranh mà thành đại gia; có người bắt đầu từ nghề phế liệu ở xứ Nghệ rồi tiến tới làm công nghệ nông nghiệp sạch, đầu tư ở quê hương, ra Thủ đô rồi vượt biển ra nước ngoài, được phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới.

Khu căn hộ tổ hợp Royal City ở 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, HN

Có nằm mơ tôi cũng chẳng nghĩ tới có ngày mình được đi thăm những thành phố nằm sâu dưới đất của Times City, của Royal City và trên đất là những khu nhà chọc trời tiêu chuẩn châu Âu! Rồi mua xe ô tô Vinfats với giá thấp nhất dưới 400 triệu đồng nữa. Làm sao tưởng tượng một vùng đất mênh mông của miền Tây Nghệ An nay bỗng thành vườn cỏ tươi tốt, của bạt ngàn hoa hướng dương với công nghệ nuôi bò sữa, chế biến sữa tươi sạch tiên tiến. Cũng khó tưởng tượng nổi một vùng đồi núi hoang vu của một xã miền núi Diễn Lâm, huyện Diễn Châu nay bỗng mọc lên khách sạn 5 sao, sân Golf với khu vườn thú sinh động như một thế giới thu nhỏ. Càng khó tưởng tượng những bờ biển Nha Trang, Đà Nẵng với Vinpearl của Vingruop, với Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa của doanh nhân Nguyễn Đức Chi tại Khánh Hòa.

Bà Thái Hương – nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng chiến lược tập đoàn TH

Nhưng được để lại những công trình như thế, nhiều doanh nhân đã trả giá bằng mạng sống, bằng cả cuộc đời mình. Đại gia Lê Thanh Thản trong ngày giáp tết Canh Tý năm ngoái đã cay đắng như chết lặng khi chứng kiến cảnh một lũ người mang danh pháp luật đến đập phá Công viên nước của ông, họ đập nát tất cả, biến một khu liên hiệp thành một đống sắt vụn ngổn ngang giống như một cuộc trả thù của xã hội đen hơn là cưỡng chế. Vậy mà ông vẫn nuốt hận để trở về liên hoan tất niên với hàng xóm láng giềng vì đã mời từ trước. Giáp Tết Tân Sửu năm nay ông lại bị một quan chức thành phố Hà Nội trước khi về nghỉ hưu 7 ngày đã kỳ quặc ký đổi tên khu đô thị của ông sang mang tên người khác. Một quyết định cứ như trên trời rơi xuống không hiểu vì sao (?). Tôi nhìn ông, vẫn thấy sự vững chãi như một nhà sư ngồi thiền. Sao không nhìn thấy một người đàn ông tuổi “xưa nay hiếm” biểu hiện ngậm đắng nuốt cay? Hẳn ông ngồi vững chãi như vậy để hàng mấy chục ngàn lao động tựa vịn chăng? Chỉ cần người đứng đầu như ông nghiêng ngả, không biết bao số phận tết mùa Covid-19 thất bát này đi về đâu? Một doanh nhân khác trẻ hơn ông Thản mà tôi biết từng phải ngồi tù gần 5 năm trời vì những điều suy đoán hơn là đúng luật. Nhưng trắng án, ra tù, anh lại lao vào kinh doanh, chạy đua với thời gian, chạy tắt ngược chiều kim đồng hồ để làm ăn đưa công ty lên tầm cao hiện đại hơn, danh giá hơn. “Không nhắc lại chuyện cũ”, đó là phương châm của ông chủ thành đạt này. Vì sao ư, vì phía trước còn nhiều cơ hội, phải nhanh chóng giành lấy không để rơi vào tay người nước ngoài. Đó là gì nếu không phải là sự tận hiến?

Nhà máy của TH True Milk

Còn biết bao nhiêu ông chủ tư nhân khác, người bị ra tòa, người bị khởi tố, người bị thanh tra, người bị dư luận đánh cho tơi tả bằng trò “hội đồng”, người bị đe dọa trong bóng tối, người bị khủng bố tinh thần man trá, có người đi kiện lại cơ quan quản lý ra Tòa hành chính- một cuộc chiến không cân sức… Cũng rất may, sau những lần như vậy, nhiều ông chủ tư nhân đã đứng dậy và đi tiếp con đường mà số phận đã đưa đẩy họ lựa chọn. Tôi không dám nhắc tới bao số phận doanh nhân khác có thể bị gục ngã đâu đó trên con đường kinh doanh đầy máu và nước mắt. Có thể họ đã sai, có thể cuộc sống đã bất công với họ. Nhưng thôi, hãy coi những thất bại ấy lát đường vô danh cho những thành công của các doanh nhân trong đội ngũ làm giàu cho đất nước.

Quay lại câu chuyện bác xe ôm ở Hà Nội. Hẳn bác ấy là thành phần mà lâu nay bị mặc nhiên coi là không quan tâm tới thời cuộc cũng đã nói một cách tự tin rằng “Tư nhân họ làm đấy. Nhà nước thì còn khướt”. Tôi không nghĩ là bác xe ôm nọ có thể đã xem Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Trung ương Đảng “về phát triển kinh tế tư nhân” với một định ngữ kèm theo “trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Bác xe ôm ơi, bác không thể biết Trung ương của ta lấy số Nghị quyết 10 năm 2017 thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển là có ý tương tự như Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 05/4/1988 (còn gọi là Khoán 10) của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp thành công vang dội một thời. Vậy thì mừng quá! Chỉ mong chủ trương đúng rồi, các đồng chí lãnh đạo trong thực tế hãy thương các ông chủ tư nhân. Họ không có may mắn nào đâu. Bắt đầu từ con số không cả. Họ làm giàu cho mình và làm giàu cho đất nước, giúp hàng triệu số phận dân mình. Lãnh đạo, các nhà bảo vệ pháp luật hãy đi bên cạnh họ, giúp họ tránh cái sai. Đừng để họ vi phạm để xử lý. Bởi chờ cho họ sai, hay “tạo cơ hội” cho họ sai, rồi xử lý, thậm chí tệ hơn nữa là “suy đoán họ có tội” để khiến họ bị xử lý oan, như thế chúng ta sẽ dần mất đi những doanh nhân tài năng sẵn lòng cống hiến cho đất nước. Và như thế, đất nước ta bao giờ mới giàu mạnh?

Theo Tầm Nhìn

Tin liên quan