Đà Nẵng: Bất cập trong việc xử phạt Công ty Hà Trung Hậu

Tác giả : Admin 19/04/2021

Thiếu cơ sở khi thu hồi và hủy bỏ Quyết định xử phạt VPHC số 7737/QĐ-XPVPHC đối với Công ty Sản xuất – Thương mại Hà Trung Hậu (viết tắt Công ty Hà Trung Hậu – TP HCM), Tòa án xét xử sơ thẩm lần 2 đã tuyên hủy một phần Quyết định 2555/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Đà Nẵng: Bất cập trong việc xử phạt Công ty Hà Trung Hậu
Tòa tuyên hủy phần lý do thu hồi của Quyết định 2555

Theo nhận định của TAND TP Đà Nẵng, Quyết định 2555/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 là quyết định thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015. Người bị kiện (UBND TP Đà Nẵng) cho rằng, lý do hủy bỏ quyết định xử phạt trên là vụ việc thuộc trường hợp có xảy ra tranh chấp về sở hữu trí tuệ (SHTT) nên căn cứ áp dụng là Điều 18 Luật xử lý VPHC 2012 và Điều 27 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.

Tuy nhiên, qua xem xét toàn bộ chứng cứ do Công ty Ajinomoto Việt Nam và người bị kiện cung cấp thì không có đơn đề nghị xử lý vi phạm của Công ty Ajinomoto Việt Nam cũng như tài liệu chứng minh có thiệt hại xảy ra do hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu của Công ty Hà Trung Hậu; không thể hiện Công ty Ajinomoto đề nghị xử lý vi phạm bằng hình thức xử lý hành chính hay vụ việc có thuộc trường hợp xảy ra tranh chấp về quyền SHTT để giải quyết theo quy định tại Điều 27 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.

Vào ngày 16/11/2015, Công ty Hà Trung Hậu có đơn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ chấm dứt hiệu lực đối với Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 169 (là 3 chữ Nhật Bản) của Công ty Ajinomoto. Sau nhiều lần Tòa án đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ trả lời có hay không việc thụ lý giải quyết đơn đề nghị của Công ty Hà Trung Hậu, đến ngày 16/7/2020, Cục Sở hữu trí tuệ mới có Quyết định số 2719/QĐ-SHTT với nội dung không chấp nhận đề nghị của Công ty Hà Trung Hậu.

Đà Nẵng: Bất cập trong việc xử phạt Công ty Hà Trung Hậu
Bột ngọt Ajino Takara được nhập khẩu từ Thái lan

HĐXX nhận định, như vậy, Cục Sở hữu trí tuệ chỉ giải quyết yêu cầu của Công ty Hà Trung Hậu về chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 169 của Công ty Ajinomoto. Giữa Công ty Ajinomoto và Công ty Hà Trung Hậu không có đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết tranh chấp về SHTT. Do đó, việc đưa ra lý do hủy quyết định xử phạt số 7737 vì vụ việc thuộc trường hợp có xảy ra tranh chấp về SHTT là không có cơ sở, không đúng quy định pháp luật.

Trước đó, năm 2015, QLTT Đà Nẵng đã kiểm tra và tạm giữ khoảng 7 tấn hàng hóa bột ngọt (mì chính) mang nhãn hiệu AJINO-TAKARA  (đóng gói và chưa đóng gói), bao bì và tất cả dụng cụ đóng gói bao gồm cân, máy ép, v.v… của Công ty Hà Trung Hậu – chi nhánh Đà Nẵng với lý do “trên bao bì bột ngọt AJINO-TAKARA của Công ty Hà Trung Hậu có 3 chữ tiếng Nhật tương tự 3 chữ tượng hình gắn trong hình ảnh trên bao bì của sản phẩm bột ngọt AJI-NO-MOTO của Công ty Ajinomoto Việt Nam”.

Sau đó, ngày 19/10/2015, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 7737/QĐ-XPVPHC xử phạt VPHC đối với Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Hà Trung Hậu vì đã thực hiện hành vi vi phạm, bán và đóng gói hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Công ty Ajinomoto Việt Nam; buộc khắc phục hậu quả bằng việc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm.

Khẳng định bột ngọt AJINO-TAKARA nhập khẩu không xâm phạm quyền, Công ty Hà Trung Hậu đã khởi kiện yêu cầu hủy bỏ quyết định 7737/QĐ-XPVPHC và được TAND TP Đà Nẵng thụ lý vụ án, giải quyết bằng bản án số 03/2016/HC-ST ngày 4/5/2016. Công ty Hà Trung Hậu kháng cáo bản án sơ thẩm.

Trong quá trình giải quyết, ngày 11/5/2017, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 2555/QĐ-UBND thu hồi, hủy bỏ Quyết định xử phạt VPHC số 7737/QĐ-XPVPHC đã ban hành trước đó. Tuy nhiên lý do thu hồi quyết định 7737 không đúng nên Công ty Hà Trung Hậu yêu cầu Tòa cấp cao xem xét hủy bỏ một phần Quyết định 2555. Qua xem xét, Tòa án cấp cao tại TP Đà Nẵng hủy bản án sơ thẩm số 03/2016/HC-ST ngày 4/5/2016 giao tòa sơ thẩm thụ lý giải quyết lại.

Theo phản pháo của Công ty Hà Trung Hậu: “Chúng tôi không xâm phạm quyền SHTT ba chữ Nhật Bản của Công ty Ajinomoto Việt Nam. Không có đủ căn cứ để khẳng định công ty chúng tôi xâm phạm bản quyền”.

1914 Ajinotakara
Công ty Hà Trung Hậu giám định nhãn hiệu trước khi nhập khẩu và được kết luận không có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu

Mặt khác, Ajino-Takara là nhãn hiệu mì chính của Thái lan được Công ty Hà Trung Hậu nhập khẩu nên phải đảm bảo nhãn hiệu của chủ sở hữu. Trước khi đầu tư vào TP Đà Nẵng, Công ty Hà Trung Hậu đã tiến hành giám định các dấu hiệu trên nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp tại Viện Sở hữu trí tuệ. Tất cả các kết luận giám định (NH057-15YC/KLGĐ ngày 26/2/2015, NH059-15YC/KLGĐ ngày 26/2/2015, NH453-15YC/KLGĐ ngày 6/10/2015) đều kết luận không có yếu tố xâm phạm quyền nhãn hiệu của Công ty Ajinomoto.

Căn cứ vào tài liệu và kết quả tranh luận, sau khi nghị án, HĐXX đã hủy một phần quyết định 2555/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định xử phạt VPHC số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015 về phần lý do hủy bỏ.

Hiện Công ty Hà Trung Hậu đã đề nghị UBND TP Đà Nẵng sửa lại Quyết định 2255 phần lý do hủy bỏ.

Theo Tầm Nhìn

Link gốc: Tầm Nhìn

Tin liên quan