Bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 quy định về bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân
Theo Điều 60, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 quy định về bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân gồm:
1. Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm sau đây:
a) Giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định;
b) Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định; không để vật nuôi gây mất vệ sinh trong khu dân cư;
c) Không phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh;
d) Chi trả kinh phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo quy định của pháp luật;
đ) Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư;
e) Có công trình vệ sinh theo quy định. Trường hợp chưa có công trình, thiết bị xử lý nước thải, khi xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở riêng lẻ tại đô thị, khu dân cư tập trung, phải xây lắp công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.
2. Chuồng trại chăn nuôi quy mô hộ gia đình phải bảo đảm vệ sinh, không gây ô nhiễm tiếng ồn, phát tán mùi khó chịu; chất thải từ hoạt động chăn nuôi phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng, nhà ở của hộ gia đình, cá nhân ở đô thị theo quy định của pháp luật về xây dựng có trách nhiệm thẩm định, cấp giấy phép xây dựng trong đó bao gồm công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Theo Môi trường và Đô thị VN