Những quyết định “không giống ai” của doanh nhân Hàng Vay Chi
Không phải là liều lĩnh, cách kinh doanh của ông Hàng Vay Chi là sự đúc kết vô số kinh nghiệm thực tế xuyên suốt từ thời bao cấp cho đến khi các thương hiệu lớn trên thế giới vào Việt Nam đầu tư.
Là người trong thương trường hơn 30 năm, ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch Việt Hương Group đã bước chân vào rất nhiều lĩnh vực kinh doanh như mì gói, thực phẩm, song mây, ván sàn, lập khu công nghiệp cho đến bước chân vào lĩnh vực sản xuất vải sợi.
Đi lên từ mì gói
Thập niên những năm 1980, Việt Nam mới bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế đầy khó khăn của một đất nước sau chiến tranh. Ngành sản xuất trong nước lạc hậu, công thương nghiệp đình trệ, vật dụng hằng ngày thiếu thốn. Lúc đó, với 200 USD và 7 người trong gia đình, ông Hàng Vay Chi mở cơ sở kinh doanh sản phẩm đầu tiên là bột canh. Sau đó là sản xuất mì ăn liền Việt Hương.
Mặc dù mì Vifon thống lĩnh thị trường từ những năm trước 1975 nhưng thời bao cấp, hàng hóa ít cộng với chất lượng và hương vị đặc biệt nên mì Việt Hương sản xuất đến đâu, bán hết đến đó và thời điểm thị trường khan hiếm hàng hóa, mì gói Việt Hương cũng đã đóng góp được đáng kể cho ngành lương thực TP.HCM, giải tỏa được cơn thiếu thốn lương thực của thị trường lúc đó.
“Trong lúc khách đến giao dịch hoặc chờ lấy hàng, tôi nấu cho họ tô mì Việt Hương ăn đỡ, họ khen ngon, giới thiệu nhau đến mua nhiều hơn. Khi đó, bột mì rất hiếm, vài cơ sở khác tìm cách pha trộn nguyên liệu. Riêng tôi nhất quyết không làm vậy. Bột mì thành phẩm hiếm nhưng hạt bo bo (sorghum), tức lúa miến, được nhập từ Liên Xô thì rất sẵn. Mua bo bo chế biến thành bột, chất lượng gần bằng bột mì, phần vỏ hạt bán cho mấy cơ sở nghiền cám làm thức ăn gia cầm. Khâu nguyên liệu như vậy là ổn, tôi chỉ lo sản xuất và bán hàng”, ông Chi kể.
Năm 2015 Việt Hương quyết định đầu tư thêm hai nhà máy sản xuất vải hiện đại để đón đầu TPP với tổng đầu tư hơn 100 triệu Đô la Mỹ. Đặt trong bối cảnh hôm nay, khi TPP đã được các nước ký thỏa thuận, mọi việc đã rõ ràng, và ai cũng thấy nước đi của Việt Hương là đúng đắn.
Nhưng trước thời điểm tháng 10-2015, khi thông tin đa chiều, nhiều người cho rằng TPP sẽ không được ký, trong số đó có cả nhiều chuyên gia, thì ông Chi vẫn tin chắc rằng TPP sẽ được ký. Ông tin như vậy dựa trên những thông tin quan sát được từ câu chuyện Hoa Kỳ chuyển hướng xoay trục sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, từ sức ép của Trung Quốc khi họ xúc tiến thành lập ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Khi TPP được ký thì với Việt Nam, hai ngành da giày và may mặc được hưởng lợi nhiều nhất. Với tầm nhìn như vậy, ông Chi đã quyết định đầu tư mở rộng thêm hai nhà máy dệt may mới và đặt tham vọng dẫn đầu lĩnh vực này trong khu vực Đông Nam Á trong kế hoạch 5 năm sắp đến.
Tiên phong trong việc xây khu công nghiệp
Vào những năm 1990, chính sách kinh tế có những thay đổi rất lớn. Đất nước ta bước dần ra khỏi bao cấp, tiếp cận cơ chế thị trường. Những “ông lớn” nước ngoài sẵn sàng vào Việt Nam với nguồn vốn lớn, công nghệ tiên tiến. Dự báo những cơ sở nhỏ sẽ không thể cạnh tranh, ông Chi quyết định ngưng sản xuất mì Việt Hương, tìm hướng đi mới. Nhận định khi nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất thiết họ phải xây dựng nhà máy sản xuất.
“Tôi muốn đón đầu cơ hội này”, ông Chi cho biết.
Năm 1995, đất nước bước vào nền kinh tế cơ chế thị trường, Việt Hương là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên xây dựng khu công nghiệp với đầy đủ hệ thống kiểm soát, xử lý nước thải, chất thải – điều mà ít chủ đầu tư làm được ở thời điểm bấy giờ.
Nhiều người cho ông quá mạo hiểm nhưng với ông, đơn giản là thích làm những việc khó và ít đối thủ cạnh tranh.
Quả thật, là người đi tiên phong mở khu công nghiệp luôn có những cái khó, thậm chí rất khó vì một doanh nghiệp tư nhân làm sao để khách hàng tin tưởng vào làm ăn?
Hiểu rõ tâm lý khách hàng, Việt Hương chọn lối đi riêng bằng xây dựng nhà xưởng cho thuê. Đây là một hình thức cùng đầu tư để tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng.
“Khi khách hàng thấy mình dám đầu tư, đồng nghĩa mức độ an toàn cao, khi đó họ sẽ mạnh dạn đặt máy móc, dây chuyền sản xuất của họ vào khu công nghiệp của mình.” Ông Chi chia sẻ.
Không chỉ đầu tư cùng khách hàng, Việt Hương còn cung cấp những dịch vụ kèm theo rất tốt như tư vấn pháp lý, hỗ trợ gặp mặt chính quyền hàng tháng để giải quyết các gút mắc về thuế, hải quan, vay tiền lãi suất thấp …
Với ông Chi, khách hàng không chỉ là đối tác kinh doanh mà còn trở thành một người bạn và khi những người bạn có thể chơi chung với nhau thì chuyện hợp tác làm ăn không còn là vấn đề lớn.
Khi thành công, người ta đa phần chỉ nhìn thấy bề nổi của vấn đề mà không biết trước đó, doanh chủ đã phải âm thầm chuẩn bị. Và câu chuyện ra đời của khu công nghiệp Việt Hương cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Trước khi thành lập khu công nghiệp Việt Hương, ông Chi mở nhà hàng khách sạn để chào đón các doanh nhân Trung Quốc, Đài Loan sang Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh. Không chỉ cung cấp nơi ăn, chốn ở, ông Chi còn chịu khó dịch các tài liệu tiếng Việt sang tiếng Hoa để hỗ trợ các vị khách của mình. Theo đó, các khách sạn của ông như một trung tâm thông tin và từ đó, đủ để ông hiểu khách hàng của ông là ai khi ông mở khu công nghiệp.
Và đây chính là bài học tiếp theo mà ông muốn gửi gắm với các doanh nhân trẻ “Các bạn có thể không rành chi tiết về sản phẩm nhưng nhất thiết phải biết thị trường của mình ở đâu và ai là người mua sản phẩm của mình”.
40 doanh nhân đến từ các doanh nghiệp khác nhau tham quan nhà máy
Thời đó, có doanh nghiệp lúc mới đến chỉ thuê 500 mét vuông nhà xưởng với vốn lưu động rất khiêm tốn, sau 8 năm họ mở rộng đến 14 hecta, mỗi năm có doanh thu hàng trăm triệu USD.
Theo Diễn đàn DN