sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Cải tiến mẫu mã, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Tác giả : Admin 19/02/2025

Bên cạnh việc phát huy các giá trị truyền thống thì các làng nghề của Hà Nội cũng cần tiếp thu, sáng tạo các mẫu mã sản phẩm mới phù hợp với văn hóa và thị hiếu của các nước phát triển. Từ đó, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ra thế giới, nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề của Thủ đô.

604083cf 9f3f 43df 9fce E716d1c5d792 1739957934044921762684
Khách hàng mua sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các sự kiện quảng bá do Hà Nội tổ chức. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Với mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề Hà Nội, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như phát triển 9 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch; xây dựng thí điểm 6 mô hình du lịch nông thôn, du lịch làng nghề;…

Đặc biệt, Hà Nội đang tập trung phát triển mạnh các cụm công nghiệp nhằm thu hút cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh ra khỏi các khu dân cư, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, cháy nổ trong các làng nghề. Đến nay, Thành phố có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và 43 cụm công nghiệp đang triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, chiếm hơn 45% tổng số làng nghề của cả nước, đồng thời nhấn mạnh rằng Hà Nội xác định làng nghề là một trong những thế mạnh phát triển của mình. Sự phát triển của các làng nghề đã giúp mang văn hóa Hà Nội và của Việt Nam ra thế giới, để giao lưu với các nước bạn; qua đó khẳng định trong bối cảnh nào, Việt Nam cũng là quốc gia có nền văn hóa vô cùng đặc sắc.

Theo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của thành phố Hà Nội, mục tiêu giai đoạn 2023-2025 là tăng trưởng xuất khẩu đạt 4,4-5%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 5,1-5,5%/năm; đến năm 2030 có từ 6-10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm từ 3-5% trong tỷ trọng xuất khẩu của Thành phố.

Thời gian qua, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã giúp giảm thuế xuất khẩu và mở rộng cơ hội thị trường cho các ngành kinh tế nói chung và ngành thủ công mỹ nghệ nói riêng.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng không ít đòi hỏi các doanh nghiệp làng nghề phải đẩy mạnh liên kết, thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa.

Bên cạnh đó là yêu cầu về công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, chất lượng sản phẩm phải đồng đều…, đồng nghĩa với việc phải đổi mới, trong khi nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ở nước ta vẫn sử dụng thiết bị lạc hậu, chắp vá, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, chất lượng không đồng đều, tiêu hao nhiều nguyên liệu, phát thải nhiều chất gây ô nhiễm môi trường…

Các chuyên gia cho rằng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội dù đẹp, độc đáo nhưng vẫn tồn tại những hạn chế. Trong đó, mẫu mã thủ công mỹ nghệ được nhận định còn đơn điệu; sản phẩm mang tính khác biệt hóa chưa cao nên khó cạnh tranh với nhiều sản phẩm thủ công của các nước khác.

Mặt khác, doanh nghiệp còn chậm đổi mới mẫu mã hoặc sản phẩm thiếu tính sáng tạo, đôi khi, sản phẩm sản xuất chưa thật sự đúng với nhu cầu khách hàng. Hoặc các thiết kế chỉ làm theo đơn hàng từ khách hoặc sao chép mẫu mã có sẵn trên thị trường. Một số sản phẩm thiết kế mới thiếu tính sáng tạo, ý tưởng thiết kế chưa xuất pháp từ nhu cầu của từng thị trường…

PGS.TS Đặng Mai Anh, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp cho rằng, để có mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ bắt kịp và phù hợp nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp phải có chiến lược đúng cho quá trình sáng tạo và sản xuất. Cụ thể, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần hiểu rõ về nhu cầu thị trường và đối tượng khách hàng sẽ hướng đến.

Mỗi loại sản phẩm có những đặc điểm riêng và sự thu hút đối với những đối tượng khách hàng khác nhau, vào những thời điểm khác nhau… Việc khai thác tốt các thị trường đúng loại hàng, đúng thời điểm sẽ đạt được mục đích kinh doanh sản phẩm trong nước và xuất khẩu ra thế giới.

Đặc biệt, mới đây làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới. Đây không chỉ là niềm tự hào của những người thợ làng nghề mà còn là minh chứng cho vị thế ngày càng vững chắc của Hà Nội trên bản đồ sáng tạo toàn cầu.

Có thể thấy, việc Bát Tràng và Vạn Phúc được công nhận ở tầm quốc tế không chỉ mở ra cơ hội giao lưu, hợp tác với các trung tâm thủ công hàng đầu thế giới mà còn khẳng định chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội đang đi đúng hướng; góp phần đưa nghề thủ công truyền thống Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vươn xa.

Theo Cổng thông tin Chính phủ

Tin liên quan