Huấn hoa hồng: quảng cáo lập lờ hay lợi dụng tên tuổi thương hiệu lớn để bán hàng online?
Sở hữu biệt thự đắt tiền, dàn xe sang trị giá hàng chục tỷ đồng, thường xuyên xuất hiện với hình ảnh khoe vàng bạc, giàu có, từng nhiều lần bị cơ quan chức năng “tuýt còi” vì những phát ngôn, hành động thiếu chuẩn mực. Thời gian gần đây, Huấn hoa hồng thường xuyên xuất hiện với tư cách doanh nhân thành đạt. Nhiều người cho rằng, sự giàu có nhanh chóng này bắt nguồn từ việc livestream bán nước hoa, mỹ phẩm, sản phẩm sinh lý…
Nước hoa rẻ bất ngờ, xịn như hàng hiệu?
Huấn hoa hồng (tên thật Bùi Xuân Huấn, quê Yên Bái), nổi lên với những clip “giang hồ mạng” trên mạng xã hội YouTube từ 2015. Tính đến thời điểm hiện tại, trên trang FB cá nhân (có dấu tích xanh) mang tên Huấn hoa hồng đang thu hút hơn 3 triệu người theo dõi còn kênh YouTube cùng tên cũng có tới 217.000 người đăng ký. Đặc biệt, trên kênh YouTube này, nhiều clip có lượng xem được xếp vào hàng “khủng” như phim ca nhạc “muôn kiếp là anh em”, hơn 7,2 triệu lượt xem, “kiếp đỏ đen” hơn 4 triệu lượt xem,… đáng lưu ý, phim ca nhạc “muôn kiếp là anh em” đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt vì quảng cáo trá hình một số game cờ bạc. Sau khi bị xử phạt, clip này đã được chỉnh sửa lại và tiếp tục được đăng tải trên nền tảng mạng xã hội video lớn nhất này.
Thời gian gần đây, Huấn hoa hồng cùng vợ, con liên tục livestream bán hàng trên trang FB cá nhân các sản phẩm như nước hoa, mỹ phẩm, sản phẩm sinh lý,… mỗi buổi livestream cũng thu hút tới vài triệu lượt xem, hàng ngàn lượt tương tác, đặt hàng cho thấy sức hút của nhân vật này khá lớn.
Các thương hiệu được bán trực tiếp trên những livestream này chủ yếu bao gồm nước hoa Charme (được quảng cáo là nước hoa Pháp cho người Việt), mỹ phẩm, thuốc sinh lý nam,…
Điều đáng lưu ý là sản phẩm nước hoa được Huấn hoa hồng liên tục PR quảng cáo lại có giá rẻ một cách bất ngờ, chỉ từ 199.000 đồng đến dưới 1 triệu đồng. So với nhiều sản phẩm “made in Việt Nam” khác đang được bán trên thị trường, mức giá này được đánh giá là khá “mềm mại”. Tuy nhiên, nếu so sánh mức giá này với những thương hiệu nước hoa uy tín trên thế giới thì… đơn cử với một số thương hiệu nước hoa lớn đang được quan tâm hiện nay như: một chai Bolt of Lightning JAR giá 765 USD, một chai Joy Jean Patou Paris – 850 USD; một chai Caron Poivre giá 1,000 USD; một chai Chanel N°5 Grand Extrait 4,200 giá USD…
Là “nước hoa Pháp cho người Việt”, giá siêu rẻ, thường xuyên có ưu đãi, vì vậy, trên những livestream bán hàng của Huấn hoa hồng, lượng chốt đơn liên tục tăng. Nhiều người theo dõi trang cá nhân của “thầy Huấn” cũng thấy mừng cho vợ chồng “thầy” khi giàu có lên nhanh chóng. Không những sắm được biệt thự, siêu xe biển VIP, “thầy Huấn” còn trở thành đối tác, cùng giúp đỡ những người khác làm giàu.
Tuy nhiên trước đó, hồi tháng 7/2020, Huấn hoa hồng cũng đã bị Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội xử phạt 15 triệu đồng về hành vi “tự biên tập, xuất bản hai cuốn đệ nhất kiếm tiền và bí kíp kinh doanh online nhưng không có quyết định xuất bản của nhà xuất bản”. Đồng thời, người này còn bị phạt thêm 2,5 triệu đồng về hành vi bán 2 cuốn sách này khi không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Lập lờ quảng cáo sản phẩm thương hiệu lớn
Không những vậy, nếu theo dõi các livestream bán hàng của vợ chồng Huấn hoa hồng, người xem đôi lúc không tránh khỏi hoang mang khi xác định… tên sản phẩm. Đơn cử, sản phẩm nước hoa nữ Charme Just For You 50 ml của Charme Việt Nam lại được giới thiệu là “mã Chanel Coco”, đi kèm với những khẳng định như “Chanel Coco chính hãng sao thì mã này như thế. Lưu hương như thế. Nếu không đúng mùi bóc phốt luôn. Đây là đang so sánh với chanel Cococ chính hãng luôn”. Nếu không có sự tìm hiểu kỹ càng, khách hàng – người xem sẽ khó xác định được đây là nước hoa Chanel Coco hay chỉ là sản phẩm có mùi giống của Chanel Coco. Được biết, sản phẩm này cũng là một trong nhũng sản phẩm bán khá đắt hàng trên các livestream của vợ chồng Huấn hoa hồng này.
Tương tự với một số sản phẩm có tên na ná thương hiệu lớn như “nước hoa Giò”, sản phẩm được bán là Charme Giò nhưng hiếm khi “Charme” được nhắc đến, chỉ đơn giản là “Giò”, điều này sẽ khiến nhiều người dễ dàng liên tưởng tới sản phẩm nước hoa Giorgio Armani Acqua Di Gio Pour Homme EDT (còn gọi là Giò trắng). Những cam kết “không giống mùi Giò, trả hàng” cũng liên tục được đưa ra.
Mặc dù xây dựng hình ảnh mới gắn với thương hiệu Charme, tuy nhiên cũng tại các livestream của Huấn hoa hồng, các sản phẩm được bán ra lại “vô tình” được đẩy giá lên để “dìm giá xuống” bằng ưu đãi. Ví dụ, sản phẩm nước hoa dành cho trẻ em (được quảng cáo dành cho trẻ từ 1 tuổi trở lên???), được niêm yết trên website của hãng là 390.000 đồng, giá trong livestream là 451.000 đồng, ưu đãi 100.000 đồng còn 351.000 đồng. Với các thương hiệu được xây dựng một cách bài bản, thường sẽ ít lựa chọn cách bán hàng này vì sẽ ẩn chứa những rủi ro bị khách hàng “bóc bài”.
Cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng
Theo Luật sư Lê Hằng – hãng luật TAT LAW FIRM thì hiện nay, việc cá nhân kinh doanh online trên mạng xã hội khá phổ biến. Trong quá trình livestream bán hàng, một số cá nhân tự thực hiện và đăng tải các nội dung chưa được kiểm chứng, quảng cáo sai sự thật hoặc cường điệu quá mức về công dụng của sản phẩm, dịch vụ,… gây phản cảm và thiệt hại cho người dân khi tin tưởng liên hệ hoặc sử dụng sản phẩm, dịch vụ tự quảng cáo, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Với những vụ việc như vậy cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo thương mại trực tuyến. Đối với cá nhân có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại, phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Luật cũng quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo phải chịu trách nhiệm về quyết định xử lý của mình; trường hợp quyết định sai, gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Về pháp lý, hiện nay theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thay thế cho Nghị định số 158/2013/NĐ-CP. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Về lĩnh vực quảng cáo cá nhân, tổ chức có thể bị “phạt tiền từ 40 – 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: quảng cáo xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác”.
Đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn thì mức phạt sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm, phạt từ 60 – 80 triệu đồng. Ngoài ra, bên cạnh việc bị xử phạt hành chính, hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị xử lý hình sự đối với cá nhân tái phạm. Theo quy định tại Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về “tội quảng cáo gian dối”. Theo đó, “người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.
Theo Doanh nghiệp và Thương hiệu