Bộ Công Thương cho biết, trong tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Với mặt hàng giày dép, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng hơn 26% so với cùng kỳ. Điểm sáng này là tiền đề để ngành xuất khẩu dệt may và da giày lấy lại đà tăng trưởng sau khi “vỡ kế hoạch” trong năm 2020.
Bộ Công Thương dự báo, ngành dệt may và da giày vẫn tiếp tục khó khăn trong năm 2021, kết quả phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều cơ hội mới đang mở ra, nhất là thị trường xuất khẩu được mở rộng. Chẳng hạn, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký vào giữa tháng 11/2020 kỳ vọng giúp mở rộng và thay thế một số thị trường chưa kiểm soát được đại dịch (như châu Âu).
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cảnh báo, doanh nghiệp trong ngành cần phải thích ứng với các chuyển đổi nhanh như sức mua toàn cầu giảm, nhiều mặt hàng truyền thống của Việt Nam như veston, sơ mi, quần tây, đầm nữ… mất lợi thế cạnh tranh. Để vượt qua khó khăn trước mắt, doanh nghiệp xuất khẩu cần xây dựng các liên kết chuỗi của ngành trong khu vực, đặc biệt là trong cộng đồng doanh nghiệp tham gia các hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành dệt may là rất quan trọng.
Trong năm 2020, ngành dệt may xuất khẩu đạt hơn 35 tỷ USD, giảm gần 10% so với năm 2019. Kết quả này cũng phá vỡ mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD mà ngành đặt ra trước đó. Đây cũng là năm đầu tiên sau 25 năm xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng âm. Trong năm 2021, ngành này lên kế hoạch xuất khẩu đạt 38-39 tỷ USD, bằng mức của năm 2019.
Trong năm rồi, ngành da giày xuất khẩu đến 90% sản lượng nhưng giá trị xuất khẩu vẫn giảm. Kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày năm 2020 chỉ đạt 19,6 tỷ USD, giảm 11% so với năm 2019, quay về mốc của năm 2018. Năm 2021, ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu đạt trên 20 tỷ USD.
Theo Doanh nhân Sài Gòn