Hà Nội bố trí hơn 15 nghìn lượt xe buýt mỗi ngày dịp lễ 30/4
Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, mỗi ngày Hà Nội bố trí hơn 15 nghìn lượt xe buýt, thêm 96 lượt xe tăng cường phục vụ nhân dân đi lại.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe bus trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới. Mỗi ngày sẽ có hơn 15 nghìn lượt xe bus hoạt động, phục vụ nhu cầu của người dân.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 4 ngày. Dự báo nhu cầu hành khách sử dụng dịch vụ VTHKCC bằng xe bus tăng cao hơn so với ngày thường vào trước, trong ngày đầu nghỉ và ngày cuối cùng nghỉ lễ, tập trung chủ yếu tại các bến xe khách liên tỉnh như: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, ga Hà Nội và sân bay Nội Bài.
Theo biểu đồ hoạt động của xe bus Hà Nội từ ngày 30/4 đến 3/5, thời gian hoạt động của xe bus mở bến lúc 5h đóng bến lúc 22h30 với hơn 15,6 nghìn lượt xe/ngày, riêng ngày 1/5 đóng bến lúc 22h, với hơn 15,3 nghìn lượt xe. Cùng đó, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ lễ, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội dự kiến số phương tiện dự phòng tăng cường 47 xe với 29 tuyến, tương đương 96 lượt xe.
Cụ thể, các tuyến bus dự kiến tăng cường xe thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) gồm: 16 tuyến (01, 02, 03A, 04, 06A, 10A, 11, 16, 17, 20B, 28, 29, 32, 54, 103, BRT01); Công ty CP vận tải và dịch vụ Liên Ninh 2 tuyến (tuyến số 21A, 37); Công ty cổ phần xe điện Hà Nội 3 tuyến (tuyến số 27, 34, 35A); Công ty TNHH DLDVXD Bảo Yến 2 tuyến (tuyến buýt số 58, 60B); Công ty LDvc Quốc tế Hải Vân 1 tuyến (tuyến số 74); Công ty CP ô tô vận tải Hà Tây 1 tuyến (tuyến số 72); Các tuyến bus không trợ giá 4 tuyến (tuyến số 68, 70A, 78, 86).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hành khách bằng xe bus được yêu cầu đảm bảo trật tự, an toàn cho hành khách trên phương tiện cũng như tại các bến xe, điểm đầu cuối, điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển xe bus; đảm bảo tốt công tác phối hợp, giải toả hành khách đối với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông trong trường hợp phát sinh sự cố.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần chuẩn bị phương tiện, lao động, vé, lệnh dự phòng, phát đủ cơ số vé, tránh tình trạng thiếu vé khi đang hoạt động và có kế hoạch ứng trực cấp phát vé dự phòng tại các đầu tuyến để kịp thời bổ sung khi có nhu cầu.
Phổ biến, giáo dục đội ngũ công nhân lái xe và nhân viên bán vé để duy trì, nâng cao chất lượng phục vụ; thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế, đặc biệt quy định về vận hành trên tuyến, lái xe an toàn, phục vụ hành khách chu đáo và chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông đường bộ.
Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cũng được yêu cầu tăng cường lực lượng tại các đầu bến, các điểm trung chuyển để điều tiết giao thông chống ùn tắc, hỗ trợ cho hoạt động xe buýt và tuyến đường sắt đô thị giải tỏa hành khách được thuận lợi, an toàn nếu có phát sinh sự cố.
Theo Môi trường và Đô thị VN