Phát triển công nghiệp văn hóa là một hướng đi trúng và đúng
Giải trình, tiếp thu các ý kiến đóng góp của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội đối với dự thảo Nghị quyết của Thành ủy về “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, phát triển công nghiệp văn hóa là một hướng đi trúng và đúng của Hà Nội, phù hợp với xu hướng phát triển trong nước cũng như trên thế giới.
Sáng 1/12, tiếp tục chương trình Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Tổ trưởng của 4 tổ đã báo cáo kết quả thảo luận trong ngày làm việc hôm qua (30/11). Tiếp đó, các đồng chí Thường trực Thành ủy đã tiếp thu, giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, nhận thức về phát triển văn hóa và xây dựng con người Hà Nội đã được Thành ủy quan tâm, trải qua 8 kỳ Đại hội liên tiếp, Thành ủy luôn cập nhật quan điểm chỉ đạo của Trung ương, bám sát đặc thù của Hà Nội về phát triển văn hóa. Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, Thành ủy Hà Nội xác định xây dựng 2 nghị quyết chuyên đề toàn khóa, trong đó, có nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, điều đó cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này.
Với vị thế, vai trò của văn hóa Thủ đô, việc phát triển công nghiệp văn hóa là hướng đi trúng và đúng, phù hợp với xu thế phát triển trong nước và quốc tế, đặc biệt là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết thêm, theo thống kê năm 2018, các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội đóng góp tương đương hơn 3,7% GDP, nhưng còn một số lĩnh vực chưa được thống kê, trong đó có làng nghề truyền thống. Do vậy, chỉ tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa đóng góp từ 4-5% GDP của Thủ đô là khả thi.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phân tích, công nghiệp văn hóa được nước ta xác định gồm 12 lĩnh vực, gồm: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa.
Với yêu cầu Hà Nội phải trở thành 1 trong 3 trung tâm của Việt Nam về công nghiệp văn hóa, Thành phố sẽ tập trung phát triển một số ngành có thế mạnh nhất chứ không dàn trải, trong đó có 6 nhóm ngành, gồm: du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, phầm mềm và trò chơi giải trí, thiết kế sáng tạo, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh, những điều kiện về pháp lý cũng như nhận thức để phát triển công nghiệp văn hóa đã đầy đủ. Sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết thì các cấp, các ngành phải thống nhất nhận thức và hành động. Trước tiên phải bắt đầu từ công tác quy hoạch; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, xác định là một trong ba trụ cột để phát triển công nghiệp văn hóa; đồng thời xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Theo dự thảo Nghị quyết của Thành ủy về “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thành phố xác định mục tiêu chung: Tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, chất lượng, giá trị cao, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng của người dân trong nước và xuất khẩu…
Mục tiêu đến năm 2025: Ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện thể chế và sẵn sàng cho phát triển công nghiệp văn hóa có tính chuyên nghiệp; sản phẩm công nghiệp văn hóa có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoa Hà Nội, cạnh tranh được với các nước trong khu vực; giữ vững và phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo. Phấn đấu đóng góp từ 4-5% GRDP của Thành phố.
Mục tiêu đến năm 2030: Ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội trong tốp các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu và là Thành phố Sáng tạo có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu đóng góp khoảng 7% GRDP của Thành phố.
Mục tiêu đến năm 2045: Ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô xứng đáng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền để để xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố Sáng tạo của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc. Phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của Thành phố.
Dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy cũng xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa. Quán triệt nhận thức phát triển công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và lấy văn hóa, con người làm nền tảng, là nguồn lực, là động lực quan trọng để phát triển bền vững Thủ đô. Công nghiệp văn hóa có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tăng trưởng GRDP, tạo nhiều việc làm, thu hẹp khoảng cách thụ hưởng văn hóa và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về: Kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sác. Nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa. Xây dựng. hoàn thiện cơ cấu ngành công nghiệp văn hóa, bảo đảm phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển của nền kinh tế xã hội Thủ đô. Rà soát, cập nhật, điều chỉnh bổ sung “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội” đảm bảo thống nhất trong quan điểm, mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô và của cả nước, tầm nhìn đến năm 2045.
Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thị trường, dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, chất lượng, giá trị cao, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ tiêu dùng của người dân trong nước và xuất khẩu. Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực công nghiệp văn hóa cho phát triển bền vững. Khuyến khích xây dựng, hình thành, phát triển các loại quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ, quỹ giải thưởng theo hình thức công – tư để phát triển công nghiệp văn hóa…