Vụ “biến” đất QH khu dân cư thành “cụm công nghiệp”: Chủ tịch H.Hưng Hà chịu trách nhiệm thế nào?
Đây là dấu hỏi lớn mà dư luận đặc biệt quan tâm khi chính quyền các cấp huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có dấu hiệu buông lỏng quản lý để doanh nghiệp “hô biến” hàng ngàn m2 đất quy hoạch khu dân cư thành nhà máy, xưởng sản xuất không phép
Biết sai không sửa?
Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có loạt bài viết phản ánh về việc: 6,5 héc-ta đất tại khu vực cánh đồng Lẻ (cũ) thuộc thôn Khánh Mỹ, xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã được huyện Hưng Hà quy hoạch làm khu dân cư mới. Nhưng thực tế không có hộ dân nào tiến hành xây dựng nhà ở, mà thay vào đó là hàng loạt nhà máy, xưởng sản xuất không phép “mọc” lên với quy mô hoạt động không khác gì “cụm công nghiệp”. Đáng nói, một trong số các nhà máy này còn bị người dân nhiều lần tố xả thải gây ô nhiễm môi trường sống xung quanh.
Liên quan đến nội dung phản ánh trên, mới đây Phòng Kinh tế – Hạ Tầng (KT-HT) huyện Hưng Hà đã có báo cáo vụ việc, qua đó đã thừa nhận chính quyền địa phương đã chủ quan tạo điều kiện để các hộ gia đình, doanh nghiệp phát triển kinh tế, chưa kịp thời phổ biến các quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng và có biện pháp ngăn chặn khi các doanh nghiệp chưa có đầy đủ các thủ tục đất đai, xây dựng theo quy định; công tác quản lý quy hoạch, xây dựng tại địa phương còn hạn chế, chưa thực sự kiên quyết, triệt để, còn nể nang, tạo điều kiện, thời gian để cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai, xây dựng trình cấp có thẩm quyền theo quy định…
Mặc dù đã thừa nhận sai phạm, nhưng đến nay chính quyền huyện Hưng Hà chưa đưa ra bất cứ biện pháp nào cụ thể để khắc phục, xử lý hậu qủa đối với những công trình trái phép trên. Và trách nhiệm của cá nhân, tập thể các đơn vị liên quan của huyện Hưng Hà cũng chưa được làm rõ, xử lý theo quy định khiến dư luận xã hội bức xúc.
Việc sử dụng đất sai mục đích, phá vỡ quy hoạch như trên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản, đến hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Bình nói chung và địa bàn huyện Hưng Hà nói riêng. Chính vì vậy dư luận đặc biệt quan tâm đến việc lãnh đạo tỉnh Thái Bình sẽ chỉ đạo, xử lý vụ việc trên thế nào và xem xét trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền huyện Hưng Hà là ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch UBND huyện đến đâu khi để xảy ra sự việc trên.
Sở, ngành “đá bóng” trách nhiệm
Trả lời báo chí xung quanh vụ việc trên, đại diện Sở Xây dựng Thái Bình cho rằng, theo quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh thì sự việc này thuộc thẩm quyền kiểm tra, xử lý của UBND huyện Hưng Hà. Thanh tra Sở cũng chưa thấy huyện Hưng Hà báo cáo lên.
Tuy nhiên, theo tài liệu mà PV Môi trường và Đô thị Việt Nam thu thập được thể hiện: ngày 17/1/2020, ông Vũ Văn Hạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà ký văn bản số 49/UBND-KTHT về việc báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng các công trình đang đề cập theo yêu cầu của Sở Xây dựng Thái Bình (tại công văn số 2610/SXD-TTr ngày 24/12/2019).
Như vậy, việc đại diện Sở Xây dựng Thái Bình phủ nhận huyện Hưng Hà báo cáo sự việc là hoàn toàn không chính xác, biểu hiện rõ sự đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong việc phối hợp giải quyết vụ việc trên.
Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình lại cho rằng: việc quản lý thực hiện quy hoạch, tổ chức đấu giá và quản lý xây dựng tại khu vực đấu giá thuộc trách nhiệm của UBND huyện Hưng Hà.
Trong một diễn biến khác, theo tìm hiểu của PV, căn cứ quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Bình (ban hành kèm theo Quyết định số 11/2019/QĐ-UBND ngày 1/8/2019 của UBND tỉnh Thái Bình), tại Khoản 2, Điều 15 quy định đối với “Công trình xây dựng ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế không có Giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có Giấy phép xây dựng” thì “Thanh tra xây dựng Sở Xây dựng, UBND cấp huyện có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn UBND cấp xã xử lý vi phạm theo quy định pháp luật”.
Còn tại các điểm a, b thuộc Khoản 1, Điều 20 của quy chế nói trên quy định: “Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét tạm ngừng việc đăng ký tài sản gắn liền với đất theo đề nghị bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Giám đốc Sở Xây dựng đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự xây dựng, nhưng chưa chấm dứt hành vi vi phạm, chưa chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính hoặc chưa thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm trật tự xây dựng gây ra; trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giải quyết các thủ tục về quản lý, sử dụng đất đai, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng thì chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật”.
Trước dấu hiệu “né” trách nhiệm, phối hợp giải quyết vụ việc trên giữa chính quyền huyện Hưng Hà với các Sở, ngành của tỉnh Thái Bình, nhiều ý kiến cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc doanh nghiệp “băm nát” quy hoạch, ngang nhiên sử dụng đất sai mục đích; xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất không phép gây bức xúc dư luận tại địa phương trong nhiều năm qua.
Đến đây dư luận có quyền kiến nghị và trông chờ lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình quan tâm vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt thì mới hi vọng xử lý dứt điểm vụ việc.
Theo Môi trường và Đô thị VN