Vĩnh Phúc: Cần làm rõ đơn thư khiếu nại của người dân
Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn của nhiều người dân Vĩnh Phúc đề nghị điều tra làm rõ việc cả trăm ha rừng được tỉnh Vĩnh Phúc thu hồi lại từ một dự án kém hiệu quả nhưng rồi lại… bỏ hoang. Đặc biệt, sự mập mờ trong đền bù giải phóng mặt bằng, buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý dẫn đến nhiều khiếu kiện kéo dài.
Cụ thể, Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn của ông Hoàng Văn Hùng (xóm Đậu, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đại diện cho các hộ là chủ khai hoang, sử dụng đất trồng rừng, trồng cây ăn quả tại khu đất đồi Con Cóc, đồi Trũng Mỏ, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên từ năm 1991 đến nay. Nội dung đơn là đề nghị, các cơ quan chức năng và thẩm quyền điều tra làm rõ và yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc trả lời và bảo vệ quyền lợi cho người dân liên quan tới việc buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai; Lập khống danh sách ma để trục lợi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng…
Ngày 12/8/1994, UBND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) ban hành Quyết định số 1096/QĐ-UB về việc thu hồi và giao đất sản xuất trồng rừng và phát triển vườn rừng cho Công ty TNHH Nhân Nghĩa (Công ty Nhân Nghĩa) tổng diện tích: 127ha đất đồi rừng tại xã Định Trung và phường Liên Bảo, thị xã Vĩnh Yên thời hạn sử dụng là 50 năm. Tuy nhiên, sau 10 năm được Nhà nước giao đất, Công ty Nhân Nghĩa không những không thực hiện dự án như cam kết mà lại ngang nhiên mua bán, chuyển nhượng đất trái quy định, gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân.
Trước tình trạng trên, ngày 06/01/2005, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 05/QĐ-CT về việc thành lập Đoàn kiểm tra tình hình sử dụng đất của Công ty Nhân Nghĩa. Ngày 07/03/2005, Đoàn kiểm tra có kết quả xác định: Trong tổng số 127ha đất được giao, Công ty Nhân Nghĩa đã chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng và đền bù với tổng số tiền là: 484.100.000 đồng và thực tế Công ty Nhân Nghĩa chỉ nhận 101,29ha vì năm 1994, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hồi lại 25,71ha xây dựng nghĩa trang và trung tâm thể dục thể thao quốc gia.
Trong 101,29ha được giao, Công ty Nhân Nghĩa để sử dụng sai mục đích là 5,7ha; có hợp đồng giao khoán cho 6 cá nhân 30,6ha; không sử dụng, bỏ hoang hóa và bị chiếm dụng 64,99ha.
Ngày 21/02/2005, Công ty Nhân Nghĩa có Công văn số 09/CV/CT gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc xin tự nguyện trả lại toàn bộ diện tích đất đã nhận cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngày 05/10/2007, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 2784/QĐ-UBND “về việc điều chỉnh điều I, Quyết định số 2839/QĐ-UBND ngày 13/9/2005 thu hồi đất của Công ty Nhân Nghĩa giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất Vĩnh Phúc quản lý theo quy định của pháp luật”. Trong Quyết định nêu rõ: “Thu hồi 865.401,6m2 đất (làm tròn 86,5ha) của Công ty Nhân Nghĩa đang quản lý sử dụng được giao tại Quyết định số 1069/QĐ-UB ngày 12/8/1994 của UBND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) tại phường Liên Bảo và xã Định Trung. Thực tế cho đến nay, gần như toàn bộ diện tích đất được thu hồi vẫn bị bỏ hoang hóa không được đơn vị nào quản lý.
Trong đơn, ông Hoàng Văn Hùng cũng đặt câu hỏi: Căn cứ báo cáo của Đoàn kiểm tra ngày 07/3/2005 thì tổng diện tích đất Công ty Nhân Nghĩa trả lại cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc là: 101,29ha, tuy nhiên tại Quyết định số 2784/QĐ-UBND ngày 05/10/2007 của UBND tỉnh lại chỉ giao cho Trung tâm quỹ đất tỉnh thu hồi của Công ty Nhân Nghĩa diện tích 86,54ha và trên thực tế Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thu hồi trong cả 02 đợt là 75,1ha. Vậy còn 26,19ha đất của Công ty Nhân Nghĩa tỉnh chưa thu hồi, hiện đang ở đâu? Do ai quản lý? Lý vì sao không thu hồi về Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật? Cần được UBND tỉnh trả lời trước dư luận.
Cũng tại Thông báo số 59/TB-UB ngày 24/3/2005 của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa, kết luận: “Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng đề xuất kinh phí bằng nguồn ngân sách tỉnh bồi thường cho Công ty Nhân Nghĩa tại những khu vực dự án không hiệu quả của Công ty, những khu vực này UBND các xã, phường có trách nhiệm quản lý theo địa giới để thực hiện quy hoạch chung của tỉnh. Đối với những khu vực của các cá nhân, tổ chức đang sử dụng có hiệu quả, phù hợp với dự án của Công ty Nhân Nghĩa trong phạm vi khu vực thu hồi tiếp tục sử dụng…”. Tuy nhiên, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và UBND xã, phường không tuân thủ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, thực hiện kê khai thu hồi cả những diện tích đất của cá nhân, tổ chức đang sử dụng có hiệu quả như Tổ Hà Nội 2 và một số cá nhân khác đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào các khu đồi rừng, vười cây ăn quả đang trong thời kỳ cho thu hoạch, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động tại địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau khi thu hồi đất, UBND xã, phường đã buông lỏng công tác quản lý đất đai, tiếp tay cho các đối tượng chiếm đất, tái lấn chiếm đất trái pháp luật, hình thành lợi ích nhóm trong xã hội: Múc đất, hạ cốt, bán đất, sử dụng sai mục đích, chuyển nhượng đất trái quy định… Gây bất bình đẳng, tạo bức xúc khiếu kiện kéo dài tại địa phương.
Căn cứ các hợp đồng giao khoán sử dụng đất tại khu đồi Con Cóc, đồi Cóc Tròn thuộc xã Định Trung thì Công ty Nhân Nghĩa chỉ ký hợp đồng với Tổ HN2 từ tháng 6/1995 và hoạt động liên tục, có hiệu quả đến tháng 4/2005 (đến khi UBND tỉnh có Thông báo quyết định thu hồi đất của Công ty Nhân Nghĩa) gồm có 06 thành viên: Ông Nguyễn Vinh: P209 H2 – Thành Công, Ba Đình, Hà Nội; Bà Bùi Thị Hạnh: P307 C1, Quỳnh Mai, Hai bà Trưng, Hà Nội; Ông Cao Xuân Tâm: 163, Đường Thanh Bình, thị xã Hà Đông, Hà Tây; Ông Nguyễn Văn Cửu: Nhà V2-207 Ngọc Khánh, Hà Nội; Ông Nguyễn Quốc Vinh: P502-C17 Thanh Xuân Bắc, Đống Đa, Hà Nội; Bà Doãn Thị Thanh Thục: 128, Lạc Trung, Hà Nội.
Bảng kê tổng hợp diện tích đất và tài sản hoa mầu trên đất của Tổ Hà Nội 2 cũng thể hiện: “Đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường, đền bù với tổng số diện tích 07ha Tổ đang quản lý với số tiền là: 603.172.733đ, ngoài ra xin cấp đất dịch vụ và đền bù giá trị đất còn lại 38 năm theo chính sách chung của tỉnh”. Vậy mà điều đáng lạ là trong báo cáo của Đoàn kiểm tra và danh sách tổng hợp chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thu hồi đất của Công ty Nhân Nghĩa không hề có tên các ông bà nêu trên, mà lại được thay thế bằng 06 người khác, thể hiện ký hợp đồng từ ngày 12/8/2002, không hề tham gia trồng rừng với Công ty Nhân Nghĩa.
Ông Hoàng Văn Hùng cũng dẫn chứng có những trường hợp được giao đất nhưng không được nhận tiền đền bù, mà bị người khác lập hồ sơ khống lấy mất. Có cả trường hợp được UBND xã Định Trung ưu ái cấp giả hộ khẩu tại xã để cấp trái luật hàng trăm m2 đất ở, vụ việc bị phanh phui dẫn đến một số cán bộ bị xử lý kỷ luật vào năm 2013.
Bản thân ông Hoàng Văn Hùng cũng có đơn khiếu nại đề ngày 17/4/2020 về việc ông có một khu đất đã khai hoang và sử dụng từ năm 1991 với một số hạng mục công trình như nhà tạm, chuồng trại chăn nuôi trên khuôn viên khoảng 03ha đất tại đồi Con Cóc, xã Định Trung. Căn cứ để chứng minh ông Hùng có trồng rừng với Công ty Nhân Nghĩa tại Công văn số 04/VP/2004 ngày 02/03/2004 của Công ty có mời ông ông Hoàng Văn Hùng, ông Hoàng Văn Cường tham gia giải quyết tranh chấp mốc giới. Tuy nhiên trong biên bản và danh sách đền bù mà Công ty Nhân Nghĩa liệt kê để đền bù giải phóng mặt bằng thì chỉ có tên ông Hoàng Văn Cường được bồi thường 4,27ha, còn thửa đất mà ông Hoàng Văn Hùng đang sử dụng lại có tên người nhận bồi thường là ông Phan Bá Lập với diện tích đất mà ông Lập được nhận bồi thường lên tới trên 5,72ha. Trong khi đó, theo báo cáo kết quả kiểm tra sử dụng đất của Công ty Nhân Nghĩa trên địa bàn xã Định Trung của Đoàn kiểm tra liên ngành lập ngày 7/3/2005, ghi nhận Công ty Nhân Nghĩa xác nhận giao cho ông Phan Bá Lập là 3,9ha. Trong khi đó ông Phan Bá Lập không phải là 01 trong 06 thành viên của Tổ Hà Nội 2 thuộc Công ty Nhân Nghĩa được nhận ký hợp đồng nhận khoán trồng rừng.
Như vậy có đủ cơ sở để khẳng định rằng, Hội đồng giải phóng mặt bằng chủ đầu tư là Trung tâm phát triển quỹ đất và lãnh đạo UBND xã Định Trung đã “hô biến” 06 thành viên Tổ Hà Nội 2 ký hợp đồng giao khoán với Công ty Nhân Nghĩa hoạt động thường xuyên, liên tục, có hiệu quả từ năm 1995 đến tháng 4/2005 tại đồi Con Cóc, đồi Cóc Tròn, xã Định Trung, nhưng các ông bà có tên trên không được nhận thông báo để kê khai bồi thường tài sản, không có tên trong danh sách nhận tiền bồi thường, mà được thay vào đó là 06 hộ cá nhân khác (trong báo cáo Đoàn kiểm tra) đều được ký hợp đồng mới từ ngày 12/8/2002, những hợp đồng này đều là lập khống, giả mạo, bất hợp pháp.
Chỉ tính riêng khu đất giao cho Tổ Hà Nội 2 tại đồi Cóc Tròn lẽ ra Nhà nước chỉ phải bồi thường hoa lợi trên 07ha = 603.172.733 đồng theo đề nghị của Tổ Hà Nội 2 ngày 25/7/2006, nhưng không hiểu những cán bộ Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng căn cứ vào đâu để lập ra danh sách 24 cá nhân, tổ chức được bồi thường với diện tích lên đến 67,8ha? Có hay không hành vi nâng khống, hợp thức hóa thay thế bằng hợp đồng ký kết với Công ty Nhân Nghĩa ngày 12/8/2002? gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Hay như trong báo cáo của Đoàn kiểm tra, trường hợp Công ty TNHH Kim Long chiếm dụng 4,51ha đất của Công ty Nhân Nghĩa, nhưng khi lập danh sách bồi thường số diện tích tăng lên đến 12,0ha, tương ứng với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền bồi thường, Công ty Kim Long lại tái lấn chiếm đất thêm diện tích lớn hơn, ngang nhiên khai thác, san lấp, làm biến dạng đất, đến nay UBND tỉnh Vĩnh Phúc chưa giải quyết được. Vậy ai là người được hưởng số tiền từ việc chênh lệch diện tích thực tế và diện tích trong hồ sơ đền bù? Điều này không thể không có trách nhiệm của lãnh đạo UBND các cấp tỉnh Vĩnh Phúc.
Chúng tôi cho rằng, thông tin của người dân người gửi Báo điện tử Xây dựng có tên, địa chỉ và các số liệu cụ thể nhưng đây đã phải là sự thật hay chưa, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần có những phản hồi, cung cấp những thông tin công khai, minh bạch làm rõ sự thật để Báo điện tử Xây dựng trả lời cho công dân.
Theo Báo Xây dựng