VietinBank và rủi ro trong đầu tư
Quyết định đầu tư kinh doanh ra ngoài nước, là chấp nhận tỷ lệ rủi ro cao, bởi những yếu tố tác động đến hoạt động kinh doanh đều khó lường. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng trụ sở VietinBank Tower, tại Khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội cũng gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước không nhỏ.
Quyết định đầu tư kinh doanh ra ngoài nước, là chấp nhận tỷ lệ rủi ro cao, bởi những yếu tố tác động đến hoạt động kinh doanh đều khó lường. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng trụ sở VietinBank Tower, tại Khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội cũng gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước không nhỏ.
Đầu tư ngoài nước kèm theo những rủi ro tiềm ẩn
Ngày 06/9/2011, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) mở chi nhánh đầu tiên tại Thành phố Frankfurt – Cộng hòa Liên bang Đức (CHLB Đức), một quốc gia có định chế tài chính hoàn hảo hàng đầu Châu Âu. Đây là một lựa chọn không hề đơn giản của VietinBank, bởi Việt Nam là một nước nông nghiệp thuần túy, những yếu tố kinh tế cần so sánh giữa hai quốc gia như công nghiệp nặng, cơ khí chính xác, công nghệ cao, kinh tế số… thì Việt Nam mới đang ở vạch xuất phát.
Kinh nghiệm đầu tư vào các thị trường tài chính, có tỷ lệ chi phí vốn vô cùng nhỏ như Châu Âu, của các nhà đầu tư Việt Nam còn rất hạn chế, kéo theo rủi ro kinh doanh tăng, là điều dễ hiểu. 10 năm là thời gian không dài, nhưng hoàn toàn không ngắn để duy trì và vận hành hoạt động của bộ máy chi nhánh VietinBank ở CHLB Đức, một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người 48.264$/người vào năm 2019, xếp thứ 16 thế giới và gấp gần 20 lần so với Việt Nam.
Một khác biệt tạo lỗ hổng khá nguy hiểm là dòng chảy tài chính của Việt Nam chậm; tính chất chuyên môn hóa của nền kinh tế chưa cao; quy mô các gói tài trợ nhỏ và dàn trải; hàng rào kỹ thuật trong quản lý và vận hành tín dụng chưa chặt chẽ, còn nhiều yếu tố bị lợi dụng, dẫn đến hiện tượng trục lợi chính sách. Vấn đề đó được soi chiếu qua lăng kính của các vụ đại án ngành ngân hàng, thời gian vừa qua.
Trong khi CHLB Đức là một đất nước phát triển, dòng chảy tài chính mạnh và đi sâu vào sự chuyên môn hóa của từng ngành nghề; các tiêu chuẩn và định chế tài chính cực kỳ ngặt nghèo; giá trị đồng tiền cao hơn nhiều so với đồng tiền Việt Nam; quy mô các gói tài trợ vốn lớn, bên cạnh sự kiểm soát chặt chẽ theo khung pháp lý của một đất nước phát triển. Sự khác biệt đó, tạo khoảng trống về trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng vận hành hệ thống tài chính, của đội ngũ lãnh đạo và nhân viên Ngân hàng VietinBank, tiềm ẩn rủi ro tài chính không nhỏ đối với một tổ chức tín dụng.
Thêm vào đó, tính cơ lý của hai nền kinh tế rất khác biệt, kéo theo sự khác nhau về cơ chế tài chính, bởi một bên vận hành nền kinh tế theo hướng Tư bản chủ nghĩa; trình độ sản xuất của lực lượng lao động rất cao, phần lớn dây chuyền máy móc thiết bị có hàm lượng chất xám tích lũy cao hàng đầu thế giới; sản phẩm sản xuất ở phân khúc thượng hạng. Với một bên vận hành nền kinh tế theo hướng thị trường có sự điều tiết của nhà nước; sản phẩm đa phần hình thành từ nông nghiệp, hàng hóa cung cấp ra thị trường thế giới ở công đoạn sơ chế; các thiết chế đơn giản và thường xuyên phải điều chỉnh cho phù hợp; máy móc thiết bị thô sơ, trình độ tay nghề của lực lượng lao động chưa cao.
Những điểm chênh lệch đó, là cơ hội cho các nhà đầu tư từ những nước phát triển, đầu tư vào Việt Nam. Đa phần các nhà đầu tư Việt Nam chỉ đưa được bán thành phẩm, sản phẩm thô, hoặc những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh, thâm nhập vào thị trường các nước phát triển, với lợi ích kinh tế thấp. Một nền kinh tế chưa phát triển, kinh nghiệm đầu tư tài chính còn hạn chế, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu đầu tư vào các nước có định chế tài chính hoàn hảo như CHLB Đức.
Một đề án được phê duyệt và có quyết định đầu tư ra nước ngoài, đối với tổ chức tín dụng như VietinBank nói riêng và các ngân hàng nói chung, sẽ kèm theo một chuỗi các yếu tố khả thi như kế hoạch huy động vốn trong ngắn hạn và dài hạn; kế hoạch giải ngân vốn vay dài hạn và vốn vay lưu động; kiểm soát dòng tiền trong ngắn hạn và dài hạn. Kèm theo đó là các chỉ tiêu khi xây dựng kế hoạch như, tốc độ tăng trưởng huy động vốn; tốc độ tăng trưởng tín dụng; tỷ lệ dư nợ tín dụng; khả năng thanh khoản; phân tích tình hình dự trữ; tỷ lệ dự trữ bắt buộc; chỉ tiêu thu nhập và chi phí; khả năng sinh lời; tỷ lệ nợ quá hạn; hệ số đảm bảo tiền gửi; chỉ số tiền gửi không kỳ hạn…
Các chỉ số trên sẽ đạt tỷ lệ chính xác cao, khi bộ máy lãnh đạo ngân hàng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, ở môi trường đầu tư đó. Kèm theo đội ngũ nhân viên thực thi, có hiểu biết sâu rộng về văn hóa kinh doanh, phong tục tập quán của người dân bản địa
Quá trình hoạt động, tổ chức tín dụng phải xây dựng được niềm tin và uy tín với các nhà kinh doanh ở nước sở tại, nhằm nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (Casa), cũng như huy động tối đa số lượng vốn nhàn rỗi trong dân, mang lại sự ổn định cho chi nhánh hoạt động ngoài nước. Đã có trường hợp vì không huy động được vốn mà phải luân chuyển nguồn tiền trong nước, bổ sung cho các chi nhánh ngoài nước, làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận, thậm chí để lại gánh nặng cho ngân hàng trong nước.
Xảy ra tình trạng đó là bởi, sự khác nhau về các định chế tài chính giữa hai quốc gia, những quy định của tổ chức tín dụng chưa phù hợp; chưa xây dựng được thương hiệu của ngân hàng và niềm tin với các đối tác; lãnh đạo tổ chức tín dụng yếu kém về trình độ quản lý. Tuy nhiên, để hòa mình vào dòng chảy tài chính của một quốc gia khác, nhất là thể chế tư bản và bắt kịp tốc độ phát triển chung của kinh tế thế giới, sự minh bạch về tài chính được xếp lên hàng đầu. Hiệu quả, hay hậu quả của đầu tư ra nước ngoài phải được phân tích, mổ xẻ, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc nhất, nhằm nâng cao trình độ, đưa ra phương án xử lý phù hợp, tìm giải pháp tối ưu giúp mang lại hiệu quả cao hơn, trong kỳ kinh doanh tiếp theo.
Dự án dở dang làm lãng phí hàng trăm tỷ đồng ngân sách
Năm 2007, VietinBank ký biên bản ghi nhớ với đối tác PAP (Singapore) thực hiện dự án xây dựng tòa nhà VietinBank Tower, tại Khu đô thị Ciputra. Theo đó, tỷ lệ vốn góp của VietinBank là 28% (bằng quyền sử dụng đất) và PAP 72%. Tuy nhiên giá thị trường bất động sản tăng, kéo theo giá đất thuê mà Vietinbank dự định góp vốn vào liên doanh tăng trên 50% tổng giá trị dự án, VietinBank đã có văn bản trình lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và được chấp thuận mức góp vốn là 50%. Ngày 2/2/2008, Vietinbank đã ký hợp đồng thuê đất trị giá 849 tỉ đồng với Công ty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra).
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, kết hợp với quá trình thương thảo về quyền lợi giữa VietinBank và PAP không thành, ngày 7/2/2008 PAP đã có thư đề nghị dừng, không tiếp tục đàm phán về liên doanh. Vì vậy, ngân hàng này quyết định rót 100% vốn để đầu tư dự án. Đại diện VietinBank cho biết, đã trả cho Ciputra 102 tỉ đồng, số tiền trên 740 tỉ đồng còn lại, vẫn đang được treo trên tài khoản phong tỏa tại VietinBank chi nhánh Hà Nội. Lý do chưa thanh toán được VietinBank giải thích, vì Ciputra chưa bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên điều đáng nói ở chỗ, công trình VietinBank Tower đã khởi công xây dựng từ tháng 10/2010, trên diện tích đất chưa bàn giao mặt bằng là điều không thuyết phục. Vì vậy số tiền lãng phí có thể gấp hàng chục lần số tiền mà VietinBank cung cấp.
Phía sau dự án xây dựng dở dang, gây lãng phí tiền ngân sách nhà nước, là hàng loạt hệ lụy đi theo như ứ đọng vốn tại công trình, lãi vay phải trả cho khoản vốn đó hàng chục năm trời,
Sau 11 năm đổ tiền đầu tư vào dự án, hiện nay VietinBank vẫn đang “loay hoay” xem xét, đánh giá các phương án tài chính để chuyển nhượng và tái cơ cấu dự án. VietinBank cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến mục tiêu tái cơ cấu dự án bị chậm so với phê duyệt của ĐHĐCĐ là ngày 31/12/2020, bởi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã làm thay đổi phương thức và nhu cầu sử dụng văn phòng làm việc, hội nghị, hội thảo… dẫn tới sự điều chỉnh về chiến lược và phương thức kinh doanh của một số các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.
Một quyết định đầu tư, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của các cổ đông tham gia góp vốn; nhất là những doanh nghiệp có tới 65% cổ phần chi phối của Nhà nước như VietinBank, thì quyết định đó còn đại diện cho cổ đông lớn là Nhà nước. Để bảo toàn và tăng trưởng vốn, trách nhiệm đặt trên vai bộ máy lãnh đạo ngân hàng; những quyết định sai lầm của bộ máy lãnh đạo, sẽ trả lại một gánh nặng cho các cổ đông. Khi ngân sách nhà nước thất thoát, không ai khác ngoài nhân dân phải gánh chịu, bởi ngân sách đó được hình thành từ tiền thuế mà người dân đóng góp. Vì vậy, quyết định của bộ máy lãnh đạo cần quan tâm tới yếu tố gây thất thoát, lãng phí như trường hợp của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
Theo Doanh nghiệp và Thương hiệu.