Vietcombank dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm “Big 4” ngân hàng quốc doanh

Tác giả : Admin 14/01/2021
Kết thúc năm 2020, Vietcombank dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm “Big 4” ngân hàng quốc doanh. Lần lượt xếp sau là VietinBank, Agribank và BIDV.

Theo thông tin mà phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô thu thập được, năm 2020, lợi nhuận của Vietcombank đạt xấp xỉ 23.068 tỷ đồng, tương đương năm 2019; Tổng huy động vốn đạt 1.089.840 tỷ đồng, tăng 4,9% so với 2019. Dư nợ tín dụng đạt 838.220 tỷ đồng, tăng 13,95% so với 2019.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh và thiên tai, Vietcombank đã hỗ trợ khách hàng với tổng dư nợ giảm lãi suất cho vay khoảng 441.768 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất trong năm 2020 đạt gần 4.000 tỷ đồng. Dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới cuối năm 2020 là 5.156 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 4.438 tỷ đồng và nợ lãi 718 tỷ đồng.

Trong khi đó, kết thúc năm 2020, VietinBank ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 16.450 tỷ đồng, xếp thứ 2 trong nhóm ”Big 4″. Chất lượng tài sản được nâng cao, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng ở mức khoảng 1%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ước đạt trên 130%.

Ảnh minh họa

Cũng trong năm vừa qua, VietinBank đã dành gần 5.000 tỷ đồng thông qua cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đồng thời, VietinBank cũng đã cho vay mới hơn 400 nghìn tỷ đồng cho hơn 7.000 khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Nhà băng này cũng đã hỗ trợ hạ lãi suất với mức hạ lãi suất phổ biến 2% – 2,5%/năm cho gần 7.800 khách hàng với dư nợ được miễn giảm lãi suất gần 280 nghìn tỷ đồng.

Đối với Agribank, tính đến tháng 12/2020, tổng tài sản của nhà băng đạt trên 1,57 triệu tỷ đồng; Nguồn vốn đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng; Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,21 triệu tỷ đồng; tỷ trọng dư nợ nông nghiệp nông thôn chiếm xấp xỉ 70% dư nợ cho vay của Agribank và chiếm tỷ trọng lớn trong dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.

Trong năm 2020, Agribank là một trong những ngân hàng đạt kết quả xử lý thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết 42 lớn nhất trong hệ thống, đạt 186% kế hoạch. Tăng trưởng tín dụng năm 2020 đạt trên 8%, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của khách hàng, lợi nhuận đạt gần 13.000 tỷ đồng.

Cũng trong năm vừa qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 và thiên tai, Agribank hỗ trợ khách hàng với 7 lần giảm lãi suất cho vay trên 38.000 tỷ đồng, trong đó cơ cấu lại nợ trên 33.000 tỷ đồng với trên 14.000 khách hàng, miễn, giảm lãi trên 5.000 tỷ đồng với trên 1.400 khách hàng.

Đồng thời, ngân hàng cũng thực hiện cho vay mới đối với các khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 doanh số gần 120.000 tỷ đồng với trên 20.000 khách hàng, trong đó cho vay theo chương trình ưu đãi lãi suất đạt hơn 74.000 tỷ đồng.

Trong nhóm “Big 4”, BIDV là nhà băng ghi nhận lợi nhuận ít nhất. Kết thúc năm 2020, lợi nhuận trước thuế riêng của BDIV đạt 8.515 tỷ đồng và hợp nhất đạt 9.017 tỷ đồng, giảm so với năm 2019 do ngân hàng giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giãm lãi, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tổng tài sản đạt của BIDV đến ngày 31/12/2020 đạt 1,49 triệu tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2016, tăng trưởng bình quân 10,4%/năm giai đoạn 2016-2020, là nhà băng có tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư của ngân hàng đạt 1,43 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2019.

Tính đến ngày 31/12/2020, BIDV đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 3.300 khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với dư nợ trên 28.300 tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 123.000 khách hàng với tổng dư nợ gần 330.000 tỷ đồng.

Theo Tuổi trẻ Thủ đô

Tin liên quan