Việt Nam đang ở vị trí nào trong nền kinh tế số hóa toàn cầu?
Hiện nay nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hoạt động kinh tế không chỉ đơn thuần là việc trao đổi hàng hóa giữa người với người mà dựa trên các công nghệ kỹ thuật số.
Đó chính là nền kinh tế số (còn được gọi là kinh tế web, kinh tế Internet hay kinh tế mới) là nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số. Kinh tế số bao gồm các thị trường kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số để giúp cho việc giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thông qua thương mại điện tử được dễ dàng hơn.
Nhờ có nền kinh tế số mà hiệu suất kinh tế đạt được nhiều thành quả cao, các ngành công nghiệp có bước chuyển biến đột phá trong mô hình kinh doanh, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), đến Giao thông vận tải (Uber, Grab) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shoppe)…
Đây chính là những bước phát triển của kinh tế số hóa trong đời sống của người dân Việt Nam những năm gần đây. Vì trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trên toàn cầu thì đó chính là những đóng góp của kinh tế số hóa đối với các doanh nghiệp Việt để từng bước tham gia vào chuỗi công nghệ toàn cầu. Việt Nam cũng phải hòa nhịp cùng guồng quay kỹ thuật số của thế giới. Vậy nước ta đang ở vị trí nào trong nền kinh tế số hóa và cần làm gì để phát triển kinh tế số hóa, hòa nhập vào guồng quay đó?
Trong một nghiên cứu của Trung tâm kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ) đã cho thấy hiện nay Việt Nam đang đứng ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới, đồng thời đứng ở vị trí 22 về tốc độ phát triển số hóa. Những con số này đã chứng tỏ sự thay đổi lớn trong mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, là bước ngoặt giúp kinh tế – xã hội Việt phát triển lên một tầm cao mới.
Bên cạnh đó theo các chuyên gia thì Việt Nam đang sở hữu lợi thế về nguồn lực con người và sự ủng hộ của Chính phủ. Bởi vậy tạo ra làn sóng, động lực quốc gia về phát triển kinh tế số là hướng đi mà Việt Nam có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế số hóa mạnh mẽ hơn nữa.
Giáo sư Nguyễn Đức Khương – Chuyên ngành tài chính Đại học IPAG của Pháp đã cho rằng “Chúng ta cần xây dựng nền tảng kinh tế số hóa tại doanh nghiệp và tại quốc gia của mình. Nếu như các doanh nghiệp trên thế giới đã bắt đầu đi vào việc kinh tế số hóa và họ chuyển hóa về số hóa rất nhanh, thì mọi phương tiện liên lạc, truyền thông và công tác vận hành đều thông qua công nghệ và các công nghệ phụ trợ. Vì vậy nếu chúng ta không nằm trong các công nghệ phụ trợ đó thì rõ ràng chúng ta không thể trở thành đối tác của họ được”.
Tuy nhiên kinh tế số hóa cũng tạo ra luật chơi mới và yêu cầu các doanh nghiệp tham gia vào cuộc chơi này phải có sự sáng tạo thích ứng nhanh với thị trường nếu không muốn bị tụt lại phía sau.
Theo Tầm Nhìn