Văn hoá doanh nghiệp nguồn lực vô hình
Ngày cuối tuần, chúng tôi có chuyến lên Thái Nguyên thăm mấy người bạn. Anh Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thái Nguyên đưa chúng tôi đến thăm cơ sở dịch vụ du lịch của Công ty Dũng Tân, thành viên của Hiệp hội tại phường Cải Đan, thị xã Sông Công.
Khi đến cổng, chúng tôi được ông bà chủ và nhân viên ra đón tiếp rất thịnh tình với những câu chuyện cởi mở, trang trọng, không né tránh. Điều đáng nói là vợ chồng anh Lê Văn Dũng, giám đốc công ty có một quá khứ không mấy suôn sẻ, thậm chí đầy giông bão.
Anh Dũng vốn là quân nhân trong cuộc chiến biên giới phía Bắc rồi chỉ vì một sai sót đã đẩy anh vào con đường tù tội. Là người yêu thích tự do, anh vượt ngục ra ngoài, gia nhập giới giang hồ tung hoành khắp các bãi vàng ở vùng biên giới phía bắc. Rồi anh đối mặt với những tay anh chị khét tiếng, dàn quân bình định các bãi vàng để rồi anh được tôn làm “đại ca” trong giới giang hồ. Để khẳng định số má trong giới, anh tham gia một vụ cướp có vũ trang rồi bị cho “nhập kho”, ra tòa và lĩnh án.
Cũng chính từ những ngày trong trại anh suy ngẫm rất nhiều về cuộc sống và những giá trị trường tồn của con người để rồi, bản chất lương thiện, truyền thống tốt đẹp của gia đình và cả phẩm chất của người lính trong anh trỗi dậy. Anh cải tạo tốt, lập nhiều thành tích trong trại để được giảm án, ra tù rồi quyết tâm lập nghiệp bằng con đường làm đẹp cho đời.
Là người có thời gian ngang dọc ở các bãi vàng và các hầm lò đào đá đỏ, anh thấy những sản phẩm đó nếu được chế tác thành các sản phẩm mỹ nghệ sẽ mang lại giá trị cao hơn nhiều. Hơn thế là tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, trong số đó có những bạn tù không may vướng vào lao lý như anh. Cơ sở sản xuất đá quý và mỹ nghệ của anh được ra đời từ ý tưởng đó.
Rồi từ cuộc chơi đá quý anh mở thêm ngành cây cảnh, bonsai, hồ cá coi theo triết lý tứ quý: “Chim- đá- cá- cây”. Danh tiếng cá nhân và hơn thế là những sản phẩm mỹ thuật do anh và những cộng sự tài hoa tạo ra đã có sức lan tỏa không chỉ trong tỉnh mà còn cả nước. Bằng việc tham gia các hội chợ cây cảnh quốc tế, anh được nhiều nước ngoài biết đến và tìm mua các sản phẩm do cơ sở của anh làm ra.
Hơn chục năm khởi nghiệp, vợ chồng anh đã rũ bùn đứng dậy. Giờ đây cơ sở của anh đã có vài trăm cán bộ công nhân viên, không chỉ dừng lại mảng tranh, đá quý mà còn cả khuôn viên hồ nước, cây cảnh rộng 6ha. Trước đại dịch covid, doanh thu của Công ty anh có năm đạt xấp xỉ 300 tỷ đồng. Điều đáng nói nữa là cơ sở của anh đã thành điểm đến có sức hấp dẫn nhất của tỉnh Thái Nguyên, ngày cao điểm đã đón tới hơn ngàn khách tham quan.
Khi được hỏi bí quyết thành công, anh tâm sự: Hồi mới ra trại, hai vợ chồng anh (đều là phạm) chỉ đôi bàn tay trắng nhưng với khát vọng mãnh liệt làm lại cuộc đời. Cái tên “Dũng Tân” bắt nguồn từ khát vọng ấy. Nếu chỉ dựa vào tiền e sẽ không làm được gì nhưng từ thực tiễn ngồn ngộn và đầy giông bão, anh coi đó mới là cái vốn lớn nhất của chính mình. Khi tập hợp những cộng sự, anh truyền đạt cho họ rằng, điều quan trọng làm mình làm được gì cho đời, con người sống phải vì nhau, vì những điều tốt đẹp nhất cho xã hội.
Với Công ty Dũng Tân, Lê Văn Dũng cho rằng, văn hóa DN hình thành và phát triển song song với quá trình phát triển của DN, không đơn thuần chỉ là văn hóa giao tiếp mà còn bao gồm cả giá trị cốt lõi, các quy tắc, phong cách quản lý, phương thức kinh doanh và hành vi, thái độ của mọi thành viên thuộc DN.
Cô Hằng, một nhân viên của Công ty Dũng Tân tâm sự: Mỗi người lao động gia nhập công ty đều được học tập, huấn luyện để thấm nhuần văn hóa của công ty. Dẫu rằng trong thời giãn cách, một số bộ phận phải nghỉ việc, chấp nhận giảm lương nhưng những ai đi làm đều phải nghiêm chỉnh tuân theo những chuẩn mực đón khách. Sai sót lần đầu sẽ bị nhắc nhở, lần hai sẽ bị phạt, lần ba buộc phải thôi việc.
Chị Kim Oanh, phó giám đốc Công ty cho biết: Dũng Tân đã dày công xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngay từng những ngày đầu. Cũng nhờ việc tạo dựng được giá trị cốt lõi nhưng những người lao động đều tự nguyện gắn bó lâu dài với công ty, ngay cả thời điểm khó khăn của đại dịch.
Lê Văn Dũng tâm sự: Nếu cơ sở vật chất và trang thiết bị là “phần xác” của doanh nghiệp, còn văn hóa DN là “phần hồn”. Khuôn viên của Dũng Tân rất đẹp, nhưng nếu nhân viên không tận tụy, không chu đáo với khách, Dũng Tân sẽ không có sức hấp dẫn với du khách như thế.
Để có xây dựng được doanh nghiệp có bản sắc riêng về văn hóa, ngoài chế độ vật chất chăm sóc cho người lao động còn phải xây dựng kỷ cương, chuẩn mực về văn hóa, chi tiết cả về hình thức lẫn nội dung. Văn hóa DN là tài sản vô hình của DN, góp phần tạo nên sức mạnh lớn lao của DN.
Cũng nhờ kiên trì trong việc xây dựng văn hóa DN, nên những chuẩn mực của Dũng Tân đã ăn sâu vào niềm tin của mỗi nhân viên nên có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của DN, đặc biệt là trước sự cám dỗ của một môi trường đầy biến động.
Cũng như với quốc gia, với DN, văn hóa là những giá trị, những nguồn lực vô hình, là công cụ quan trọng và không thể thiếu trong quản lý điều hành. Một DN muốn có văn hóa, phải bắt đầu bằng ông chủ, bằng người đứng đầu. Ông Dũng tâm sự: với vợ chồng tôi đều chịu tai tiếng, có tỳ vết trong quá khứ, mình sống không tốt hay có vấn đề về văn hóa, trước hết anh em bạn bè xa lánh mình, chính quyền không ủng hộ mình. Hơn thế nhân viên không phục, không theo mình. Người ta không thể quản lý điều hành tốt mà không sử dụng công cụ văn hóa.
Văn hóa là nguồn lực vô hình của doanh nghiệp. Ai đó muốn thành công, không thể bỏ qua yếu tố văn hóa.
Theo Phan Thế Hải Doanh nghiệp và Thương hiệu.