Vai trò Doanh nghiệp với mục tiêu tiêm vaccine phòng Covid cho 70% dân số Việt Nam

Tác giả : Admin 24/08/2021

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid – 19 ở các tỉnh thành trong cả nước, biến chủng mới Delta là một loại virus cực kỳ nguy hiểm lây lan nhanh. Để hiểu rõ hơn về các biến thể, cơ chế lây lan loại virus này, cách phòng chống hiệu quả, cũng như mục tiêu tiêm phòng cho 70% dân số Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư hàng đầu về chuyên ngành Vi sinh vật học của Việt Nam – Nguyễn Lân Dũng.

162979159782032141 1839224566212917 6089855671444948107 N
Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Phóng viên: Thưa Giáo sư đại dịch Covid – 19 đang hoành hành ở rất nhiều tỉnh, thành phố nước ta. Cơ chế lây lan của nó như thế nào? Có những biện pháp gì để phòng chống Virus này hiệu quả?

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Dịch bệnh hiện nay là đại dịch, không phải chuyện nhỏ, đối tượng mà chúng ta phải đối mặt là virus Corona và các biến thể của nó.

 Virus là gì?

Đặc điểm đầu tiên để phân biệt là: nó rất bé, bé hơn vi khuẩn khoảng trên 100 lần. Vi khuẩn dưới kính hiển vi thường có thể nhìn thấy được. Virus quá bé và hiện tại ở Việt nam chỉ có vài nơi có kính hiển vi điện tử mới thấy được chúng.

Đặc điểm thứ hai: nó không tự phát triển mà chỉ phát triển được trong tế bào của động vật khác như cơ thể người, động vật, thực vật, thậm chí trong vi khuẩn cũng có loại virus ký sinh gọi là thể thực khuẩn (bacteriophage)

Điểm thứ ba: nó ký sinh cho nên thường gây bệnh, hầu hết virus đều là loại gây bệnh. Gây bệnh cho người, động vật, thực vật. Vì virus có quá nhiều loại cho nên hình dạng nó khác nhau.

Cái mà chúng ta thấy Covid – 19 trên màn hình là ảnh chụp qua kính hiển vi điện tử, chúng có những gai xung quanh, hình cầu. Nó xâm nhập vào cơ thể người và sinh sôi nảy nở trong tế bào của người, phải sử dụng bộ gen của người để nhân lên. Bản thân nó cũng không tự nhiên nhân lên được. Và vì nó rất bé cho nên nó không bay được mà phải bám vào các giọt nước nhỏ, bụi nhỏ bay khắp nơi. Sáng ngủ dậy, trong phòng tối ta thấy một tia nắng lọt qua khe cửa. Nhìn vào khe nắng ta thấy hàng triệu hạt bụi và những giọt nước rất nhỏ nhào lộn không ngừng. Vì chúng lây qua không khí cho nên chúng ta phải đeo khẩu trang. Bác sĩ còn có miếng nhựa (cái kính chống giọt bắn) để cản nước bọt và bụi nhỏ bắn vào. Những người tiếp xúc với bệnh nhân phải mặc cả bộ quần áo chống dịch kín mít, bởi vì có thể virus nó bám vào hạt bụi, giọt nước, bám vào quần áo rồi phát triển lên mũi rồi vào đường phổi gây bệnh. Virus này nó dễ biến đổi gen cho nên có những chủng mới. Mỗi một chủng mới lại có tính xâm nhiễm khác nhau, sự lây lan khác nhau, cho nên việc chống dịch là không đơn giản.

16297910683d Medical Animation Coronavirus Structure
Hình ảnh virus Corona qua kính hiển vi điện tử

Hiện chỉ có hai cách chống dịch hiệu quả

Cách thứ nhất là thực hiện 5k. Đó là sáng kiến củaViệt Nam được cộng đồng thế giới ca ngợi. Với 5k sẽ giúp ngăn cách sự tiếp xúc với virus, chống lây nhiễm. Cụ thể là:

Khẩu trang: đeo khẩu trang đúng cách và thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Giặt, phơi hay là khẩu trang khi dùng xong trong ngày.

Khử khuẩn: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.

Khoảng cách: giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác. Thường là 2m, trong buồng kín có thể lây lan xa hơn.

Không tụ tập: đông người trong mọi trường hợp.

Khai báo y tế:  thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vn để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid – 19.

Thứ hai là vaccine, đó là vũ khí quyết liệt. Vaccine là gì?

Vaccine là lấy một phần của virus đó hay làm yếu virus để làm mất khả năng gây bệnh rồi nhân lên theo các phương pháp của công nghệ sinh học. Phần nhân lên đó không gây bệnh, có thể là một đoạn ADN  hay ARN thông tin, có thể là Protein của virus đó, hay các tiểu phần nhỏ hơn nữa. Nói chung là một phần của virus đó nhân lên đưa vào cơ thể, gọi là kháng nguyên. Khi kháng nguyên vào rồi, cơ thể mình sinh ra một kháng thể chống lại con virus đó và khi đã có kháng thể chống virus thì virus không hoạt động nữa. Cho nên việc tiêm vaccine là vô cùng quan trọng. Chúng ta đã có quỹ đóng góp của toàn dân để mua vaccine và đã có 4 đơn vị trong nước tự sản xuất vaccine, trong đó nanocovax của công ty Nanogen chắc sắp được cho phép ứng dụng rộng rãi. Trước đây Việt Nam là một trong những nước đã tự túc được khá nhiều các loại vaccine khác nhau.

Trung Quốc có phải là nước đầu tiên tạo ra virus hay không thì chưa xác định được, nhưng Trung Quốc là nước đầu tiên xuất hiện virus tại Vũ Hán. Có thể nói, đây là một đại dịch kinh khủng và người ta tưởng tượng sẽ vỡ trận ở Trung Quốc. Nhưng vì họ sản xuất kịp thời vaccine, cho nên trước mắt họ đã đẩy lùi được đại dịch. Mỹ cũng vậy, sản xuất vaccine không những đủ dùng mà còn hỗ trợ hoặc bán cho toàn thế giới, cho nên Mỹ cũng từng bước khống chế được đại dịch. Những người chống lại việc tiêm vaccine là kém hiểu biết trừ các trường hợp được khuyên không nên tiêm vì sức khỏe. Những người kỳ thị vaccine là những người có quan điểm rất sai lầm.

Phóng viên: Thưa Giáo sư, doanh nghiệp là đối tượng bị ảnh hưởng khá nặng nề do tác động của đại dịch. Ông có nhận định như thế nào về mục tiêu và quan điểm xử lý khủng hoảng cho doanh nghiệp trong giai đoạn này ?

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Doanh nghiệp có nhiều nhiệm vụ. Ở thời điểm hiện tại, nhiệm vụ quan trọng nhất là thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất vừa đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Điều này là một trong những khó khăn của doanh nghiệp trong phòng, chống dịch. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp bị nhiễm covid-19 rất nặng. Và sáng kiến rất lớn đó là 3 tại chỗ (ăn, làm việc, ngủ tại chỗ).  Đó là sáng kiến nhưng cũng là thách thức đối với doanh nghiệp. Các công ty, xí nghiệp không dễ dàng gì tạo ra hàng nghìn chỗ ngủ, hàng nghìn xuất ăn… nhưng các công ty, xí nghiệp đã làm được. Hiện nay, đã xuất hiện thêm các sáng kiến mới đối với những đơn vị khó thực hiện được phương châm 3 tại chỗ. Nhờ vậy, hàng xuất khẩu của chúng ta không bị chậm lại mà vẫn tiếp tục giữ được doanh số xuất khẩu, kể cả xuất khẩu nông sản phẩm.

Chẳng hạn, chuyện quả vải vừa qua là rất rõ, ở Việt Nam một kg vải rất rẻ nhưng sang đến Nhật bản là 25usd/1kg (tương đương với gần 600.000 đồng/kg). Chúng ta không phải chuyển một vài tấn mà là hàng nghìn tấn ra nước ngoài. Như vậy phải khẳng định nông dân cũng góp phần quan trọng xây dựng mục tiêu kép vừa sản xuất vừa chống dịch, điều này có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân.

Phải nói các doanh nghiệp trong đợt Covid – 19 này đã phát huy được sức mạnh tập thể, phát huy lòng yêu nước, tinh thần khắc phục khó khăn cùng nhau chống dịch. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp vẫn tiếp tục làm ra hàng hóa đảm bảo trong giãn cách xã hội Nhân dân không thiếu thực phẩm. Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ tiền bạc, lương thực, thực phẩm cho những người gặp khó khăn trong giãn cách đang là hình ảnh rất đẹp của Nhân dân ta và cũng là bản chất tốt đẹp của hệ thống chính trị ở nước ta.

Phóng viên: Thưa Giáo sư, ông đánh giá như thế nào về vai trò của doanh nghiệp trong việc phòng, chống đại dịch Covid – 19 ở nước ta?

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Trong phòng chống Covid -19 các doanh nghiệp có vai trò rất lớn. Doanh nghiệp sản xuất vaccine, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất nông sản… tất cả các doanh nghiệp đều cùng chung tay với Chính phủ để chúng ta có đầy đủ vaccine.

Nhiều doanh nghiệp đã bỏ ra những số tiền rất lớn để đóng góp vào Quỹ vaccine. Khi Chính phủ kêu gọi huy động các doanh nhiệp đã đóng góp rất nhiều, điều đó rất xứng đáng vì đây là việc mang tinh thần quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn Quỹ vaccine phòng, chống Covid -19 đã nhận được trên 8.000 tỉ đồng. Trong đó lực lượng nòng cốt đóng góp chính là các doanh nghiệp.

Ở Việt Nam một trong những doanh nhân tôi hết sức quý trọng, tôi nghĩ rằng sau đợt này mình phải có khen thưởng thích đáng đó là anh Hồ Nhân – Tổng Giám đốc Công ty Nanogen. Anh Hồ Nhân từ nước ngoài về. Tôi là Phó chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài nên biết rõ anh ấy đã đem về nước một lượng ngoại tệ lớn kèm theo kiến thức phong phú về Công nghệ Nano. Nanogen là một công ty nghiên cứu ở mức Nano về sinh học phân tử. Khi xảy ra đại dịch anh ấy vào cuộc ngay. Anh ấy đã sản xuất được vaccine Nanocovax và đã qua thử nghiệm lần thứ ba trên hàng nghìn người thấy có hiệu quả và an toàn. Công ty anh ấy không chỉ sản xuất vaccine mà còn có kho chứa vaccine , có cả đoàn ô tô lạnh để chuyên chở vaccine. Theo tôi, đó là một tấm gương tiêu biểu cho tình đoàn kết của cả dân tộc, không phải chỉ trong nước mà cả đồng bào ta ở nước ngoài, không chỉ về đầu tư tại Việt Nam và còn gửi tiền bạc, hiện vật về giúp đỡ Nhân dân ta.

Phóng viên: Là một trong những Giáo sư hàng đầu về Vi sinh vật học, ông nhận định như thế nào về mục tiêu chuyển giao công nghệ và tiêm vaccine phòng Covid – 19 cho 70% dân số ở nước ta?

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Hiện nay, lượng vaccine mua về và được tặng đã nhiều nhưng chưa đủ. Mục tiêu của chúng ta phải tiêm được 70% dân số. Chúng ta có 100 triệu dân thì phải tiêm cho 70 triệu dân, nhưng không phải 70 triệu liều mà mỗi người phải tiêm 2 liều, như vậy tổng 140 triệu liều. Chúng ta vẫn chưa mua được đủ số lượng vaccine từ nước ngoài, nhưng với việc tự sản xuất được trong nước hy vọng sẽ đủ khi công ty Nanogen được phép đưa vào sản xuất lớn để cung cấp cho người dân. Hiện nay, công suất của họ là 12 triệu liều/ tháng, nếu sản xuất liên tục, chúng ta hy vọng sẽ có hàng trăm triệu liều tự sản xuất trong nước. Còn ba đơn vị sản xuất khác cũng đang trên tiến trình thử nghiệm để chuẩn bị cho bước sản xuất lớn. Chúng ta biết rằng Việt Nam là một nước đã rất thành công từ lâu về sản xuất vaccine với những cố Giáo sư nổi tiếng Hoàng Thuỷ Nguyên,  Đặng Đức Trạch, Đoàn Xuân Mượu… Chúng ta đã xây dựng nên lĩnh vực Công nghệ Vi sinh vật y học, trong đó có ngành sản xuất vaccine và việc tiêm chủng mở rộng ta đã triển khai từ lâu. Chúng ta đã chiến thắng được nhiều đại dịch lớn như bại liệt, đậu mùa, cúm, ho gà… hầu hết các dịch bệnh đã được đẩy lùi nhờ vaccine. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh cũng như sản xuất vaccine do đó nhiều nước trên thế giới cũng đã sẵn sàng và đồng tình chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam. Tất cả là những nguồn động lực vô cùng quan trọng để Việt Nam tiến tới 70% dân số được tiêm phòng Covid 19 trong thời gian sớm nhất.

        Xin cảm ơn Giáo sư!

Theo Thu Hà (Doanh nghiệp và Thương hiệu)

Tin liên quan