Tỷ lệ tử vong do virus H5N1 lên tới 60%
H5N1 là một loại virus cúm A có khả năng gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm. Vì vậy, H5N1 còn có tên là cúm gia cầm.
Tính biến dị nhanh, sinh bệnh cao
BS.CKII Trần Vũ Minh Phát – Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, H5N1 là một loại virus cúm A có khả năng gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm. Vì vậy, H5N1 còn có tên là cúm gia cầm. Cúm A H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người. Khi bị nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%.
H5N1 có những đặc điểm như có tính biến dị nhanh, sinh bệnh cao, có thể gây bệnh nặng ở người. Có chứa các gen của nhiều loại virus lây nhiễm từ nhiều loại động vật khác. Do theo các đàn chim cư trú, nên có độ lan truyền cao. Đồng thời, có khả năng lây nhiễm trực tiếp từ gia cầm (chim, gà) sang người.
Khi bị nhiễm cúm A H5N1, các triệu chứng thường gặp nhất bao gồm sốt cao trên 38 độ, ho, đau rát họng, đau cơ… Ở một số người còn có thể xuất hiện triệu chứng ban đầu như đau bụng, đau ngực, nôn ói hoặc tiêu chảy. Tình trạng nhiễm trùng virus có nguy cơ cao tiến triển nhanh thành các bệnh hô hấp nguy hiểm (như Hội chứng rối loạn hô hấp cấp tính – bị khó thở, thở gấp, viêm phổi) hay có những tác động thần kinh (co giật, xuất hiện các trạng thái tâm thần bất thường,…).
Biện pháp can thiệp hiệu quả
Theo bác sĩ Phát, virus H5N1 có thể lây nhiễm và phát bệnh ở người khi chúng ta tiếp xúc với gia cầm mang bệnh mà không có biện pháp bảo vệ. Đường lây nhiễm từ người sang người là rất hiếm.
Chuyên gia dẫn chứng, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Mỹ, có một số việc làm có thể khiến chúng ta nhiễm bệnh như: Tiếp xúc, đụng chạm vào gia cầm bị bệnh; Chạm hoặc hít phải các chất tiết gia cầm bị bệnh; Tiếp xúc giết mổ, chế biến với nguồn thịt bị nhiễm bệnh; Ăn thịt gia cầm hoặc trứng không nấu chín.
Trong khi đó, BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC cho biết, bệnh cúm gia cầm tương đối phổ biến và có thể ảnh hưởng đến người bệnh ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, không giống các loại cúm khác ở người, cúm H5N1 không dễ dàng lây lan từ người sang người. Rất ít các trường hợp nhiễm bệnh này do lây truyền từ người sang người. Chỉ trong các trường hợp có sự tiếp xúc đặc biệt gần gũi với người bệnh như mẹ chăm sóc cho trẻ bị nhiễm bệnh thì cúm A/H5N1 mới lây từ người sang người.
Nguy cơ lớn nhất mắc cúm A/H5N1 là việc tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hoặc các bề mặt bị ô nhiễm như lông, nước bọt hoặc phân của chúng. Rất hiếm khi dịch cúm gia cầm được truyền từ người sang người.
Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, đến nay, thế giới vẫn chưa có vắc-xin phòng cúm A/H5N1. Việc tiêm ngừa vắc-xin cúm phòng các chủng virus cúm A, B khác không có tác dụng phòng chống lại cúm chủng A/H5N1. Tuy nhiên, tiêm phòng cúm mùa chính là biện pháp can thiệp hiệu quả nhằm tránh sự tiếp xúc giữa virus cúm A/H5N1 với các loại virus cúm khác.
Cúm gia cầm A/H5N1 có dễ lây nhiễm?
Trước thông tin ca tử vong do cúm gia cầm A/H5N1 tại Campuchia gần biên giới Việt Nam, nhiều người bày tỏ sự lo lắng. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, virus cúm A/H5N1 thường tồn tại ở gia cầm hoặc chim hoang dã. Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa chính thức xác nhận khả năng lây truyền virus cúm A/H5N1 từ người sang người.
Hầu hết ca nhiễm xảy ra khi con người tiếp xúc gần, kéo dài với gia cầm mắc bệnh mà không đeo găng tay, khẩu trang bảo vệ. Nguy cơ lây nhiễm phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc, thời gian tiếp xúc, khoảng cách.
Theo ông Phu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ khuyến cáo việc ăn thịt gia cầm và trứng khi được xử lý đúng cách và nấu chín kỹ ở nhiệt độ khoảng 74 độ C sẽ giết chết vi khuẩn và virus, bao gồm H5N1. Đồng thời, khuyến cáo người dân không nên ăn thịt, trứng gia cầm bị bệnh.
Mặt khác, khi chế biến thực phẩm, người nấu ăn cần rửa tay bằng nước ấm và xà phòng thật sạch. Thớt, bát đĩa và dụng cụ nhà bếp phải được làm sạch bằng nước nóng. Lưu ý phải tách thịt gia cầm sống và trứng ra khỏi các thực phẩm khác.
Ngoài ra, tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng, phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn./.
Theo Môi trường và Đô thị VN