Từ 1/1/2021, chính sách BHYT mới cho khám chữa bệnh trái tuyến trên toàn quốc
Theo đó, trước đây khi chưa thông tuyến tỉnh, bệnh nhân khám bệnh trái tuyến chỉ được BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú. Tuy nhiên từ 1/1 tới, người dân có thẻ BHYT khi khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở y tế tuyến tỉnh nào trên toàn quốc đều được BHYT trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng (mức chi trả là 100% đối với những phần được BHYT chi trả).
Các trường hợp khám chữa bệnh, điều trị nội trú tại tuyến Trung ương nếu không có giấy chuyển viện vẫn chỉ được chi trả 40%, trừ trường hợp cấp cứu, bệnh nhân là người dân tộc thiểu số và thuộc hộ nghèo hoặc người dân sống tại xã đảo, huyện đảo.
Chính sách mới sẽ tạo điều kiện cho người dân song nhiều bệnh viện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM sẽ có nguy cơ đối mặt với tình trạng quá tải. Không chỉ vậy, khi thông tuyến BHYT tuyến tỉnh, chi phí y tế cũng gia tăng tạo ra áp lực lớn lên quỹ BHYT. Dự kiến, quỹ dự phòng BHYT chỉ đáp ứng chi trả đến năm 2021.
Hiện tại, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phối hợp với Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn để các cơ sở y tế vừa đảm bảo chất lượng điều trị, vừa tránh quá tải. Chỉ định tiếp nhận nội trú tuyến tỉnh phải phù hợp với tình trạng bệnh nhân, quy định số giường bệnh của mỗi cơ sở y tế phải phù hợp với nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, tránh kê giường tràn lan.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến tỉnh phải có kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh công tác tổ chức khám bệnh, xây dựng và thực hiện đúng quy trình khám, chữa bệnh, giám sát chặt chỉ định điều trị nội trú. Đặc biệt cần có kế hoạch phối hợp và chủ động phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh khác, bao gồm cả cơ sở tuyến huyện để điều chuyển bệnh nhân khi quá tải.
Theo Tầm Nhìn