Hội “giải cứu”
Những ngày này, dịch covid hoành hành khắp nơi, hơn 20 tỉnh thành có ca bệnh dương tính. nhiều tỉnh, thành phố thành lập các khu cách ly, phong tỏa. Hành động kịp thời của Chính Phủ và các tỉnh thành đã góp phần đẩy lùi quá trình lây lan của dịch bệnh. Nhưng bên cạnh đó, không thể tránh khỏi hệ lụy đến kinh tế, đời sống.
Lúa chín trên đồng, nông sản hàng hóa đến vụ, hàng đầy kho chờ xuất… Rất nhiều nơi đã phát đi tín hiệu kêu cứu
Nông dân Chương Mĩ nuôi gà thịt, gà đẻ trứng hàng ngàn trái trứng mỗi ngày chất đống trong kho không ai mua. Nữ chủ trang trại muốn khóc. Trái trứng tươi vừa “ra lò” được xuất xưởng ngay thì còn giá trị. Trời nóng thế này, dù có nơi bảo quản cũng không thể để quá lâu, trứng sẽ hỏng ngay. Sau nhiều nỗ lực để tiêu thụ sản phẩm không mấy thành công, chị Hà, chủ trang trại Thu Hà điện thoại trao đổi trực tiếp với Bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, nhờ giúp đỡ. Ngay tức thì, bà Hảo đề nghị Sàn giao dịch TM Điện tử Chợ nhà mình phát đi thông báo “giải cứu” trứng gà Chương Mĩ giúp bà con trang trại. Thông qua sàn giao dịch TM Điện tử Chợ nhà mình, những đơn đặt hàng sẽ được doanh nghiệp trang trại trực tiếp nắm bắt, tự đưa hàng hóa đến tận người đặt hàng. Bà Hảo lại kêu gọi mọi người trong trung tâm, Hội nữ doanh nhân thành phố Hà Nội để những Chủ nhiệm CLB nữ doanh nhân quận huyện kêu gọi các hội viên của mình chia sẻ. Bà Hảo còn trực tiếp lên trang cá nhân của mình để phát đi thông điệp giải cứu tới tất cả Hội viên phụ nữ, những người thân quen. Hàng chục ngàn trái trứng gà tươi từ trang trại gà sạch đã được “giải cứu”, đến với bếp ăn của nhiều gia đình bằng phương pháp giải cứu sáng tạo, táo bạo mà bà Hảo và các đồng sự của chị đã nghĩ ra. Cái tên thân thương “Chị Hảo giải cứu”, “Hội giải cứu” cũng được “gán” cho bà và Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội từ đó.
Những cánh đồng rau các huyện quanh Hà Nội cũng đã vào vụ thu hoạch. Nhưng toàn bộ chợ cóc, chợ tạm, chợ đêm hầu như đã dừng hoạt động. Các kênh phân phối chính lượng, tiêu thụ không lớn. Nguy cơ rau phơi bờ ruộng giống như Hà Nội sau tết Tân Sửu bất cứ lúc nào cũng sẽ tái hiện. Lời kêu cứu của nông hộ cũng đã được phát đi. Trang thương mại điện tự Chợ nhà mình và các trang cá nhân của bà Hảo và các đồng sự lại tới tấp phát đi thông điệp “giải cứu” rau xanh Hà Nội. “Đợt dịch này tương đối phức tạp. Lây lan nhanh và diễn tiến nguy hiểm. Tuân thủ yêu cầu của Thành phố, các chị em trong trung tâm và CLB nữ doanh nhân các quận huyện không thể thành lập các điểm nông sản giải cứu như những lần trước. Chúng tôi đành phải phát đi thông báo trên Sàn giao dịch Chợ nhà mình, đưa lên MXH, trang cá nhân để kêu gọi, kết nối thông tin. Khách hàng là bạn bè sẽ đồng tâm hiệp lực chia sẻ, giải cứu. Nhu cầu rau xanh, thực phẩm hàng ngày, gia đình nào cũng cần. Chỉ cần alo, đặt hàng là có xe chở đến tận nhà. Không cần ra chợ vẫn có rau tươi. Vừa giúp người, vừa giúp mình. Tận dụng lợi ích của Công nghệ vẫn đảm bảo chống dịch mà vẫn hỗ trợ được người sản xuất”, bà Hảo cho biết.
Bà Hảo cho biết thêm, Trung Tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ- Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức cho Trung tâm và Hội nữ doanh nhân Hà Nội, các CLB thành viên tham gia nhiều chiến dịch giải cứu nông sản cho bà con nông dân không chỉ ở Hà Nội mà nhiều tỉnh bạn từ khoai, bơ, dưa hấu… Gia Lai, nông sản Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình… Cứ đâu “kêu” là các chị đến “cứu”, cứu nhiệt tình, cứu xong thì thành bạn thân, đối tác thân thiết, mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển mới. Chỉ riêng trong đợt dịch bệnh covid thứ ba, Trung tâm đã vận động và thành lập được trên 30 điểm giải cứu nông sản Hải Dương, giúp bà con nông dân tỉnh bạn tiêu thụ được hàng chục tấn nông sản. Tính chung chỉ hơn 2 năm qua, trung tâm đã kết nối, thúc đẩy tiêu thụ hơn 200 tấn nông sản các loại, hàng trăm ngàn trứng gà, giúp bà con thu hồi vốn, yên tâm phục hồi sản xuất.
Hiện đã có khoảng 100 doanh nhân nữ tham gia Sàn giao dịch TMĐTChonhaminh.gov.vn. Người tiêu dùng thông qua địa chỉ này được tiếp cận với nhiều nguồn nông sản ngon, sạch, chất lượng và kinh tế. Chợ Nhà mình trở thành một địa chỉ thực phẩm tiêu dùng tin cậy của người dân thủ đô.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường, “Chợ nhà mình” có thể xem là một trong những con đường nhằm giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, thực phẩm vốn vẫn được đánh giá là còn nhiều khó khăn hiện nay. “Thay vì phải cạnh tranh với các sản phẩm trên thị trường truyền thống, nông sản an toàn, có truy xuất nguồn gốc, các cơ sở sản xuất có thể đưa sản phẩm của mình đến gần hơn với đa dạng người tiêu dùng”.
Kết nối doanh nhân, nhân lên sức mạnh
Bà Nguyễn Thị Hảo cho biết, được thành lập từ 2019, Hội Nữ doanh nhân Hà Nội đã thiết lập được một mạng lưới các CLB từ thành phố đến các quận huyện để tập hợp, hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy các nữ doanh nghiệp phát treienr với các qui mô khác nhau. Trung tâm đã đa dạng các loại hình hỗ trợ trong đó có nội dung kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thông qua các điểm quảng bá giới thiệu sản phẩm của Trung tâm và gia đình hội viên Phụ nữ. Hiện tại, trung tâm đã xây dựng được 135 điểm trên toàn thành phố. Tại Trung tâm (số 1 Hàng Văn Thụ, quận Hà Đông) cũng có văn phòng kết nối hỗ trợ.
Từ tháng 7/2020, ngay thời điểm dịch covid thứ hai vừa qua đi, những điểm kết nối này đã phát huy được hiệu quả to lớn, giúp thúc đẩy tiêu thụ hàng trăm loại nông phẩm sạch và sản phẩm đã qua chế biến của các hộ nông dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trung tâm cũng xây dựng được nhiều phóng sự, video, bài báo để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và sàn giao dịch TMĐT này. Các sản phẩm trên sàn TMĐT đều được kiểm định theo chuỗi của thành phố, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đồ uống…
Ngoài các loại hình ứng dụng CNTT thường xuyên, Trung tâm đã tổ chức được 12 phiên chợ trực tiếp tại các khu chung cư – KĐT lớn để tạo cơ hội đưa sản phẩm của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng.
Song song với đó, Trung tâm cũng liên hệ với các cơ quan tổ chức khác, xây dựng các sản phẩm OCOP, tư vấn cho các nữ doanh nhân và CLB, mở nhiều lớp tập huấn hỗ trợ nữ doanh nhân khởi nghiệp và nâng cao trình độ, bản lĩnh kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm… Chỉ riêng trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng liên tục bởi covid-19, Trung tâm vẫn thực hiện tư vấn cho gần 200 trường hợp.
Trung tâm còn phối hợp với Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm, thuộc Sở NN&PTNT Hà Nộ, phát triển mô hình Chợ TMĐT của thành phố, giúp đưa ứng dụng công nghệ vào kết nối kinh danh, tiêu thụ sản phẩm. “Việc làm này có ý nghĩa rất lớn. Vì khi phụ nữ biết chuyển đổi số thì điều kiện kinh doanh sẽ tốt hơn, ổn định hơn, nâng cao trình độ nữ chủ doanh nghiệp. Doanh nghiệp phát triển hơn về qui mô thì cũng nâng cao vị thế nữ doanh nhân, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm để tăng sức hút đối với nữ doanh nhân”, bà Hảo nói.
Để đa dạng hóa các loại hình hoạt động, nâng cao sức hút với các nữ doanh nhân, Trung tâm còn tạo ra sân chơi cho họ để họ vừa giao lưu, vừa học hỏi, vừa tăng cơ hội tiếp cận mở rộng, vừa tìm thấy được vị thế của mình. Hàng chục cuộc thi tôn vinh các chị em nữ doanh nhân như cuộc thi bình chọn Doanh nhân Nhân ái vì cộng đồng (27 người); tổ chức cuộc thi Duyên dáng áo dài nữ Doanh nhân (qua ảnh), giới thiệu Doanh nhân tham gia Chương trình Bông hồng vàng của VCCI… Việc chăm lo đời sống của các chị em trong Hội, trong các CLB, thông qua các hoạt động thể thao văn hóa, các chương trình Chăm sóc sức khỏe, du xuân, du lịch nghỉ dưỡng… cũng giúp nâng cao đời sống tinh thần cho các chị em, khiến cho họ coi Hội Nữ Doanh nhân, coi Trung tâm như ngôi nhà chung để gắn bó, để trở về.
Gắn bó để đoàn kết thành một khối vững chắc, chung sức để làm nên sức mạnh. Chỉ trong hơn 2 năm, hàng trăm chị em nữ chủ doanh nghiệp đã tham gia ủng hộ phòng chống đại dịch covid-19 có hiệu quả thông qua hệ thống các cấp hội, các CLB, vừa giúp nhau, vừa làm từ thiện. Hàng chục tấn hàng hóa, trang thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay, nhu yếu phẩm và 20 tỉ đồng tiền mặt đã được góp lại, chuyển đến kịp thời những vùng thiếu thốn khó khăn, những nơi đại dịch hoành hành, người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em yếu thế…
Những gương mặt tiêu biểu trong số ấy phải kể đến nữ doanh nhân Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn kinh doanh thực phẩm ăn uống Hải Yến 20, bà Lê Thị Thuận, Công ty XNKTM ĐNT; bà Quan Thị Thủy, Công ty Gỗ Linh; Bà Đào Thị Lương, CTHĐQT HTX Nông nghiệp Tâm Anh; Bà Nguyễn Thị Lương, GĐ công ty TNHH 2/9…
Nhìn lại chặng đường hơn 1000 ngày đã, qua, Giám đốc Trung tâm tổng kết:
-Thực hiện được 02 đề án, sáng kiến kinh nghiệm được hội đồng khoa học cấp thành phố phê duyệt, 01 được cấp kinh phí thực hiện.
-Tiếp đón nhiều đoàn khách quốc tế, đề xuất 4 dự án kêu gọi vốn đầu tư phi chính phủ, trong đó có 02 dự án đã được tài trợ hàng tỷ đồng để triển khai.
-Kết nối mạng lưới 55CLB doanh nhân nữ với trên 2000 chị em tham gia hỗ trợ nhau khởi nghiệp, phát triển 13 ý tưởng sản phẩm sáng tạo được trao giải và hiện thực hoá; trên 300 chị được kết nối, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
-Được đào tạo và ký cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho hơn 1000 lao động; giúp nhiều lao động có việc làm và nâng cao kỹ năng.
-Tổ chức 169 buổi chia sẻ kiến thức, kỹ năng với phụ nữ trong và ngoài thành phố
-Tranh thủ, huy động nguồn lực xã hội hoá gần 7 tỷ đồng tổ chức các sự kiện và trao tặng hơn 5000 phần quà cho phụ nữ gia đình chính sách, yếu thế, khó khăn, bị thiên tai bão lũ; xây 02 mái ấm tình thương; 1 điểm trường mầm non.Tặng thiết bị sinh kế cho người khuyết tật. Tổ chức giải cứu đàn lợn; giải cứu củ cải, dưa hấu, khoai lang…khi bị dư dôi..
-Một chuỗi các sự kiện thường niên tổ chức với quy mô lớn: “Chương trình vòng tay nhân ái- tết ấm yêu thương” tặng quà cho phụ nữ yếu thế; “Ngày tết yêu thương cho bệnh nhân bị ung thư”; “Đám cưới tập thể – Giấc mơ có thật”; mô hình “Nữ doanh nhân Thủ Đô tâm- tài- thanh lịch”; “Ngày hội tuyển dụng lao động” ; “Ngày hội tuyển sinh”…
Theo Tầm Nhìn