Thái Bình: Không bỏ lại ai phía sau trong cuộc chiến chống dịch
Chiều ngày 30/8, thực hiện chỉ đạo nóng của lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, cơ quan chức năng đã “giải cứu” và chăm lo chu đáo, an toàn cho 47 người trở về từ vùng dịch.
Từ đêm ngày 29/8 đến hôm nay 30/8, trên mạng xã hội Facebook tại Thái Bình xôn xao, bàn tán chia sẻ một số hình ảnh, clip ghi lại việc hàng chục người dân từ đàn ông đến phụ nữ, người già đến trẻ em trải chiếu, che bạt nằm, ngồi tại làn phía ngoài cùng dành cho xe thô sơ trên cầu Triều Dương hướng từ tỉnh Hưng Yên sang tỉnh Thái Bình vì “mắc kẹt”.
Nguyên nhân là bởi từ ngày 6/8, tỉnh Thái Bình đã có quy định không tiếp nhận người dân từ các nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 về tỉnh, cho nên những người này cố tình về đã dẫn đến tình trạng về không được, quay lại cũng không xong và bị “mắc kẹt” tại các chốt kiểm soát cửa ngõ ra, vào tỉnh. Điều này không chỉ làm khổ chính bản thân mà còn “làm khó” cả chính quyền địa phương.
Hướng giải quyết sự việc trên của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình như thế nào với những người dân này thực sự là bài toán rất khó. Trong khi Chính phủ, Bộ Y tế rồi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh đã có hàng loạt công văn, chỉ đạo yêu cầu “ai ở đâu ở đó” rồi; các cấp ngành, tổ chức xã hội cũng đã cố gắng hỗ trợ, cung cấp nhu yếu phẩm, lương thực thiết yếu để người dân ở nơi giãn cách yên tâm ở lại nhưng người dân vẫn tìm cách đổ ra đường, vẫn cố tình về quê.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình, trước mắt quan điểm của địa phương là vẫn phải thực hiện nghiêm chỉ đạo, quy định không nhận người về từ vùng dịch, tỉnh cũng chưa có phương án nào tốt nhất để “giải cứu” những người đang “mắc kẹt”.
Người này về được thì những người khác sẽ lại tìm cách gây sức ép để được về, như vậy không những tăng nguy cơ dịch xâm nhập về tỉnh, tăng áp lực lên các khu cách ly, điều trị. Thế nên chúng ta phải cương quyết, nghiêm túc thực hiện, không còn cách nào khác.
Tuy nhiên, đến chiều tối ngày 30/8, tỉnh Thải Bình đã “giải cứu” an toàn sức khoẻ cũng như thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch trước khi đưa 47 trường hợp trên về cách ly tập trung tại các địa phương nơi họ sinh sống.
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, anh Trần Văn Thành trú tại xã Nam Hải, huyện Tiền Hải cảm động cho biết: “Tôi thay mặt cho 47 người trong nhóm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đến sự chia sẻ của người dân, các nhà hảo tâm và đặc biệt là các cấp chính quyền của tỉnh Thái Bình đã kịp thời quan tâm, chăm lo cho chúng tôi trong lúc khó khắn, túng quẫn nhất.
Kể lại chuyến đi đầy giông bão, anh Thánh cho biết: “Khi chúng tôi về đến cầu Triều Dương vào khoảng 18h ngày 29/8, đến đây chúng tôi được lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát dịch của tỉnh Thái Bình tiến hành test nhanh Covid-19. Do phải ở lại qua đêm gần khu vực điểm chốt này nên chúng tôi được người dân địa phương hỗ trợ đồ ăn, nước uống và đến đêm thì được cán bộ trực chốt của tỉnh Thái Bình cấp cháo gà cho ăn”.
Ngoài ra, anh Trần Văn Thành tỏ ra ân hận vì đã không nghiêm túc thực hiện công tác phòng chống dịch theo quy định của tỉnh Thái Bình: Do nhận thức chưa hết các quy định về phòng, chống dịch tại các địa phương nên chúng tôi đã để xảy ra sự việc đáng tiếc trên, vì vậy chúng tôi gửi lời xin lỗi chân thành đến người dân và chính quyền địa phương vì đã “làm khó” họ.
“Qua đây tôi cũng xin đề nghị những người dân đang ở vùng dịch hãy thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, trong đó cần thực hiện việc “ai ở đâu thì ở đó” để tránh gây nguy hiểm cho bản thân và gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch của địa phương” – anh Thắng nói.
Trước diễn biến sự việc trên, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã có chỉ đạo nóng để “giải cứu” 47 người mắc kẹt ở cầu Triều Dương (trong đó: có 12 người quê ở xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải; số còn lại là người dân của 2 huyện Hưng Hà và huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) về các khu cách lý tập trung của các huyện nơi họ dân sinh sống.
Quyết định trên của lãnh đạo tỉnh Thái Bình thể hiện tính nhân văn sâu sắc và cũng là quan điểm xuyên suất trong cuộc chiến chống dịch là không bỏ lại ai phía sau. Tuy nhiên, mỗi công dân không thể lạm dụng việc này để bất chấp các quy định trong công tác phòng, chống dịch để cố tình từ vùng dịch về địa phương như các trường hợp trên. Có thể khẳng định, những trường hợp nào cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật.
Theo Huy Bình-Ngọc Tuyên (Môi trường và Đô thị VN)