Thái Bình: Đẩy mạnh phát triển kinh tế đi đôi với chống dịch an toàn
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vừa ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, vừa thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH là mục tiêu của tỉnh Thái Bình.
Đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên toàn thế giới đã khiến kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng. Ở trong nước, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, dịch xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố. Trước những thuận lợi và khó khăn, song với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của UBND tỉnh Thái Bình cùng với sự đồng thuận, nhất trí cao của các cấp, các ngành, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân; đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh luôn nằm trong tầm kiểm soát, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục phục hồi, tăng trưởng cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước.
Hoàn thành “mục tiêu kép” 7 tháng đầu năm
Có thể nói 7 tháng đầu năm là vô cùng khó khăn đối với tình hình kinh tế của tỉnh Thái Bình nói riêng. Nhưng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, hoàn thành xuất sắc “mục tiêu kép” 7 tháng đầu năm, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định trên các lĩnh vực, do đó đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Toàn bộ diện tích lúa mùa đã gieo cấy xong với tổng diện tích 76.588 ha, vượt kế hoạch 0,77% diện tích; Hoạt động chăn nuôi trâu bò, gia cầm và nuôi trồng, khai thác thủy hải sản nhìn chung ổn định; Công tác bảo vệ rừng và trồng rừng mới cũng đặc biệt được chú trọng (trong tháng 7 đã trồng mới được 15,1 ha rừng phòng hộ bằng 73% so với cùng kỳ năm 2020); Công tác thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai và công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường cũng được tăng cường quan tâm chỉ đạo.
Cùng với đó là chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện làm cho bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng cao. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tích cực chỉ đạo triển khai, UBND tỉnh đã quyết định công nhận 4 sao đối với 17 sản phẩm OCOP.
Sản xuất công nghiệp cũng từng bước được phục hồi và tăng trưởng trở lại. Sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2021 tăng 11,96%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 43.263,2 tỷ đồng, tăng 11,98% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất nhập khẩu từng bước phục hồi. Thực hiện kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận tải đi và đến tỉnh, nhiều tuyến vận tải hành khách liên tỉnh phải tạm ngừng hoạt động, do vậy hoạt động vận tải hành khách trong tháng có xu hướng giảm. Hoạt động của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng tiếp tục ổn định. Việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 được triển khai tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm ước thực hiện 12.500,2 tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan đô thị được quan tâm. Chỉ đạo các đơn vị phường, xã xây dựng kế hoạch và triển khai mô hình “Phân loại rác thải sinh hoạt đầu nguồn trên địa bàn tỉnh”, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, người dân đã có ý thức hơn trong việc phân loại rác thải, và hiểu hơn và có ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, các thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư xây dựng và cải tạo.
Song song với phát triển kinh tế thì tỉnh cũng thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chủ động, khẩn trương, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid -19 trên địa bàn, nghiêm túc thực hiện các văn bản của UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch. Từ ngày 27/4/2021 đến ngày 27/7/2021, toàn tỉnh ghi nhận 43 ca nhiễm (đã khỏi, chuyển viện: 33 ca; có 1.573 trường hợp F1, F2 còn đang theo dõi; 28 trường hợp đang theo dõi cách lỵ điều trị tại các cơ sở y tế; 6.820 đối tượng nguy cơ đi về từ các vùng có dịch (tính từ 26/6/2021 đến nay). Các ổ dịch trong cộng đồng không có diễn biến mới. Công tác tiêm chủng vắc xin được triển khai tích cực, hoàn thành 02 đợt tiêm chủng với 25.284 mũi tiêm.
Nỗ lực vượt khó những tháng cuối năm
Những tháng cuối năm, tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước dự báo tiếp tục có xu hướng phục hồi nhưng còn nhiều rủi ro, khó khăn, thách thức. Các biến thể mới của chủng Covid-19 được cảnh báo còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra cho những tháng cuối năm 2021 là rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2021 đã để ra.
Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19; tuyên truyền để người dân nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K và các quy định khác trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tập trung kiểm soát nguồn lây bệnh, quản lý chặt chẽ các đối tượng nhập cảnh, nhất là nhập cảnh trái phép, người từ các vùng dịch về địa bàn. Tuyệt đổi chấp hành các quy trình, quy định cách ly tập trung, điều trị bệnh không để xây ra tình trạng lây nhiễm chéo. Xây dựng chiến lược phòng, chống dịch và chiến lược vắc xin theo chỉ đạo của Chính phủ; tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả và đạt tỷ lệ cao; xây dựng kế hoạch chi viện nhân lực, hỗ trợ các tỉnh khi có chỉ đạo của Trung ương.
Tập trung thực hiện hiệu quả công tác thu ngân sách và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; Tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh; Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, tăng cường kiểm tra chuyên môn; Tăng cường các hoạt động truyền thông, thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt trong mùa lễ hội; Xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động dạy và học trong tình hình mới; chuẩn bị các kịch bản triển khai công tác dạy và học trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó cũng cần phải tiếp tục tập trung, nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, không để dịch lây lan, bùng phát trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Thực hiện nghiêm túc nội dung các văn bản của Trung ương và UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch. Tích cực tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức, các hộ kinh doanh và người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là; tự giác và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định phòng chống dịch, luôn luôn giữ vững tinh thần đẩy mạnh phát triển kinh tế nhưng không quên chống dịch.
Theo Ngọc Tuyên (Môi trường và Đô thị VN)