Tân Long Group của ông Trương Sỹ Bá mạnh cỡ nào?

Tác giả : Admin 10/06/2022

Với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng, Tân Long Group của ông Trương Sỹ Bá là “tay chơi” đáng nể trong lĩnh vực nông nghiệp, khoáng sản và hoá chất. “Ra mặt” ở BAF Việt Nam, vị doanh nhân sinh năm 1967 đang cho thấy tham vọng lớn của mình trong lĩnh vực chăn nuôi.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (ĐHĐCĐ) của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) ghi nhận sự xuất hiện đáng chú ý của ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Tân Long (Tân Long Group) – trong vai trò thành viên đoàn Chủ tịch.

Theo dữ liệu tìm hiểu, ông Trương Sỹ Bá là ứng viên được CTCP Siba Holdings – một doanh nghiệp do ông Bá thành lập vào tháng 10/2021 và cũng là cổ đông nắm giữ 20,5% vốn điều lệ BAF – đề cử vào HĐQT BAF nhiệm kỳ 2022 – 2027. Ngay sau khi trúng cử với tỉ lệ đồng thuận gần như tuyệt đối tại ĐHĐCĐ 2022, vị doanh nhân gốc Nghệ được bầu thay thế ông Phan Ngọc Ấn làm Chủ tịch HĐQT BAF.

Kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán từ cuối năm 2021, BAF vẫn được tin rằng là một thành viên của Tân Long Group.

Niềm tin ấy một phần đến từ thâm niên công tác ở Tân Long Group của bà Bùi Hương Giang – Tổng Giám đốc và cổ đông lớn của BAF. Một phần khác đến từ sự ưu ái của BAF dành cho Tân Long Group khi tập đoàn của ông Trương Sỹ Bá là một trong những khách hàng thường xuyên phát sinh khoản phải thu cao bậc nhất tại đây, có lúc lên tới 920,3 tỷ đồng (tại thời điểm cuối năm 2019).

Dưới thời ông Trương Sỹ Bá, HĐQT BAF đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ giá trị phần vốn đã góp tại BAF Myanmar BAF Livestock Company Limited cho Viet Agro Pte. Ltd để chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài. Giá trị phần vốn góp chuyển nhượng là 1,49 triệu USD (tương đương 34,6 tỷ đồng). Bên nhận chuyển nhượng – Viet Agro Pte. Ltd – là một tổ chức có liên quan tới ông Trương Sỹ Bá, do ông Trương Mạnh Linh làm Giám đốc.

Tân Long Group mạnh cỡ nào?

Sinh năm 1967, ông Trương Sỹ Bá từng có nhiều năm công tác tại CTCP Kim loại màu Nghệ Tĩnh. Đến năm 1994, ông chuyển sang kinh doanh tự do, rồi thành lập nên Tân Long Group.

Với hơn 20 năm hình thành và phát triển, Tân Long Group đã trở thành tập đoàn đa ngành, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, khoáng sản. Trong đó, Tân Long Group là nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn bậc nhất Việt Nam, đồng thời cũng là “tay chơi” xuất khẩu lớn trên thị trường nông sản như gạo, điều thô.

Năm 2017, tập đoàn này là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất thắng thầu cung cấp 50.000 tấn gạo Japonica sang thị trường Philippines. Đến năm 2018, Tân Long Group tiếp tục vượt qua nhiều doanh nghiệp nổi tiếng về xuất khẩu gạo trên thế giới để thắng gói thầu xuất sang Hàn Quốc gần 130.000 tấn gạo Japonica chất lượng cao, chiếm hơn 60% gạo nhập khẩu tại quốc gia này.

Theo tìm hiểu, trong năm 2018, Tân Long Group đã thực hiện 2 đợt tăng vốn điều lệ. Cụ thể, vào tháng 5/2018, tập đoàn này tăng vốn từ 750 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng. Khi ấy, ông Trương Sỹ Bá vẫn nắm giữ tới 88% cổ phần, tương ứng phần vốn có giá trị theo mệnh giá lên tới 1.056 tỷ đồng. Ít tháng sau đó, Tân Long Group tiếp tục tăng mạnh vốn điều lệ lên 2.200 tỷ đồng.

1654738531char Tan Long
Tình hình sản xuất kinh doanh của Tân Long Group.

Trúng loạt gói thầu xuất khẩu lớn, giai đoạn 2018 – 2019, Tân Long Group lần lượt đem về 38.180 tỷ đồng và 38.137 tỷ đồng doanh thu. Trong khi đó, giai đoạn 2016 – 2017, Tân Long Group đều đặn ghi nhận doanh thu trên 20.000 tỷ đồng mỗi năm.

Dẫu vậy, hiệu quả kinh doanh của Tân Long Group lại không ổn định. Các năm 2017 và 2019 tập đoàn này lần lượt báo lỗ 277 tỷ đồng và 493 tỷ đồng. Trong khi đó, các năm 2016 và 2018, tập đoàn của ông Trương Sỹ Bá chỉ báo lãi khiêm tốn, lần lượt đạt 39,4 và 29,5 tỷ đồng. Tính chung cả giai đoạn 2016 – 2019, Tân Long Group lỗ tới 701,1 tỷ đồng.

Không loại trừ khả năng Tân Long Group đã lỗ nặng từ nhiều năm trước đó, bởi tới cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của Tân Long co về còn 904 tỷ đồng, “hụt” 1.300 tỷ đồng so với vốn góp chủ sở hữu 2.200 tỷ đồng.

Lưu ý rằng, tổng tài sản của Tân Long Group tính đến cuối năm 2019 đạt 18.249 tỷ đồng, cao gấp 20 lần vốn chủ sở hữu. Điều này cho thấy, Tân Long Group phụ thuộc lớn vào nguồn vốn nợ phải trả, trong đó có nguồn vốn vay ngân hàng.

Trong quá trình phát triển, Tân Long Group nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ dòng vốn tín dụng từ SHB – thành viên của T&T Group.

Theo đó, SHB cũng từng là chủ nợ lớn của BAF, với số dư vay ngắn hạn tại thời điểm cuối năm 2019 lên tới 1.844 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong năm 2021, BAF còn chi 65 tỷ đồng để mua vào 2,6 triệu cổ phần của CTCP Cảng Quảng Ninh (Mã CK: CQN). Tính đến cuối năm ngoái, BAF đã trích lập dự phòng 7,9 tỷ đồng cho khoản đầu tư này. Lưu ý rằng, CQN cũng là thành viên trong “hệ sinh thái” đồ sộ của T&T Group.

Theo Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, từ cuối năm 2020 đến hết tháng 5/2021, có một số công ty nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về Việt Nam vi phạm về nhãn mác, xuất xứ; có lô hàng khai xuất xứ Ấn Độ nhưng trên bao bì thể hiện gạo của Việt Nam. Điều này tiềm ẩn nguy cơ làm mất uy tín của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bộ Công thương sau đó đã lập đoàn công tác, kiểm tra việc thi hành pháp luật về xuất nhập khẩu gạo tại 5 doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo trong nước.

Cụ thể, 5 doanh nghiệp bị kiểm tra gồm có: CTCP Tập đoàn Tân Long; CTCP Xuất nhập khẩu Thuận Minh; CTCP Tập đoàn Lộc Trời; CTCP Tân Đồng Tiến và Công ty TNHH Khánh Tâm. Đoàn công tác sẽ yêu cầu các doanh nghiệp nói trên báo cáo số liệu nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ gạo Ấn Độ của công ty từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/5/2021. Về tình hình nhập khẩu (số tờ khai nhập khẩu, ngày nhập, số lượng, giá trị); tình hình kinh doanh, tiêu thụ (tiêu thụ tại công ty, mục đích, xuất bán, số ngày hóa đơn xuất bán); tồn kho và phải gửi báo cáo trước ngày 29/6/2021. Trong số các doanh nghiệp bị kiểm tra, CTCP Tập đoàn Tân Long (Tân Long Group) là cái tên nổi bật hơn cả./.

Theo Doanh nghiệp và Thương hiệu

Tin liên quan