Suy nghĩ về mối quan hệ giữa Báo chí và Doanh nghiệp (Phần I)

Tác giả : Admin 21/06/2021

Đầu năm 1992, khi báo các Quân khu, quân đoàn, quân chủng trong quân đội lần lượt đình bản, vì vẫn mê nghề làm báo, tôi chuyển ngành về báo Bắc Thái, nhận việc đúng hôm 1/1, thời điểm triển khai báo tết. 

mối quan hệ giữa Báo chí và Doanh nghiệp
Nhà máy xi măng của đại gia Đặng Lê Hoa đầu tư ở Ninh Bình

Có lẽ không mấy tin tưởng tay nghề của mấy ông làm báo lính hay muốn thử thách một chút cho vui, Tổng Biên tập Hồng Dương và Phó Tổng biên tập Mạnh Tuấn đề nghị tôi viết một bài “đinh” cho số tết về doanh nhân Đặng Lê Hoa, người được coi là giàu nhất Bắc Thái lúc bấy giờ.

Thuở ấy, doanh nhân, doanh nghiệp chưa được coi trọng như bây giờ. Người ta gọi ông Đặng Lê Hoa là “Cai Hoa” với một giọng pha chút khinh khi. Trong tâm thức nhiều người, cánh giàu có này chỉ có đi bóc lột người lao động hoặc làm ăn bất chính, không cần biết rằng ông Hoa cũng từng là công chức, là kỹ sư công tác tại Ty Thủy Lợi, chỉ vì không muốn thất thoát tiền bạc của Nhà nước mà miễn cưỡng trở thành doanh nhân!

Chuyện là, trong một lần được giao thiết kế công trình thủy nông ở huyện Phú Bình, ông Trưởng ty muốn con đường vào công trình phải được nắn cong “mềm mại” qua trước cửa nhà ông. Kỹ sư Đặng Lê Hoa không chịu thay đổi thiết kế vì như vậy vừa không phù hợp với công trình mà kinh phí lại tăng lên quá nhiều. Thế là ông bị “đì”, liên tục bị gây khó dễ trong mọi việc ở cơ quan.

Chán cảnh bị hành, ông Hoa xin nghỉ hưu sớm, về “bới đất lật cỏ” nuôi bản thân và gia đình. Trên mảnh vườn khá rộng, ông đã chăm chỉ lao động, trồng rau, nuôi lợn, trồng táo lai rồi chiết táo bán cây giống… Có chút vốn, ông bắt đầu kinh doanh nhưng cũng rất vất vả, đâu đã giàu ngay được. Cái người đàn ông gày nhẳng mà giàu nghị lực, cái người đàn ông khi đi xe máy cũng tranh thủ gặm bánh mì này làm ăn khá nghiêm chỉnh, biết giữ chữ tín, nên may mắn đã đến, ông ký được hợp đồng cung cấp gạo cho 2 quân đoàn và các đơn vị thuộc quân khu Một cái thời sau chiến tranh biên giới và bắt đầu nổi lên.

Ông lặn lội vào tận Miền Nam tìm mua gạo đảm bảo chất lượng và những toa tàu đầy ắp gạo kìn kìn chuyển ra theo hợp đồng đã giúp ông có được khoản lời không nhỏ. Có tiền, ông nhảy sang kinh doanh các lĩnh vực khác như buôn xi măng, sắt thép, thầu xây dựng, bất động sản… Có thời kỳ ông bỏ tiền ra bao toàn bộ nhà máy cán thép Gia Sàng, một cơ sở cán thép hiện đại theo công nghệ Đức đang ngắc ngoải, duy trì sản xuất, trả lương công nhân… đổi lại ông được quyền bao tiêu sản phẩm của nhà máy.

Sau chuyến đi cùng Ban biên tập tôi gặp ông Hoa thêm 2 lần nữa, và viết bài đăng trên số báo tết với nhan đề sến sẩm, rũa mòn “Đầu năm trò chuyện với một nhà doanh nghiệp”. Cũng bài ấy, tôi sửa đi chút ít và gửi đăng trên tờ Kinh doanh và Pháp luật. Có một doanh nhân trong Nghệ An đọc bài báo của tôi rồi lần ra Bắc Thái tìm ông Hoa, tuyên bố: “Tôi đọc được bài báo viết về ông, tôi ra tìm vì muốn hợp tác với ông”. Và một hợp đồng mua thép trị giá hơn 2 tỷ đã được ký kết. Thời ấy 2 tỷ là một khoản tiền rất lớn. Cũng đến tận lúc ấy tôi mới biết giá trị vô hình cũng như hữu hình của báo chí, truyền thông.

Tết năm đó ông đến thăm tôi ở Mỏ Bạch. Thấy ngôi nhà lụp xụp, dột nát, ông đề nghị: – Cô chú đi thuê nhà ở tạm, anh sẽ làm tặng chú cái nhà, hình thức ta cụ thể sau. Tôi bảo, em chẳng có tiền ngay đâu, bác làm, rồi ưu tiên cho em trả chậm là tốt lắm rồi. Sáu tháng sau, tôi có một ngôi nhà 2 tầng xinh xinh, tường mốt đá rửa, cửa cao thoáng đãng ở mặt phố, đối diện với Đại Học Sư Phạm Việt Bắc, thời ấy thế là oai lắm rồi.

Sau này để có được những thương hiệu sản phẩm như Thép PomiHoa, Xi măng PomiHoa… doanh nhân Đặng Lê Hoa đã trải qua rất nhiều trắc trở, thậm chí tù đày. Tôi nhớ, năm 1993, qua sự giới thiệu của một ông Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Hoa mua trụ sở của một Hợp tác xã thủ công ở phố Cát Linh, giấy tờ, hợp đồng mua bán đầy đủ, thế mà vẫn bị “đóng sống” cho tội “kinh doanh trái phép”, thậm chí có tờ báo gọi ông là kẻ ăn cắp đất. Khi đưa ra xét xử, mặc dù không có chứng cớ gì, Tòa án vẫn bắt tù ông, tuyên đúng bằng thời gian ông bị tạm giam.

Còn tay ra lệnh bắt người oan sai thì “bị” đá hất từ Trưởng công an quận lên làm trưởng phòng cấp sở. Một doanh nhân nhiều thành công nhưng cũng lắm truân chuyên như ông có không ít chuyện để kể, như tự ứng cử đại biểu quốc hội, tự bỏ tiền ra làm đường, mở trường đại học và rất nhiều ý tưởng như nhặt trẻ mồ côi về đào tạo rồi xắp sếp việc làm ở công ty của mình… có dịp tôi sẽ kể sau. Tuy nhiên, qua tiếp xúc, viết bài về một doanh nhân cụ thể, tôi có thể rút ra kết luận: báo chí, doanh nhân, doanh nghiệp, luôn “ở bên nhau”.

Trong những năm đổi mới, cùng với sự bùng nổ, phát triển nhanh chóng của khối doanh nghiệp, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của báo chí. Mối quan hệ giữa Báo chí và Doanh nghiệp đang ngày càng khăng khít, với mục đích chung vì sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Và giới doanh nhân ngày càng có vị thế trong xã hội, không còn bị coi là “lũ bóc lột” như trước nữa.

Báo chí không chỉ có vai trò quan trọng thông tin trong lĩnh vực chính trị – văn hóa – xã hội, mà nó còn có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế. Với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp từ năm 1999 cùng với sự bùng nổ, phát triển nhanh chóng của khối doanh nghiệp, người ta thấy rõ vai trò không thể thiếu của báo chí trong sự đồng hành, hợp tác và hỗ trợ cho sự phát triển đó.

Theo Tầm Nhìn

Link gốc: Tầm Nhìn

Tin liên quan