Sự cần thiết phải sửa đổi các quy định của pháp luật về quảng cáo

Tác giả : Admin 19/12/2022

Ngày 14/11/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 181/NĐ-CP “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo” mở đầu cho hàng loạt các thông tư, hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan và các quy định, quy chế tại các tỉnh, thành phố.

Cách đây đúng 10 năm, ngày 21 tháng 6 năm 2012, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 và có hiệu lực từ 01/01/2013. Tiếp đó, ngày 14/11/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 181/NĐ-CP “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo” mở đầu cho hàng loạt các thông tư, hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan và các quy định, quy chế tại các tỉnh, thành phố.

Luật Quảng cáo ra đời là sự chú ý đặc biệt của Nhà nước đối với vai trò của ngành quảng cáo. So với các văn bản quy định trước đó, Luật Quảng cáo đã tạo một hành lang pháp lý cao hơn, hoàn thiện hơn với mục đích tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo phát triển mạnh mẽ, đúng hướng, bắt kịp xu hướng hội nhập nên được những người hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo đặt rất nhiều kỳ vọng.

Quá trình thực hiện Luật Quảng cáo và các văn bản quy định thời gian qua đã mang lại một số kết quả nhất định: Các doanh nghiệp nhận thức được về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ trong sản xuất kinh doanh quảng cáo; vai trò, hiệu lực quản lý của các cơ quan nhà nước được nâng cao; vị trí của hội nghề nghiệp về quảng cáo được phát huy… là những yếu tố quan trọng đưa hoạt động quảng cáo ngày càng đi vào nền nếp, góp phần tích cực vào việc phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và cả nước.

Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện, có thể nói kết quả trong việc triển khai Luật Quảng cáo còn bị hạn chế. Trước những diễn biến rất nhanh, rất khó lường của thực tiễn, Luật Quảng cáo và các văn bản quy định của các cấp, các ngành còn bộc lộ nhiều bất cập rất cần được bổ sung, sửa đổi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng cáo Việt Nam phát triển, thích ứng với quá trình hội nhập ngành quảng cáo thế giới.

I. VỀ NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP 

Ngành quảng cáo là một trong số ít ngành chịu sự chi phối bởi rất nhiều văn bản quy định. Mười năm qua, ngoài Luật Quảng cáo của Quốc hội, còn hàng chục văn bản luật, nghị định, nghị quyết, chỉ thị, thông tư của các bộ, ngành và tới cả trăm văn bản tự các địa phương ban hành. Cũng từ đó đến nay, qua các hội nghị, hội thảo, qua phản ánh của hội viên, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã có trên 50 văn bản chính thức báo cáo, phản ánh, kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và cơ quan quản lý các cấp tháo gỡ những hạn chế, bất cập gây khó khăn không ít cho hoạt động quảng cáo. Phần lớn những khó khăn, hạn chế, bất cập này đã được Bộ VHTTDL ghi nhận tại Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Luật Quảng cáo nhưng đến nay qua 10 năm thi hành Luật vẫn chưa có nhiều chuyển biến, thay đổi thể hiện ở một số điểm chính  như sau:

1. Bất cập trong nội dung các văn bản:

Giữa các văn bản còn thiếu đồng bộ, còn chồng chéo thiếu tính nhất quán từ trên xuống dưới. Có văn bản đưa ra những quy định thiếu khả thi, thậm chí một số văn bản còn có nội dung trái ngược, mâu thuẫn với nhau. Đáng ngại nhất là một số địa phương còn tự ban hành những tiêu chuẩn, quy định riêng không phù hợp với các văn bản cấp trên làm khó khăn cho doanh nghiệp. Điểm này làm giảm đi tính thông thoáng, cởi mở mà Luật Quảng cáo muốn hướng tới.

Nhiều khái niệm, từ ngữ trong các văn bản còn mang tính chất định tính, chưa được giải thích cụ thể rõ ràng tạo ra những cách hiểu, duyệt khác nhau giữa các cơ quan quản lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi xin phép thực hiện quảng cáo.

Những quy định về diện tích, chiều cao, khoảng cách cho quảng cáo ngoài trời; thời lượng, tỷ lệ quảng cáo trong lĩnh vực báo chí, truyền thông không hợp lý, chưa phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế. Trong khi đó, với sự phát triển rất mạnh của khoa học kỹ thuật hiện đại, nhiều loại hình quảng cáo mới như quảng cáo kỹ thuật số 3D, 4D, phương thức quảng cáo tại các sân bóng đá theo quy chuẩn FIFA, đặc biệt quảng cáo trên các mạng xã hội đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường, tác động lớn vào nền tảng văn hóa, xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của Nhà nước.

Sự cần thiết phải sửa đổi các quy định của pháp luật về quảng cáo
Nhà báo Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam

Quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quảng cáo vẫn còn phức tạp. Luật quảng cáo khi ban hành được đánh giá là một văn bản thông thoáng, minh bạch, giảm thủ tục hành chính, nhưng khi Chính phủ ban hành Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013  lại có Điều 12 không phù hợp với Điều 19 của Luật Quảng cáo khi quy định việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo làm nảy sinh một loại giấy phép mới mà Pháp lệnh Quảng cáo trước đó chỉ cần thông báo là đủ. Đây là một bước lùi trong cải cách hành chính và làm hạn chế tiến trình hội nhập quốc tế của ngành quảng cáo.

Việc cải cách hành chính tiến hành chậm, vẫn mang tính xin-cho. Trên thực tế, ở địa phương, việc giải quyết hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo bằng hình thức trực tuyến chưa áp dụng phổ biến; hồ sơ, thủ tục xin phép xây dựng, thực hiện quảng cáo khó khăn, phức tạp hơn so với quy định của Luật Quảng cáo. Thời gian xin cấp phép được một bảng quảng cáo phải mất từ 3 tháng đến 6 tháng, thậm chí tới cả năm vì phải qua nhiều bước đưa đẩy, thẩm định lòng vòng từ xã, phường, huyện quận đến các sở ngành khiến các doanh nghiệp mất nhiều thời gian, tốn chi phí và đáng tiêc hơn là lỡ thời cơ, vỡ kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

 Quy định về việc lập quy hoạch quảng cáo vẫn còn bất cập, lúng túng nhất là từ khi Luật Quy hoạch 2017 được ban hành. Đã qua 10 năm, Bộ Văn hóa, Thẻ thao và Du lịch cũng đã có hai văn bản hướng dẫn việc lập quy hoạch quảng cáo nhưng ở nhiều tỉnh, thành chưa được hoàn chỉnh, chất lượng quy hoạch không cao, Việc quy hoạch cứng từng vị trí bảng, biển không phù hợp với thực tế, không theo kịp với tốc độ phát triển của các đô thị. Nhiều nơi còn thiếu tính công khai, doanh nghiệp khó được tiếp cận.

2. Bất cập về tổ chức thực hiện: 

Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động quảng cáo chưa được thường xuyên, rộng rãi đến các đối tượng. Ở các địa phương nặng về kiểm tra, xử lý, áp đặt hơn là việc tuyên truyền, đối thoại công khai, minh bạch với doanh nghiệp. Trái lại, nhiều nơi còn trưng dụng quá mức sự đóng góp của các doanh nghiệp, làm ảnh hưởng không ít đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều bất cập nảy sinh từ các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn về quảng cáo được cở sở phản ảnh nhưng không được tháo gỡ kịp thời, sửa đổi, bổ sung rất muộn như: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 17:2013/BXD (QCVN 17) về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời ban hành kèm theo Thông tư số 19/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng có nhiều điểm chưa phù hợp được HHQCVN phản ánh ngay từ năm 2014 nhưng mãi đến năm 2018 mới được Bộ Xây dựng sửa đổi.

Những điều kiện về thủ tục cấp phép xây dựng với nhiều điểm mâu thuẫn tồn tại trước, sau Luật Quảng cáo trong Luật Đất đai, Luật Xây dựng số 50/2014 mãi gần đây mới được chỉnh sửa một phần theo tinh thần của  Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016, Nghị quyết số 35-2016/NQ-CP ngày 16/5/2016 và Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Hay hoạt động dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới đến tháng 7/2021 Chính phủ mới có Nghị định số 70/2021/NĐ-CP để quản lý… Những sự chậm trễ này không chỉ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các nhà quảng cáo mà còn làm thiệt thòi đến lợi ích kinh tế – xã hội của đất nước.

Việc kiểm tra, xử lý còn chồng chéo, nhiều lực lượng tham gia nhưng việc xử lý còn hạn chế, chưa bao quát hết các đối tượng nên hiệu quả xử lý không  cao khiến tình trạng quảng cáo không phép, sai phép sai sự thật vẫn còn phổ biến. Dư luận xã hội gần đây phản ứng mạnh mẽ và đề nghị các cơ quan quản lý cần có chế tài đủ sức răn đe với các nghệ sỹ, người mẫu, nhà đài… được các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiếu trung thực, thiếu lương tâm thuê đê quảng cáo phóng đại, thổi phồng, sai sự thật cho thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm, làm đẹp kém chất lượng gây tổn hại cho người dùng.

Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo do Luật Quảng cáo đề  ra và được  Bộ Văn hóa thành lập theo Thông tư số: 10/2013/TT-BVHTTDL ngày 06 tháng 12 năm 2013. Tuy nhiên, quy định về hoạt động của Hội đồng chưa đầy đủ; các doanh nghiệp ít biết vai trò của Hội đồng nên hoạt động của Hội đồng còn hạn chế, chưa phát huy được nhiệm vụ của mình.

II. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP 

Từ những hạn chế, bất cập nêu trên, chúng tôi thấy việc bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật về quảng cáo, nhất là Luật Quảng cáo vào thời điểm này là rất cần thiêt và cấp bách. Nếu không nhanh chóng được giải quyết thì nền công nghiệp quảng cáo Việt Nam đầy tiềm năng sẽ khó có điều kiện phát triển ngay trong nước chứ chưa nói đến việc thích ứng với quá trình hội nhập ngành quảng cáo thế giới.

Về phía Hiệp hội Quảng cáo VN, chúng tôi đã gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch những góp ý sửa đổi, bổ sung chi tiết tới từng điều khoản của Luật Quảng cáo các văn bản liên quan. Tại Hội nghị này, chúng tối xin được đề xuất một số giải pháp để mong việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quảng cáo được hiệu quả, mang lại lợi ích thiêt thực. Cụ thể là:

1. Cần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của quảng cáo: Thực tế lâu nay cho thấy, hoạt động quảng cáo ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức.  Cộng đồng xã hội và cả các cơ quan quản lý còn có phần định kiến, đối xử chưa công bằng với các loại hình quảng cáo, chưa thấy hết được vai trò tích cực của quảng cáo trong việc đóng góp cho nền kinh tế – xã hội của đất nước, của địa phương. Đặc biệt các phương tiện quảng cáo ngoài trời (OOH) tuy chỉ chiếm từ 3-5% thị phần quảng cáo chung nhưng có thể nói nó loại hình trực quan hữu ích để hướng dẫn tiêu dùng, là thước đo sự phồn thịnh, là đòn bảy giúp phát triển kinh tế của địa phương, là thực thể chính tô điểm cho bộ mặt của đô thị thêm đẹp, thêm văn minh. Tuy vậy, quảng cáo ngoài trời lại đang là mục tiêu bị soi xét, bị xiết chặt nhiều nhất.

Hiệp hội đề nghị Nhà nước cần có biện pháp tích cực để phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như của cơ quan quản lý các cấp về vai trò của quảng cáo trong nền kinh tế thị trường theo giải pháp tại Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016  của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đề ra.

2. Tăng cường, cải tổ, cải tiến mạnh mẽ bộ máy, phương thức quản lý ở các cấp, các ngành để đáp ứng kịp thời sự phát triển của ngành quảng cáo bằng các biện pháp như:

Nghiên cứu tổ chức, phân định lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý hoạt động quảng cáo cả nước theo hình thức tập trung, một đầu mối có bộ máy chuyên nghiệp, quản lý hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Khắc phục tình trạng thiếu chuyên nghiệp, phân công, phân cấp quản lý chưa rõ ràng, phân tán bởi nhiều cơ quan như hiện nay.

Đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, khẩn trương ứng dụng công nghệ chuyển đổi số vào việc quản lý để bắt kịp sự phát triển của ngành quảng cáo vốn là  một trong những ngành luôn sáng tạo, đi đầu trong kỹ thuật chuyển đổi số.

Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nhân lực, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động quảng cáo để bắt kịp với tình hình. Bố trí thích đáng về kinh phí, phương tiện, điều kiện phục vụ cho  việc quản lý.

Phát huy hơn nữa vai trò tích cực  của các hội nghề nghiệp để hỗ trợ cho cơ quan quản lý trong việc vận động hội viên, doanh nghiệp quảng cáo trong việc nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật, tích cực đóng góp năng lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

3. Định hình khái niệm chủ thể làm quảng cáo.

Giới thiệu quảng bá sản phẩm, dịch vụ, chuyển tải thông điệp… được gọi là hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo.

Tham gia vào hoạt động quảng cáo gồm 7 chủ thể:

3.1. Các nhãn hàng, công ty…

3.2. Đơn vị làm ra sản phẩm quảng cáo (công nghiệp phụ trợ), bao gồm: Ý tưởng, thi công, sản xuất… ra sản phẩm.

3.3. Đơn vị phát thành quảng cáo.

3.4. Đơn vị chủ phương tiện chuyển tải nội dung quảng cáo

3.6.  Các đại lý bán quảng cáo

3.7. Cơ quan quản lý hoạt động quảng cáo.

Tất cả các chủ thể trên đều phải được thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong Luật quảng cáo sửa đổi.

4. Đối với quảng cáo ngoài trời:

Đề nghị bỏ khái niệm quảng cáo ngoài trời thay bằng khái niệm Quảng cáo ngoài nhà cho đúng với bản chất của loại hình này và phù hợp với thông lệ quốc tế

4.1. Quy định rõ, chi tiết các quy chuẩn thực hiện trên toàn quốc

4.2. Quy định rõ, chi tiết điều kiện đặt trị trí quảng cáo bảng, biển.

4.3. Yêu cầu các tỉnh, thành cả nước phải làm quy hoạch quảng cáo và thông báo công khai (có thời hạn cụ thể thực hiện).

4.4 Quy định thủ tục cấp phép quảng cáo một cửa rõ ràng, minh bạch

4.5 Đưa bổ sung các loại hình quảng cáo ứng dụng CNTT như: Chiếu sáng trên toàn nhà, quảng cáo trên bầu trời…

Sự cần thiết phải sửa đổi các quy định của pháp luật về quảng cáo
Đề nghị bỏ khái niệm quảng cáo ngoài trời thay bằng khái niệm Quảng cáo ngoài nhà cho đúng với bản chất của loại hình này và phù hợp với thông lệ quốc tế. Ảnh Minh Phan

5. Đối với truyền hình và các cơ quan báo chí.

Nhà nước đã có chủ trương, lộ trình để các cơ quan báo, đài tự cân đối thu chi, nhà nước đặt hàng đối với yêu cầu tuyên truyền về chủ chính sách. Nguồn thu chính của các đơn vị này là quảng cáo. Vì vậy, cần tuân theo cơ chế thị trường, không nên quy định khắt khe thời lượng, tần suất quảng cáo.

Người dân có quyền lựa chọn báo, đài nào hay, mang lại bổ ích để xem. It người xem thì sẽ không có book quảng cáo. Vì vậy, bản thân các đơn vị đó phải tự đầu tư làm cho chương trình hấp dẫn. Đấy là quy luật cung – cầu.

Đặc biệt các quy định cần tuân theo quy chuẩn quốc tế, tránh gây khó khăn cho các công ty Việt Nam trong cạnh tranh thị trường với các công ty nước ngoài (HHQCVN cũng đã có văn bản cụ thể góp ý nghị định 70 về vấn đề này)

6. Đối với quảng cáo trực tuyến, mạng xã hội xuyên biên giới:

6.1. Bổ sung thêm những hình thức quảng cáo mới với tầm nhìn ít nhất đến năm 2030 khi mà cuộc cách mạng 4.0 đang thay đổi nhận thức toàn xã hội. Với các ứng dụng AI, Blockchain, Metaverse… trong vài năm nữa sẽ xuất hiện đưa cuộc sống thường nhật vào thế giới ảo. Các sản phẩm, dịch vụ đều được số hóa.

Khi đó, trong Luật Quảng cáo chưa có quy định nên cơ quan quản lý bị động theo sau không quản lý được, nên không phát huy được các hình thức quảng cáo này.

6.2. Thương mại điện tử tạo ra nhiều hình thức giới thiệu, quảng bá đa dạng, phong phú, rất cần đưa việc quản lý vào trong Luật. Trong đó, cần làm rõ hình thức quảng cáo bán hàng nào chịu chế tài của Luật Quảng cáo.

6.3. Cần làm rõ hơn và có biện pháp đảm bảo quản lý cũng như thu đủ thuế đối với quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới, tránh để thất thu ngân sách như trong thời gian qua.

7. Quản lý quảng cáo:

7.1. Thống nhất quan điểm chủ thể phát hành quảng cáo, chủ thể chuyển tải nội dung chịu trách nhiệm… và hậu kiểm.

Tránh để như hiện nay, bảng biển quảng cáo ngoài trời phải xin phép nội dung quảng cáo còn nội dung phát trên bảng điện tử thì không phải xin phép…

7.2. Đối với các cơ quan quản lý: Nêu rõ cơ quan nào quản lý lĩnh vực gì, thời hạn cấp phép, quy trình thủ tục hành chính online.

Với tinh thần “Không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp và kỷ luật, kỷ cương quy trình lập pháp, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo phát triển bền vững đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm” mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu trong Lễ nhậm chức trước Quốc hội Khóa XV sẽ được quán triệt một cách triệt để trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo để Luật đi vào cuộc sống, thực sự tạo điều kiện cho ngành quản cáo Việt Nam phát triển vượt bậc, tự hào sánh vai với các nước phát triển.

Nhà báo  Nguyễn Trường Sơn
Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam

Theo Môi trường và Đô thị VN

Tin liên quan