Soi quy hoạch hệ thống giao thông “khủng” tại đô thị vệ tinh lớn nhất Thủ đô
Mới đây, siêu đô thị vệ tinh Hòa Lạc có quy mô hơn 17.000ha đã được Thủ tướng phê duyệt. Định hướng là đô thị khoa học công nghệ, đô thị sinh thái lớn nhất Thủ đô với quy mô dân số đến 2030 dự kiến 600.000 dân.
Theo quy hoạch định hướng đến 2030 tầm nhìn 2050, đô thị vệ tinh Hòa Lạc là đô thị sinh thái – nghỉ dưỡng, đô thị khoa học – công nghệ theo hướng phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, tiết kiệm năng lượng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội trên cơ sở gắn kết địa hình tự nhiên với hệ thống không gian, cảnh quan khu vực Ba Vì – Đồng Mô và sông Tích.
Đô thị Hòa Lạc được quy hoạch xây dựng 7 khu vực năng gồm khu công nghệ cao, khu đô thị sinh thái, khu vực đô thị Phú Cát – Hòa Thạch, khu Đại học Quốc gia và khu sân bay Hòa Lạc.
Bên cạnh những định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các chuỗi đô thị sinh thái, khu công nghệ cao, khu giáo dục đào tạo…Hòa Lạc còn được quy hoạch một hệ thống giao thông “khủng”, hiện đại để kết nối với khu vực trung tâm Thủ đô.
Hệ thống giao thông tại Hòa Lạc được quy hoạch những trục đường chính đối ngoại và giao thông vùng lõi đô thị rất đáng chú ý, cùng hệ thống giao thông công cộng hiện đại.
Theo đó, đáng chú ý là đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình (6 làn xe, hành lang rộng 120m) từ Đại lộ Thăng Long, đây là tuyến trục chính xuyên tâm kết nối Hòa Lạc với Hà Nội và Hòa Bình. Đường sắt nội vùng Hà Nội – Hòa Bình: Kết nối thành phố Hà Nội với thành phố Hòa Bình và đi theo hành lang đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình với điểm đầu tuyến nằm tại Đô thị Hòa Lạc.
Tuyến đường sắt nội vùng Hà Nội – Hòa Bình sẽ được kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 5 tại tổ hợp gồm ga đầu – cuối, đề pô tuyến đường sắt đô thị số 5, bến xe liên tỉnh phía Tây, điểm đầu cuối xe buýt.
Đường Hồ Chí Minh: Là tuyến giao thông đối ngoại của toàn thành phố Hà Nội và đô thị Hòa Lạc, đoạn qua thành phố Hà Nội còn đóng vai trò là đường vành đai 5 của Thủ đô Hà Nội, hành lang tuyến rộng 120 m.
Hệ thống đường sắt đô thị đáng chú ý khác của Hòa Lạc là tuyến hướng tâm (tuyến đường sắt số 5): Là tuyến hướng tâm đi trong hành lang đại lộ Thăng Long. Chiều dài tuyến qua đô thị Hòa Lạc khoảng 12,8 km và bố trí 05 nhà ga.
Tuyến đường sắt nối các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai: Là tuyến đường sắt đô thị đi trong đường trục chính đô thị (đường 21 hiện có). Chiều dài tuyến qua đô thị Hòa Lạc khoảng 15,5 km và bố trí 06 nhà ga.
Trong vùng lõi đô thị Hòa Lạc còn có trục Đại lộ Thăng Long và đoạn kéo dài đến nút giao với đường Hồ Chí Minh, là đường cao tốc đô thị, có mặt cắt ngang rộng 120 – 140 m với 6 làn đường cao tốc, 6 làn đường gom hai bên.
Đoạn đường 21 đi qua đô thị Hòa Lạc được cải tạo mở rộng và là đường trục chính đô thị, mặt cắt ngang rộng 80 m, 14 làn xe trong đó có 4 làn đường gom.
Ngoài trục Đại lộ Thăng Long, đường sắt đô thị số 5 siêu đô thị vệ tinh Hòa Lạc còn được kết nối với trung tâm Thủ đô bởi trục Hồ Tây – Ba Vì. Đây là tuyến đường rất đáng chú ý được quy hoạch xây dựng mới theo Quy hoạch chung Hà Nội đến 2030, là tuyến đường xây dựng mới, là đường bao phía Bắc đô thị Hòa Lạc có mặt cắt ngang rộng 60m gồm 6 – 8 làn xe.
Trong khu vực nội thị đô thị Hòa Lạc còn có tuyến đường bao phía Đông và phía Nam có mặt cắt ngang 50m gồm 6 – 8 làn xe. Chiều dài tuyến trong khu vực nội thị khoảng 13,7 km. Các tuyến đường trục chính đô thị và đường liên khu vực kết nối với đường cao tốc và đường trục chính đô thị (bằng các nút khác cốt), có mặt cắt ngang từ 30 – 50 m, 4 – 8 làn xe (tùy từng khu vực).
Quy hoạch sẽ ưu tiên dành quỹ đất đường giao thông để bố trí làn đường riêng cho phương tiện giao thông công cộng, mở rộng vỉa hè, dành làn đường cho đi bộ, xe đạp và trồng cây bóng mát. Bố trí tuyến “giao thông xanh” (có mặt cắt ngang 50 m) ưu tiên dành quỹ đất cho các phương tiện giao thông công cộng (bus, BRT, tramway…) kết nối khu đô thị đại học với các khu chức năng còn lại của đô thị Hòa Lạc và đảm bảo nhu cầu đi lại của sinh viên, cán bộ giảng dạy khi khả năng đáp ứng về nhà ở của khu đại học còn hạn chế.
Theo An Bình-Nhịp sống kinh tế