SHB và World Bank ký hợp đồng bảo lãnh Quỹ Khí hậu Xanh (GCF)
Ngày 09/12/2021, trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành Công nghiệp Việt Nam (VSUEE) do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), WB và Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký Hợp đồng bảo lãnh GCF với tổng giá trị 75 triệu USD.
Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành Công nghiệp Việt Nam có quy mô 86,3 triệu USD trong đó: 11,3 triệu USD để thực hiện các hoạt động quản lý, vận hành Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF) và hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước, các Ngân hàng thương mại tham gia dự án, các doanh nghiệp công nghiệp và các công ty dịch vụ năng lượng; 75 triệu USD để thực hiện bảo lãnh các khoản vay đầu tư tiết kiệm năng lượng. Dự án sẽ góp phần hỗ trợ Chính phủ đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu…
SHB tham gia dự án với vai trò là ngân hàng phát hành bảo lãnh cho các Ngân hàng tham gia cấp tín dụng cho các dự án vốn vay đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng tiếp cận Quỹ Chia sẻ rủi ro có trị giá 75 triệu USD do GCF và WB tài trợ.
Mô hình chia sẻ rủi ro của Quỹ RSF mà SHB quản lý là mô hình rất mới trên thế giới và lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Đây sẽ là giải pháp đầy hứa hẹn đối với tương lai của các dự án về hiệu quả năng lượng nói riêng và vấn đề an ninh năng lượng nói chung tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội nhận được nguồn vốn tài trợ từ các NHTM để mạnh dạn nghiên cứu và đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất.
Phát biểu tại lễ ký kết, bà Carolyn Turk – Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết thúc đẩy tiết kiệm năng lượng là giải pháp vượt trội với chi phí thấp nhất để đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc: đảm bảo an ninh năng lượng, chống ô nhiễm và giảm phát thải khí nhà kính đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh nguồn tài chính công cho năng lượng còn hạn chế, quỹ chia sẻ rủi ro là một công cụ tài chính sáng tạo để huy động tài chính từ khu vực tư nhân cho đầu tư nhằm tăng cường áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp.
Tham dự buổi lễ, đại diện SHB – bà Ngô Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc chia sẻ:“Chúng tôi cam kết sẽ dành và chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để triển khai dự án hiệu quả; cam kết tuân thủ các quy định có liên quan trong quá trình thực hiện dự án, góp phần cùng cơ quan chủ quản thực hiện dự án thành công. Trong thời gian tới, SHB tin tưởng và hy vọng Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam sẽ có nhiều hơn những hoạt động, chương trình, dự án hiệu quả để thúc đẩy chương tình tiết kiệm năng lượng nói riêng và ngành công nghiệp năng lượng xanh của Việt Nam nói chung phát triển mạnh mẽ và bền vững.”
SHB hiện đã và sẽ phấn đấu duy trì vị trí top đầu trong số các Ngân hàng TMCP tư nhân về tín dụng xanh.Tính đến cuối năm 2020, SHB là một trong các ngân hàng TMCP tư nhân với dư nợ cho vay các dự án xanh lớn trong toàn hệ thống ngân hàng. Ngân hàng luôn tích cực, chủ động tiếp cận các nguồn vốn xanh của các định chế tài chính quốc tế (WB, ADB, KfW, JICA…), xem xét phát hành trái phiếu xanh,… nhằm tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam, đặc biệt là các dự án năng lượng xanh. Với lợi thế đó, SHB đã mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho chủ đầu tư các dự án xanh như ưu đãi thời hạn vay, ưu đãi lãi suất thấp. SHB cũng tập trung hỗ trợ khách hàng nâng cao nhận thức về hoạt động kinh tế xanh, đặc biệt là tuân thủ các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường của các dự án xin vay vốn. Đối với các dự án tài trợ nước ngoài, Ngân hàng tham gia hỗ trợ cung cấp tư vấn an toàn kỹ thuật, đào tạo về yêu cầu và việc đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn E&S của nhà tài trợ.
Với nhiều giải pháp thiết thực, SHB vinh dự được các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế vinh danh nhiều giải thưởng: “Ngân hàng Tiêu biểu về Tín dụng Xanh 2020” trong khuôn khổ giải thưởng uy tín Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu; “Ngân hàng có Sáng kiến Quản lý Đại dịch Covid Tốt nhất 2021” – hạng mục ngân hàng bán buôn; giải thưởng “Ngân hàng trách nhiệm xã hội – Ngân hàng xanh 2021”…
Thông tin về SHB:
SHB hiện đứng trong Top 5 Ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam, Top 10 Ngân hàng Thương mại cổ phần uy tín nhất Việt Nam, Top 50 Doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam, Top 100 Ngân hàng khu vực ASEAN, Top 500 ngân hàng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Top 1.000 Ngân hàng toàn cầu và là 1 trong 10 tổ chức tín dụng có tầm ảnh hưởng quan trọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam… SHB vinh dự được trao tặng Huân chương lao động Hạng Nhì (Lần thứ 2), Huân chương lao động Hạng Ba và rất nhiều cờ, Bằng khen, Giấy khen của Chính Phủ, các Bộ, Ngành, Đoàn thể và các Giải thưởng cao quý khác.
Tính đến 30/09/2021, SHB có tổng tài sản đạt 464 nghìn tỷ đồng. Vốn điều lệ hiện nay đạt hơn 19.260 tỷ đồng. Vốn tự có đạt 43,3 nghìn tỷ đồng. SHB đã phát triển mạnh mẽ với hơn 530 điểm giao dịch trong và ngoài nước, phục vụ hơn 5 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và kết nối tới 400 ngân hàng đại lý trên khắp các châu lục.
Với tôn chỉ Phụng sự từ Tâm và phương châm hoạt động “Đối tác tin cậy – Giải pháp phù hợp”, SHB hướng tới mục tiêu ngân hàng số 1 về hiệu quả kinh doanh và công nghệ trong hệ thống NHTM tại Việt Nam. Tầm nhìn năm 2030, SHB trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại trong top đầu của khu vực, hiện thực hóa Khát vọng dẫn đầu./.
Thông tin về World Bank:
Ngân hàng Thế giới (WB) được thành lập vào năm 1944, trụ sở chính đặt tại Washington, D.C. WB hiện có hơn 9000 nhân viên làm việc tại hơn 100 văn phòng đại diện trên toàn thế giới.
WB là tổ chức quốc tế gồm có 5 cơ quan hoạt động tương đối độc lập với nhau gồm: (i) Hiệp hội Phát triển Quốc Tế (IDA); (ii) Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD); (iii) Tổ chức Tài chính Quốc Tế (IFC); (iv) Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa biên (MIGA); và (v) Trung tâm Quốc tế về xử lý tranh chấp Đầu tư (ICSID). Tuy nhiên, nói đến WB là nói đến hai tổ chức IBRD và IDA. Mỗi tổ chức đều có vai trò riêng biệt trong cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân các nước đang phát triển.
WB là một trong các nhà tài trợ lớn nhất trong ngành năng lượng Việt Nam. Trong những năm qua WB đã cung cấp lượng lớn vốn ODAvà viện trợ không hoàn lại cho hỗ trợ kỹ thuật, tài trợ các dự án năng lượng sạch bao gồm hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo, các dự án hạ tầng năng lượng truyền tải, phân phối và các dự án điện nông thôn.
Theo Doanh nghiệp và Thương hiệu.