“Một triển vọng kinh tế rất tươi sáng đang chờ đợi chúng ta. Niềm tin xã hội, niềm tin thị trường và đặc biệt là niềm tin các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch đang gia tăng mạnh mẽ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong buổi lễ khởi công. Theo Thủ tướng, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng không cao nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương theo đánh giá của Tổ chức hàng không quốc tế ICAO.
Đến 2025, nhu cầu vận chuyển hàng không Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đạt trên 65 triệu hành khách; năm 2030 đạt trên 80 triệu hành khách. Nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa qua các Cảng hàng không ngày càng lớn trong bối cảnh hạ tầng hàng không chưa được cải thiện đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế – xã hội. Chính vì vậy, sân bay quốc tế Long Thành ra đời.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất trên thế giới. Đây cũng là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ của đất nước, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh – tế xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Đây cũng là dự án hạ tầng có tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay (hơn 16 tỉ USD), sau khi đi vào hoạt động, sân bay này có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3 – 5%.
Mục tiêu của Dự án là xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Trong giai đoạn đầu của dự án sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn này khoảng 109.111 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025. Trong đó, Dự án thành phần 3 (Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện) được giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư với tổng vốn 99.019 tỷ đồng.
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ áp dụng các công nghệ hiện đại và có tính mở để có thể dễ dàng cập nhật các công nghệ tiên tiến nhất trong việc đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành khai thác theo tiêu chuẩn quốc tế và tương đương; bảo đảm khai thác hiệu quả, chính xác, độ tin cậy cao với đầy đủ chức năng dự phòng, tiết kiệm năng lượng.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương lãnh đạo các bộ, ngành và đặc biệt là nhân dân tỉnh Đồng Nai tích cực đồng thuận trong giải phóng mặt bằng phục vụ dự án với trên 2.200 ha đất đã được giải phóng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có vị trí địa lý và khí hậu thuận lợi, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, có khả năng tiếp thu các loại máy bay dân dụng lớn nhất, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các đường bay trong nước và quốc tế, khắc phục tình trạng quá tải tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu đi tăng trưởng của thị trường hàng không, đặc biệt là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, tăng cường khả năng bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Tỉnh Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam bộ, Bộ Giao thông vận tải sớm có phương án kết nối giao thông với Sân bay Long Thành đồng bộ, kể cả phát triển các khu đô thị, hệ thống dịch vụ, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam… mở ra không gian phát triển mới nhờ kết nối, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mới thiên về sản xuất, dịch vụ, tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho cả vùng Đông Nam bộ và cả nền kinh tế.
“Hệ thống sân bay Việt Nam, trong đó có sân bay Long Thành sẽ đóng góp quan trọng vào sự hùng cường của Việt Nam trong thời gian tới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo Môi trường và Đô thị VN