Quy định mới về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (quỹ).
Quỹ được tổ chức, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận
Tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP, mục đích tổ chức, hoạt động của quỹ được nêu rõ: Quỹ được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Nghị định số 136/2024/NĐ-CP đã nhấn mạnh: Quỹ được tổ chức, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ tài nguyên và môi trường, cộng đồng, từ thiện, nhân đạo.
Sửa đổi quy định tên, biểu tượng của quỹ
Theo Nghị định số 93/2019/NĐ-CP, Quỹ được chọn tên và biểu tượng. Tên và biểu tượng của quỹ phải đáp ứng các điều kiện sau: Không trùng lắp hoặc gây nhầm lẫn với tên hoặc biểu tượng của quỹ khác đã được đăng ký trước đó; không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc; quỹ phải có tên bằng tiếng Việt và có thể được dịch ra tiếng quốc tế theo quy định của pháp luật.
Tại Nghị định số 136/2024/NĐ-CP, Chính phủ quy định: Tên của quỹ phải đáp ứng các điều kiện sau:
1- Quỹ phải có tên bằng tiếng Việt và có thể được dịch ra tiếng nước ngoài theo quy định của pháp luật và phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của quỹ;
2- Không trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với tên của quỹ khác đã được đăng ký hợp pháp trước đó;
3- Không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;
4- Không gắn với tên riêng của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chức sắc tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng, các sáng lập viên thành lập quỹ, thành viên Hội đồng quản lý quỹ và người có quan hệ gia đình với sáng lập viên, thành viên Hội đồng quản lý quỹ;
5- Không gây hiểu nhầm, dẫn đến mâu thuẫn, nguy cơ xung đột quan điểm, lợi ích giữa các tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, cộng đồng các dân tộc tại Việt Nam; không trái với quy định tại các điều ước, thỏa thuận, hiệp định, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên; không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Biểu tượng của quỹ không được trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với biểu tượng của quỹ khác được đăng ký hợp pháp trước đó, không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, không gây hiểu nhầm, dẫn đến mâu thuẫn, nguy cơ xung đột quan điểm, lợi ích giữa các tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, cộng đồng các dân tộc tại Việt Nam; không trái với quy định tại các điều ước, thỏa thuận, hiệp định, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên, không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Biểu tượng của quỹ phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Sửa định mức chi hoạt động quản lý quỹ
Về định mức chi hoạt động quản lý quỹ, theo Nghị định số 93/2019/NĐ-CP: Hội đồng quản lý quỹ quy định cụ thể tỷ lệ chi cho hoạt động quản lý quỹ, không quá 5% tổng thu hàng năm của quỹ (không bao gồm các khoản: Tài trợ bằng hiện vật, tài trợ của Nhà nước để thực hiện các dịch vụ công, đề tài nghiên cứu khoa học, các chương trình mục tiêu, đề án do Nhà nước đặt hàng và các khoản tài trợ có số tiền, địa chỉ của người nhận).
Trường hợp nhu cầu chi thực tế cho hoạt động quản lý quỹ vượt quá 5% tổng thu hàng năm của quỹ thì Hội đồng quản lý quỹ quy định mức chi nhưng tối đa không vượt quá 10% tổng thu hàng năm của quỹ.
Trường hợp chi phí quản lý của quỹ đến cuối năm không sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng theo quy định.
Nghị định số 136/2024/NĐ-CP sửa đổi quy định về định mức chi hoạt động quản lý quỹ như sau:
Hội đồng quản lý quỹ quy định cụ thể tỷ lệ chi cho hoạt động quản lý quỹ từ nguồn tài sản, tài chính của quỹ nhưng không quá 10% tổng chi trong năm của quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho các chương trình, các đề án theo điều lệ quỹ và quy định pháp luật (không bao gồm các khoản: Tài trợ bằng hiện vật, tài trợ của Nhà nước để thực hiện các dịch vụ công, đề tài nghiên cứu khoa học, các chương trình mục tiêu, đề án do Nhà nước đặt hàng và các khoản tài trợ có số tiền, địa chỉ của người nhận).
Trường hợp chi phí quản lý của quỹ đến cuối năm không sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng theo quy định.
Lợi dụng danh nghĩa quỹ xã hội, quỹ từ thiện tổ chức hoạt động trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Tại Nghị định số 136/2024/NĐ-CP, Chính phủ bổ sung quy định về xử lý vi phạm như sau: Người nào vi phạm về việc thành lập quỹ, lợi dụng danh nghĩa quỹ để tổ chức, hoạt động trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thành lập quỹ và quản lý tổ chức, hoạt động của quỹ trái với quy định của Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2024.
Theo Cổng thông tin Chính phủ